Theo ông Vũ Đức Hiếu - Giám đốc Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường, bảo tàng chỉ thực sự hấp dẫn khi nó phản ánh mọi mặt của xã hội một cách chân thực; cần thiết phải thể hiện được xã hội một cách toàn diện, những gì khó thấy trong thực tế thì sẽ thấy trong bảo tàng.
Tới đây sẽ có Bảo tàng trưng bày gốm sứ Thăng Long xưa (ảnh minh họa).
Từ cuối năm 2014 đến nay, Hà Nội chính thức có thêm 2 bảo tàng ngoài công lập được cấp giấy phép hoạt động. Đó là bảo tàng Nguyễn Văn Huyên (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, Hoài Đức) và mới đây là Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội (số 1 phố Xa La, phường Phúc La, quận Hà Đông). Một bảo tàng thiết kế với qui mô gia đình; một bảo tàng hoạt động chủ yếu là sưu tầm, bảo quản, trưng bày và giới thiệu về hiện vật gốm sứ của Việt Nam.
Sự góp mặt của những bảo tàng ngoài công lập, với tiêu chí hướng tới là thu hút khách tham đang mở ra một xu thế mới - trong khi hệ thống bảo tàng nói chung hoạt động trì trệ, cầm chừng đã nhiều năm nay.
Đầu tư vào bảo tàng chuyên sâu
Bước chân vào Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, người xem sẽ thấy một cách trưng bày rất khác so với “mô típ” trưng bày thường thấy. Trong căn nhà nhỏ, 4 tầng, chỉ với gần 400 tài liệu, hiện vật, lại tọa lạc ở khá xa trung tâm thành phố, nhưng kể từ khi mở cửa đến nay, bảo tàng này thường có khách đến tham quan.
Nhiều câu chuyện chân thực, xúc động được thể hiện qua các bức ảnh, những trích dẫn thư, nhật ký và video, với chính giọng nói của những người con kể về bố mẹ, về gia đình, cũng như lời của nhiều bạn bè, đồng nghiệp của ông bà.
Ở bảo tàng này, thông qua 4 chủ đề trưng bày chính, con cháu GS Nguyễn Văn Huyên đã sử dụng ngôn ngữ bảo tàng hiện đại để “kể” câu chuyện về cha mẹ mình, từ hoàn cảnh xuất thân đến học vấn, nhân cách, rồi quá trình họ đến với nhau, xây dựng mái ấm ông Huyên - bà Ngọc và đi theo cách mạng; vượt qua nhiều gian khổ, thiếu thốn trong chiến tranh rồi trưởng thành...
Bước ra khỏi bảo tàng nhỏ này, người ta hình dung rất rõ và thuộc câu chuyện về dòng họ, gia đình và cuộc đời của một vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục Việt Nam.
Điều đặc biệt hơn nữa, cũng ngay tại mảnh đất làng Lai Xá này, cộng đồng đang chung tay xây dựng cơ sở vật chất cho bảo tàng làng nghề nhiếp ảnh.
Theo PGS. TS Đỗ Văn Trụ, Tổng thư ký Hội Di sản văn hóa Việt Nam, ở một làng có tới 2 bảo tàng ngoài công lập- đó có lẽ cũng là sự độc đáo chỉ có thể ở Lai Xá. Hai bảo tàng ngoài công lập hoạt động song hành, lại trở thành điểm đến gắn kết với du lịch khám phá làng nghề - như mong mỏi của GS Nguyễn Văn Huy và các cộng sự, hẳn sẽ là những kinh nghiệm bổ ích cho việc phát triển các bảo tàng ngoài công lập ở Việt Nam hiện nay.
GS Nguyễn Văn Huy giới thiệu về mô hình bảo tàng gia đình.
Từ câu chuyện làm bảo tàng tư nhân, có một kinh nghiệm được những người làm bảo tàng muốn chia sẻ, đó là việc làm thế nào để một bảo tàng có sức hút đối với khách tham quan.
Theo GS Nguyễn Văn Huy, trong bối cảnh kinh tế, xã hội và cả thực lực của giới bảo tàng nước ta hiện nay thì nên khuyến khích phát triển các bảo tàng nhỏ. Các bảo tàng này đi sâu vào một lĩnh vực, một chuyên ngành nào đó nhưng phải được đầu tư đầy đủ để có được chất lượng cao.
Nhiều bảo tàng như vậy có thể hình thành ở các tỉnh, thành phố. Đó sẽ là cơ hội để xã hội biết đến những bảo tàng chất lượng cao, cũng là cơ hội để giới bảo tàng xốc lại hành trang chuyên môn của mình. Và từ kết quả đó, các nhà quản lý sẽ có cách nhìn mới và ứng xử đúng với nghề bảo tàng.
