Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); đề xuất thêm nhiều biện pháp xử lý đối với các đơn vị nợ đọng, trốn đóng Bảo hiểm xã hội nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), những năm gần đây tình trạng chậm đóng, trốn đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) đã có những cải thiện. Tỷ lệ chậm đóng so với số phải thu của năm 2020 chiếm 4,4%, đến năm 2021 giảm xuống còn 3,64%, năm 2022 con số này là 2,9% trên tổng số phải thu. Tuy nhiên số chậm đóng vẫn chiếm từ 3 đến 5% tổng số phải thu và việc doanh nghiệp (DN) chậm đóng, trốn đóng BHXH thì đang ảnh hưởng trực tiếp đến việc giải quyết các chế độ BHXH cho người lao động (NLĐ).
Đề cập về quá trình xử lý với những DN chậm, trốn đóng BHXH của NLĐ, ông Nguyễn Duy Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội cho biết, quá trình xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng ở các đơn vị phá sản, ngừng hoạt động hay có chủ bỏ trốn gặp khá nhiều khó khăn, do giai đoạn trước đây, việc thống kê, quản lý dữ liệu của cơ quan BHXH thực hiện thủ công.
Xuất phát từ thực tế này, tại Điều 44 quy định về xử lý vi phạm về trốn đóng BHXH, dự thảo Luật đề xuất người sử dụng lao động sau thời hạn đóng BHXH chậm nhất mà không đóng thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền trốn đóng và bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật còn phải nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng. Đồng thời, cơ quan có thẩm quyền có quyền ngừng sử dụng hóa đơn đối với đơn vị nợ BHXH từ 6 tháng trở lên; hoãn xuất cảnh với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 12 tháng trở lên. Sau khi thực hiện các biện pháp trên mà người sử dụng lao động vẫn trốn đóng BHXH bắt buộc thì tổ chức công đoàn, cơ quan BHXH sẽ khởi kiện ra tòa án và kiến nghị khởi tố hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Cùng đó cơ quan soạn thảo Luật BHXH sửa đổi cũng đề xuất cơ quan chức năng có văn bản nhắc đóng BHXH tối đa 3 lần với những DN nợ đọng, sau đó thành lập đoàn kiểm tra, tiếp tục vi phạm thì tổ chức thanh tra, thực hiện cưỡng chế theo quy định của pháp luật.
Thực tế tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH được lý giải bởi nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân khách quan, có nguyên nhân chủ quan, từ tổ chức thực hiện, có nguyên nhân từ mặt quy phạm.
Theo ông Lê Đình Quảng - Phó ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), nếu không đồng bộ luật pháp để xử lý hành vi trốn đóng BHXH, con số sẽ tiếp tục tăng. Lao động ngoài thiệt thòi khi hưởng chế độ còn khó có niềm tin vào hệ thống an sinh.
Cũng theo ông Quảng, các cơ quan từng xây dựng dự thảo nghị định quyết định biện pháp xử lý trong trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền lợi lao động. Phương án là lấy tiền thanh lý tài sản của DN bị phá sản, chủ bỏ trốn để bù vào số nợ bảo hiểm. Nếu không đủ thì chi trả thêm từ tiền lãi DN nộp do chậm đóng BHXH, hoặc giao địa phương ứng ngân sách giải quyết sau thanh lý tài sản. Điều 216 Bộ luật Hình sự quy định, tội danh chậm, trốn đóng BHXH, nhưng vì các dấu hiệu, yếu tố cấu thành tội chưa đủ, khó làm rõ thế nào là trốn đóng. Đây cũng là điểm nghẽn khiến chưa vụ nào bị xử lý hình sự dù cơ quan BHXH đã kiến nghị khởi tố 328 vụ từ năm 2018 đến 2022.
Phản ánh từ các cơ quan BHXH địa phương cũng cho thấy, gần một nửa vụ cơ quan điều tra xác định không khởi tố vì chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Chính vì vậy tới đây, khi sửa đổi Luật BHXH, cần làm rõ thế nào là cố tình trốn đóng, cũng như trách nhiệm pháp nhân để xử lý dứt điểm tình trạng này.
Theo ông Nguyễn Duy Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐTBXH), người lao động cần chủ động theo dõi, giám sát quá trình đóng bảo hiểm của người sử dụng lao động xem họ có tham gia BHXH cho mình đầy đủ, kịp thời hay không. Trường hợp phát hiện DN không tham gia đầy đủ, kịp thời thì phải trực tiếp yêu cầu hoặc có thể phản ánh với tổ chức công đoàn, hoặc nhờ các cơ quan chức năng ở địa phương để họ can thiệp, yêu cầu người sử dụng lao động là phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của Luật BHXH.