Chia sẻ về tín hiệu vui của thị trường BĐS các tháng đầu năm, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc kinh doanh Batdongsan.com.vn cho biết, diễn biến tích cực từ chính sách điều hành kinh tế, tài chính và tiền tệ của chính phủ đang tạo ra tâm lý tích cực hơn cho thị trường.
Xu hướng mua BĐS trong thời gian này nghiêng về những loại hình BĐS khai thác được dòng tiền và đáp ứng nhu cầu thực. Mức độ quan tâm các sản phẩm BĐS thuộc phân khúc trên ghi nhận tăng trưởng tốt trong bối cảnh thanh khoản chung còn kém.
Doanh nghiệp (DN) BĐS Việt Nam được chia thành 4 nhóm điển hình: rủi ro, cân bằng, tiềm lực và người chơi mới. Cách thức phân loại dựa trên đánh giá về áp lực nợ ngắn hạn và tổng nợ so sánh với quy mô tài sản của các DN dựa theo số liệu từ báo cáo tài chính mà doanh nghiệp công bố.
Thứ nhất là các DN ở nhóm “rủi ro” khi áp lực nợ ngắn hạn và tổng nợ lớn hơn so với quy mô tài sản. Nhóm này bao gồm một số đơn vị như Novaland (NVL), Vinhomes (VHM), Viglacera (VGC), Sunshine Homes (SSH), Phát Đạt (PDR), Hà Đô (HDG), Becamex IDC (BCM), CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (SJS)... Các DN thuộc nhóm này đang chuyển mình theo hướng thu gọn để cân bằng thông qua tái cơ cấu nợ và cân bằng dòng tiền bằng việc bán bớt tài sản, giảm lượng hàng tồn kho bằng cách điều chỉnh giá bán hoặc đưa ra chính sách ưu đãi, khuyến mãi phù hợp.
Thứ hai là nhóm DN phát triển BĐS có vị thế “cân bằng” với tỷ lệ nợ và quy mô tài sản ở mức hợp lý. Đại diện của nhóm này là Văn Phú Invest (VPI), Đất Xanh (DXG), IDICO (IDC), Nam Long (NLG), Sài Gòn Thương Tín (SCR), C.E.O (CEO), Kinh Bắc (KBC)... Giải pháp của họ là tối ưu vận hành và tập trung vào thế mạnh sản phẩm lõi để củng cố dòng tiền ổn định, ưu tiên tái cơ cấu các khoản nợ rủi ro lớn trong ngắn hạn.
Thứ ba, là nhóm chủ đầu tư BĐS “tiềm lực” có tỷ lệ nợ ngắn hạn và tổng nợ thấp, quy mô tài sản lớn, điển hình có thể kể tới Khang Điền (KDH) và một số chủ đầu tư nước ngoài. Những DN ở vị thế tiềm lực tập trung vào các sản phẩm BĐS tạo dòng tiền bền vững, tìm kiếm cơ hội với phân khúc/loại hình mới và thu mua quỹ đất hợp lý, mở rộng đến khu vực địa lý mới.
Ngoài các nhóm hiện tại, thị trường xuất hiện nhóm “người chơi mới”, nhóm này là một ẩn số với các DN, quỹ đầu tư... đang tìm kiếm cơ hội thâm nhập thị trường BĐS thông qua M&A, thu mua quỹ đất với những DN BĐS phù hợp hoặc tự thành lập DN BĐS để phát triển sản phẩm riêng.
Hiện nay, tỷ lệ đô thị hoá của Hà Nội khoảng 49%; TPHCM khoảng 70%. Cả nước có 8 tỉnh, thành có tỷ lệ đô thị hoá trên 50%. Như vậy, vẫn còn dư địa phát triển và nhu cầu về đất đai luôn hiện hữu.
Trong khi đó, giá rao bán đất nền tại nhiều tỉnh phía Nam và ven biển miền Trung có xu hướng giảm. Cụ thể, đất nền Long An và Bà Rịa-Vũng Tàu đều giảm giá 6%, các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa giảm từ 2% - 11%. Bình Thuận là tỉnh ven biển hiếm hoi chứng kiến sự tăng giá rao bán đất nền lên đến 25% so với quý liền trước. Thực tế cho thấy mức độ quan tâm đến đất nền ven biển không có nhiều biến động sau khi Nghị định 10 vừa được ban hành, bổ sung quy định cấp giấy chứng nhận sở hữu công trình cho căn hộ khách sạn, condotel, officetel, biệt thự du lịch nghỉ dưỡng trên đất thương mại, dịch vụ nếu đủ điều kiện.
Theo ông Đinh Minh Tuấn, chuyên gia BĐS, mặc dù nút thắt về pháp lý đã được tháo gỡ nhưng thị trường BĐS nghỉ dưỡng khó có những tín hiệu tích cực trong ngắn hạn vì một số lí do. Thứ nhất, thị trường du lịch hiện tại vẫn đang kém sôi động, dự báo đến hết năm 2023 mới tăng trưởng tốt hơn; thứ hai, giá của các sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng ở các thành phố lớn vẫn đang ở ngưỡng cao, đặc biệt là các thành phố du lịch; ngoài ra, một vài chủ đầu tư lớn trên thị trường trong thời gian qua không đảm bảo được cam kết về lợi nhuận đã ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư. Về mặt dài hạn, thị trường BĐS dân sinh, phục nhu cầu ở thực sẽ phục hồi trước, sau đó, khi kinh tế ổn định trở lại, tiềm năng du lịch tăng trưởng cùng với hành lang pháp lý đã được hỗ trợ thì thị trường nghỉ dưỡng sẽ bắt đầu sôi động hơn. Dự báo thời điểm sớm nhất thị trường BĐS nghỉ dưỡng có thể hồi phục là sau quý II/2024.
Theo nhiều chuyên gia lĩnh vực BĐS, trong năm 2023 sẽ không xảy ra sốt đất. Bởi vì thị trường BĐS đang ở trạng thái trầm lắng, thanh khoản thấp, đặc biệt là loại hình đất nền. Tuy nhiên, xét về dài hạn, đất nền vẫn là loại hình đầu tư tiềm năng nếu biết lựa chọn những sản phẩm đất nền có giá trị sử dụng cũng như khả năng khai thác tạo ra dòng tiền trên chính sản phẩm đó như có thể xây nhà trọ, khà kho, công xưởng hoặc trở thành căn nhà thứ hai.