Hay gần đây ở Việt Nam xuất hiện xu hướng mở ra các bảo tàng ngành như Bảo tàng Hải quan, Bảo tàng truyền thống ngành Ngân hàng, hay Bảo tàng truyền thống ngành Điện lực… Những bảo tàng này đều xuất phát từ các phòng truyền thống, nhưng khi nâng nó lên mang tính chất bảo tàng ngành tức là đã quan niệm đề cao chất lượng, không dừng ở chỗ có gì trưng bày nấy.
Những bảo tàng này nhỏ, nhưng nếu được đầu tư tốt, được giao cho nhóm chuyên gia có năng lực, trọng chất lượng thì sẽ có tác động trở lại các bảo tàng quy mô, bởi nó đưa ra những mô hình đáng tham khảo về cách quản lý chất lượng.
Không chỉ là trưng bày quá khứ
Còn họa sĩ Vũ Đức Hiếu - Giám đốc Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường (Hòa Bình) cho hay, việc cho phép thành lập bảo tàng tư nhân góp phần xã hội hóa văn hóa, thúc đẩy nhận thức của cả xã hội.
Đây cũng là một hướng đi mới có thể tận dụng nguồn nhân lực có chuyên môn cao là chủ của các bộ sưu tập, nhà nước không phải trả lương, không phải bỏ kinh phí để sưu tầm hiện vật. Tự họ, những người sở hữu các bộ sưu tập đã là những người mong muốn gìn giữ những gì là di sản của dân tộc và họ đều mong muốn truyền bá văn hóa đó ra cộng đồng.
Tùy theo từng mô hình hoạt động sẽ có những cách tiếp cận đến cộng đồng một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất. Điều đó rất khó đối với một bảo tàng công lập khi mà bị giới hạn trong việc không chủ động trong việc thu, chi hay hoạt động của chính họ.
Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường là một trong những bảo tàng tư nhân sớm được thành lập (từ năm 2007). Ngay từ khi đi vào hoạt động, Bảo tàng đã triển khai và phát triển theo quan niệm mới, phù hợp với xu thế phát triển chung của bảo tàng hiện nay. Đưa bảo tàng đến với đông đảo công chúng, làm cho bảo tàng không bị bó hẹp, khô cứng.
Với quan điểm trong một thời gian ngắn khách tham quan có thể hiểu về văn hoá của dân tộc Mường bằng cách: Mọi người không chỉ nhìn, ngắm, xem mà còn được thật sự hòa mình vào cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân Mường như: làm nương rẫy, xay giã gạo, dệt vải quay sợi, thưởng thức các món ăn dân tộc, hòa mình vào không khí âm nhạc lễ hội, chơi các trò chơi dân gian Mường.
Theo ông Hiếu, bảo tàng chỉ thực sự hấp dẫn khi nó phản ánh mọi mặt của xã hội một cách chân thực; cần thiết phải thể hiện được xã hội một cách toàn diện, những gì khó thấy trong thực tế thì sẽ thấy trong bảo tàng.
Dự báo về xu thế phát triển của Bảo tàng, từ hơn mười năm trước, các chuyên gia đã có những phân tích rất khách quan. Chẳng hạn như PGS.TS Đặng Văn Bài từ lâu đã cho rằng để bảo tàng không khô cứng và trở thành điểm đến thì đó phải là bảo tàng của tương lai.
Theo đó, các tác giả cuốn “Cơ sở bảo tàng” do Bảo tàng Cách mạng Việt Nam dịch từ nguyên bản tiếng Anh và xuất bản vào năm 2000 ở Hà Nội đã đưa ra nhận định: “Các bảo tàng là để dành cho con người, và do đó tương lai của các bảo tàng phụ thuộc vào việc tự nâng cấp, tự phát triển để đáp ứng nhu cầu đã được thị trường chỉ rõ”.
Dẫu vậy, thực tế lâu nay cho thấy, dường như các bảo tàng ở Việt Nam mới chỉ chú ý nhiều tới việc giới thiệu quá khứ, thường lãng quên hoặc coi nhẹ việc thể hiện cuộc sống đời thường đang diễn ra hàng ngày. Ngay cả trong phần giới thiệu về lịch sử/quá khứ, chúng ta cũng chưa chú ý gắn nội dung trưng bày đó với những vấn đề mà công chúng hiện đang quan tâm.
“Tôi cho rằng phải tiếp tục cập nhật hoá những nội dung lịch sử, gắn chúng với những vấn đề của thời đại, chúng ta mới tạo ra sức sống cho các bảo tàng Việt Nam trong tương lai”- ông Bài nói.