Trái đất đang xoay nhanh hơn, và gần đây nhân loại đã ghi nhận ngày ngắn nhất trong lịch sử địa cầu là vào hôm 29/6/2022, thời điểm vòng quay nhanh hơn 1,59 mili giây (với mili giây là một phần nghìn của giây).
Một ngày có 24 giờ, hoặc 86.400 giây. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, vòng quay của Trái Đất đã tăng tốc, theo đó thời gian trung bình của một số ngày cụ thể đã bị rút ngắn.
“Từ năm 2016, Trái Đất bắt đầu tăng tốc”, Đài CBS News dẫn lời nhà khoa học Leonid Zotov của Đại học Tổng hợp Quốc gia Moscow Lomonosov (Nga). Nhà nghiên cứu Nga cho hay, năm nay hành tinh của chúng ta còn xoay nhanh hơn năm 2021 và 2020.
Ngày đang trở nên dài hơn kể từ khi trái đất hình thành. Theo tờ The Guardian, khoảng 1,4 tỷ năm trước, một vòng quay của địa cầu chỉ mất chưa đầy 19 giờ. Sau đó, ngày trở nên dài hơn, trung bình thêm khoảng 1 phần 74.000 giây mỗi năm.
Năm 2020, các nhà khoa học ghi nhận thêm 28 ngày ngắn hơn so với thời điểm năm 1960. Xu hướng này không hiện hữu trong năm ngoái, khi ngày ngắn nhất trong năm 2021 vẫn dài hơn ngày ngắn nhất năm 2020.
Giới khoa học đưa ra một số yếu tố có thể tác động vòng quay của trái đất, bao gồm động đất, gió mạnh hơn vào những năm xảy ra hiện tượng El Niño, băng trên các đỉnh núi tan, mặt trăng và biến đổi khí hậu.
Sự quay quanh trục của Trái Đất có thể ảnh hưởng tới độ chính xác của đồng hồ nguyên tử, thiết bị vốn được vệ tinh GPS dùng trong xác định vị trí. Khi Trái Đất vận động nhanh hơn, nó sẽ di chuyển tới vị trí mọi khi nhanh hơn bình thường. Nửa mili-giây tương ứng với 26 centimet xô lệch ở vị trí quỹ đạo, và sai lệch sẽ có thể khiến công nghệ định vị GPS vô dụng hoàn toàn.
Để giải quyết vấn đề này, các hệ thống đếm giờ quốc tế có lẽ sẽ sớm cần thêm một giây nhuận âm, tức là trừ đi một giây so với thông thường để đồng hồ toàn cầu nhất quán. Vận động của Trái Đất cũng như ảnh hưởng của nó tới chúng ta vẫn còn chưa được hiểu thấu, nên chỉ có thể chờ thời gian (và khoa học) trả lời thôi.