Trong 5 năm trở lại đây, lượng kiều hối chuyển về TP HCM tăng trưởng bình quân mỗi năm tăng 8-10%/năm, riêng năm 2015 tăng đến 10% so với năm trước, với ước đạt khoảng 5,5 tỉ USD. Các chuyên gia kinh tế dự báo năm 2016 sẽ là năm đón dòng đầu tư mạnh từ các nhà đầu tư kiều bào về nước.
Lãnh đạo TP HCM gặp gỡ giới trí thức kiều bào.
David Dương là kiều bào Mỹ mở đầu cho xu hướng đầu tư về nước, với Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, TP HCM bắt đầu từ năm 2005, với giá trị đầu tư lên tới hơn 150 triệu USD, cùng năng lực xử lý rác lên đến công suất 10.000 tấn/ngày. Theo doanh nhân kiều bào David Dương, mỗi ngày Khu liên hợp Đa Phước tiếp nhận và xử lý 5.000 tấn rác từ khắp các nơi trên địa bàn thành phố. Sau khi xử lý, một lượng rác được sản xuất làm phân compost, nước rỉ rác được xử lý qua nhà máy xử lý nước rỉ rác bằng công nghệ hiện đại của Hoa Kỳ để tái sử dụng cho các mục đích hữu ích của xã hội như rửa xe, tưới đường… Trong đó, một nhà máy phát điện với công suất 12MW từ rác cũng sẽ được vận hành và hòa vào điện lưới quốc gia từ mô hình của Khu liên hợp Đa Phước.
Không chỉ trong lĩnh vực môi trường, TS Nguyễn Quốc Bình (kiều bào Canada) cũng đã mang về nước khát vọng phát triển lĩnh vực công nghệ sinh học, vốn là ngành còn non trẻ tại Việt Nam. Ngay khi về nước, ông đã cho thành lập Trung tâm Công nghệ sinh học TP HCM.
TS Bình kể: “Khi về nước đầu tư đã vinh dự được gặp anh Nguyễn Thiện Nhân lúc bấy giờ là Phó Chủ tịch UBND TP HCM. Anh Nhân đã ngay lập tức ủng hộ ý tưởng phát triển một trung tâm về công nghệ sinh học ngang tầm khu vực Đông Nam Á”. Nhờ sự động viên của lãnh đạo thành phố, TS Bình đã bắt tay vào làm việc cùng các cộng sự trong và ngoài nước. Cụ thể, TS Bình đã trở lại Canada bán hết nhà cửa, xe cộ gom góp toàn bộ vốn liếng để quay trở lại đầu tư về nước trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Với kinh nghiệm gần 20 năm làm việc ở nước ngoài, TS Bình và các cộng sự tâm huyết đã bước đầu phác thảo một đường hướng phát triển trong lĩnh vực công nghệ sinh học cho đất nước.
Trao đổi với chúng tôi, TS Bình vẫn bày tỏ niềm vinh dự từ sự quan tâm của lãnh đạo thành phố trong những ngày đầu về Long An đầu tư. Hiện nay, Trung tâm Công nghệ sinh học của TP HCM do TS Bình cùng các cộng sự gầy dựng đã trở thành một trung tâm lớn nhất Việt Nam và không hề thua kém những trung tâm hiện đại nhất của khu vực Đông Nam Á. Trung tâm đã quy tụ được khoảng trên 80 thạc sĩ, tiến sĩ tuổi đời dưới 30 được đào tạo bằng chương trình nước ngoài về cống hiến.
Ông Tạ Tấn Cường (Việt kiều Đức) cũng chia sẻ, sang Đức từ năm 1969 theo diện du học, rồi ở lại sinh sống, lập gia đình và làm việc tại đây nhiều năm, thế nhưng khi về Việt Nam làm việc, gia đình ông đã quyết định chuyển hẳn về Việt Nam sinh sống. Ông Cường tâm tư, hiện nay nông sản xuất khẩu của nước ta chủ yếu vẫn dưới dạng sản phẩm thô, người nông dân còn nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Do đó, vấn đề lớn đặt ra cho những người lãnh đạo trong nhiệm kỳ này là làm sao có thể đưa ra những quyết sách đúng đắn để thúc đẩy nông nghiệp phát triển, tăng hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm nông nghiệp.
Ông Phạm Văn Hải - Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP HCM cho biết, trong năm 2016, Ủy ban đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM và các ban ngành liên quan tổ chức “Hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp kiều bào với các sở, ban ngành thành phố”. Qua đó, thành phố đã hướng dẫn, giải đáp nhiều vướng mắc, khó khăn liên quan đến quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp kiều bào tại thành phố nói riêng và các tỉnh/thành khác trên cả nước.
Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy, nhiều chính sách thông thoáng để thu hút đầu tư của kiều bào đã được ưu tiên, tạo điều kiện cho nhiều kiều bào về nước làm ăn, sinh sống, tham gia đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, chuyển giao công nghệ. Trong đó, lượng kiều hối chuyển về thành phố ngày càng nhiều hơn, với bình quân mỗi năm tăng từ 8-10%. Bên cạnh đó, kiều bà cũng tham gia tích cực trong các hoạt động xã hội, từ thiện trên địa bàn thành phố. Ông Nguyễn Thành Phong tin tưởng, trong năm 2016 xu hướng đầu tư của kiều bào về nước sẽ tiếp tục phát triển.