Chỉ trong vòng 2 tuần tới, người dân xứ Catalan (Tây Ban Nha) sẽ tham gia vào cuộc bỏ phiếu trong sự kiện trưng cầu dân ý nhằm tách ra khỏi Tây Ban Nha và hình thành một nước Cộng hòa độc lập. Tuy nhiên, khoảng thời gian này còn tiềm ẩn nhiều điều bất trắc.
Ông Carles Puigdemont, người đứng đầu chính quyền Catalan. (Nguồn: AFP).
Kể từ khi ông Carles Puigdemont, người đứng đầu chính quyền Catalan, kêu gọi trưng cầu dân ý vào ngày 1/10 tới, chính phủ trung ương Tây Ban Nha đã tiến hành mọi hành động trong quyền lực của mình để đảm bảo rằng điều đó sẽ không xảy ra.
Chính quyền Madrid nói rằng cuộc trưng cầu là vi hiến cũng giống như các bộ luật mà Nghị viện Catalan thông qua cách đây 1 tuần, trong đó cắt đứt khu vực này khỏi quyền kiểm soát hành chính và lập pháp của Madrid nếu như kết quả trưng cầu nói "Có" với độc lập.
Nếu như chiến lược của chính quyền Catalan là khơi dậy phản ứng từ Madrid, thì họ đã thành công. Trong khi từ chối thảo luận về vấn đề này, chính phủ Tây Ban Nha đã tung ra một loạt lời đe dọa, trong đó gồm chiếm quyền kiểm soát tài chính của Catalan và tước quyền tự trị của khu vực này.
Madrid cũng dọa sẽ cấm các lãnh đạo Catalan được vào các văn phòng làm việc và cảnh báo rằng họ có thể sẽ bị bỏ tù. Tổng chưởng lý Tây Ban Nha còn nói rằng bất cứ vị Thị trưởng nào cho phép các tòa nhà công được sử dụng như điểm bỏ phiếu sẽ bị truy tố.
Bất cứ ai in ấn hay phân phát các lá phiếu trưng cầu hoặc cung cấp các hòm bỏ phiếu cho trưng cầu đều có khả năng bị khởi tố, và chính quyền Madrid còn dọa sẽ cắt điện ở các trường học được tận dụng làm điểm bỏ phiếu. Họ cũng cảnh báo giới nhân viên chuyên thiết kế áp phích không được tham gia vào cuộc trưng cầu này.
Ngoài ra, Mossos d'Esquadra, lực lượng cảnh sát xứ Catalan, những người được xem như anh hùng vì cách xử lý các vụ tấn công khủng bố ở khu vực này hồi tháng trước, cũng được chỉ thị phải can thiệp để ngăn chặn các khu vực bỏ phiếu trưng cầu dân ý.
Trong ngày 6-9 vừa qua, lực lượng Bảo vệ Dân sự của Tây Ban Nha đã đóng cửa website chính thức của cuộc trưng cầu dân ý Catalan, nhưng chỉ trong vòng 24 giờ đồng hồ, ông Puigdemont đã công bố một đường dẫn mới tới website này trên tài khoản Twitter cá nhân của ông. Ông chủ WikiLeaks, Julian Assange, còn thừa nhận ông đã giúp bảo vệ website này.
Những người chỉ trích cuộc trưng cầu, bao gồm Ada Colau, Thị trưởng Barcelona, cho rằng nó thiếu sự đảm bảo cần thiết và không đưa ra con số người tham gia tối thiểu. Tuy nhiên, bà đã đạt được một thỏa thuận với ông Puigdemont để tổ chức cuộc trưng cầu này sau đó.
Trong khi đó, chính quyền Catalan cũng đã gửi thư tới 55.000 người dân để kêu gọi họ tới các điểm bỏ phiếu. Theo luật trưng cầu của Catalan, họ có nghĩa vụ phải tham gia trưng cầu, nhưng bộ luật lại bị Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha không công nhận.
Trong nỗ lực cuối cùng để phá vỡ thế bế tắc giữa Madrid và Catalan, bà Colau và ông Puigdemont đã gửi một bức thư chung tới Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy, và cả Quốc vương để đề nghị tổ chức đối thoại, từ đó giúp cho cuộc trưng cầu trở thành hợp pháp.
Trong bức thư đó, họ đã đề nghị tổ chức "một cuộc đối thoại cởi mở và vô điều kiện". Tuy nhiên, Thủ tướng Rajoy khẳng định rằng ông luôn sẵn sàng đối thoại về mọi vấn đề - ngoại trừ cuộc trưng cầu dân ý độc lập của Catalan.
Hiện nay, phe ủng hộ độc lập cho Catalan đã thành công trong việc tạo một hình ảnh đồng thuận về vấn đề này, trong đó hàng triệu người dân đã tổ chức tuần hành trên các tuyến phố của Barcelona hồi tuần trước nhân "Ngày quốc gia" của xứ sở này.
Tuy nhiên, những người ủng hộ độc lập vẫn chỉ hình thành được một nhóm thiểu số. Một cuộc thăm dò tổ chức vào cuối tháng 7 vừa qua cho thấy 49,4% người dân Catalan phản đối tách khỏi Tây Ban Nha trong khi chỉ 41,1% ủng hộ.
Khi một cuộc trưng cầu tương tự được tổ chức hồi tháng 11-2014, 80% người dân Catalan đã bỏ phiếu "Có". Tuy nhiên, tỷ lệ bỏ phiếu chỉ là 37%, cho thấy rằng những người nói "Không" đã tẩy chay cuộc bỏ phiếu. Nhiều người lo ngại điều này sẽ lặp lại vào ngày trưng cầu 1/10 tới.
Bà Colau từng cáo buộc chính quyền Catalan đã "phớt lờ một nửa dân số Catalan". Nhiều người khác cũng cho rằng việc đi ngược lại Hiến pháp để tổ chức cuộc trưng cầu độc lập trên không phải là cách để Catalan hướng về phía trước, và nhiều người dân ở xứ sở này vẫn chưa khỏi sốc trước việc Nghị viện khu vực thông qua cái gọi là luật phân tách hồi tuần trước.
Dù cả hai bên trong sự việc này đều đã phớt lờ những lời kêu gọi kiềm chế, nhưng ký ức về lịch sử đầy xung đột bạo lực ở Tây Ban Nha khiến nhiều người mong muốn một thỏa thuận sẽ đạt được vào phút chót giữa Catalan và Madrid.