Xử lý hình sự kinh doanh đa cấp bất chính

T.Dương (thực hiện) 25/05/2017 08:00

Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp ngày 24/5, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng: Nguyên nhân của bán hàng đa cấp gây tổn hại là do có một số tổ chức nhiều khi hình thành chỉ nhằm mục đích thu tiền của người khác rồi bỏ trốn và rất khó tìm ra doanh nghiệp, do vậy đây cũng là loại tội phạm hết sức nguy hiểm.

Ông Nguyễn Ngọc Phương.

PV: Vừa qua có một số ý kiến đề xuất cần đưa tội danh kinh doanh đa cấp trái phép vào Bộ luật Hình sự sửa đổi để có thể xử lý hình sự. Quan điểm của ông?

Ông Nguyễn Ngọc Phương: Việc kiến nghị bổ sung tội hình sự với hoạt động kinh doanh, bán hàng đa cấp bất chính theo tôi là hợp lý. Trong thời gian qua, hoạt động bán hàng đa cấp bất chính đã gây tổn hại đến kinh tế của đất nước, khiến nhiều hộ gia đình tán gia bại sản vì hoạt động này.

Nguyên nhân của bán hàng đa cấp gây tổn hại trong đó có mang tính lừa đảo, một số tổ chức nhiều khi hình thành chỉ nhằm mục đích thu tiền của người khác rồi bỏ trốn và rất khó tìm ra doanh nghiệp, do vậy đây cũng là loại tội phạm hết sức nguy hiểm. Chính vì vậy, việc bổ sung hoạt động kinh doanh đa cấp bất chính vào xử lý hình sự là hợp lý.

Từ vụ việc của Thiên Ngọc Minh Uy khiến nhiều người tham gia mạng lưới bị tổn hại, vậy theo ông cần có những hình thức bổ sung nào giúp cơ quan thực thi pháp luật quản lý tốt hơn lĩnh vực này?

- Việc quy định trong luật thì cần phải hết sức chặt chẽ, cụ thể là cần quy định từ khi bắt đầu nhen nhóm có dấu hiệu kinh doanh trái phép đến khi gây hậu quả để điều chỉnh những hành vi vi phạm có thể xảy ra trong thời gian tới.

Theo cá nhân tôi thì cần quy định dấu hiệu của đa cấp trong từ ngữ như thế nào, sau đó mới đưa vào điều luật nên điều chỉnh những trường hợp như thế nào? Ví dụ, mức độ vi phạm lừa đảo gây hậu quả đến bao nhiêu sẽ có khung xử phạt đến bao nhiêu năm tù? và quy định từ mức độ thấp nhất đến khung cao nhất của kinh doanh đa cấp lừa đảo.

Thực tế có tình trạng nhiều doanh nghiệp kinh doanh đa cấp trái phép khi bị rút giấy phép lại nhanh chóng biến hình thành doanh nghiệp đa cấp khác. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Việc này cũng cần phải có quy định trong luật. Ví dụ trong luật có quy định là vi phạm hay tái phạm, nếu doanh nghiệp đã bị rút giấy phép nếu tiếp tục thành lập công ty đa cấp khác thì đây là hành vi tái phạm và cần phải đưa vào trong luật để điều chỉnh.

Vậy theo ông có tình trạng cơ quan chức năng bao che, buông lỏng quản lý hay không?

- Có nhiều nguyên nhân, có cả trách nhiệm xã hội, hoặc pháp luật chưa có quy định điều chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp nên pháp luật chưa quy định và khung hình phạt chưa có, thậm chí chưa đến mức truy tố hình sự nên doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận, khi kinh doanh chỗ này lại chạy sang kinh doanh chỗ khác. Việc này do pháp luật chưa có điều chỉnh nên cần được quy định rõ trong luật.

Vậy theo ông khung xử lý cao nhất nên đưa vào luật cần được đưa ra như thế nào, đối với người chủ kinh doanh cũng như người tham gia mạng lưới?

- Mức vi phạm phải quy định 2 khung hình phạt, từ 1-5 năm và từ 5-10 năm. Tùy theo mức độ, với những người tham gia mạng lưới mà vi phạm có thể áp dụng khung từ 1-5 năm, còn người tổ chức đứng đầu có thể áp khung hình phạt từ 5-10 năm.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xử lý hình sự kinh doanh đa cấp bất chính

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO