Như đã thông tin, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo cơ quan chức năng điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm các hành vi phá rừng theo đúng quy định của pháp luật mà Báo Đại Đoàn Kết đã phản ánh.
Rừng phòng hộ ở Tiên Lãnh bị triệt hạ không thương tiếc.
Dư luận đang trông chờ cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam quyết liệt làm rõ trách nhiệm, làm rõ đối tượng phá rừng để xử lý nghiêm minh.
Tại sao nói dư luận đang trông chờ, bởi vì tại Quảng Nam đã có rất nhiều vụ phá rừng nghiêm trọng, có hàng chục vụ đã khởi tố vụ án, thế nhưng ngoại trừ vụ phá rừng pơ mu giáp ranh với Lào được điều tra, xử lý khởi tố 20 bị can, nhưng những bị can đó đa số là những người được thuê mướn triệt hạ, vận chuyển gỗ, còn thì hầu hết các vụ phá rừng khác, nhất là rừng phòng hộ đều bị chìm vào quên lãng. Những kẻ phá rừng vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Sáng ngày 20/9, khi phóng viên Đại Đoàn Kết đặt câu hỏi, tại sao ở Quảng Nam đã có hàng chục vụ án phá rừng được khởi tố, thế nhưng hiếm thấy bị can nào bị khởi tố, nhất là những kẻ chủ mưu hoặc tiếp tay cho phá rừng? Phải chăng đằng sau những vụ phá rừng có sự tiếp tay của ai đó?
Ông Phan Tuấn, chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: “Chúng tôi quản lý bảo vệ rừng, khi phát hiện vụ việc phá rừng nghiêm trọng thì đề nghị khởi tố vụ án, còn việc khởi tố bị can hay không là việc của cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT)!”
Để làm rõ vấn đề này, phóng viên tiếp tục đem những câu hỏi trên trao đổi với ông Nguyễn Đức Dũng, phó giám đốc, thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam, ông Dũng cho rằng: “Có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là do những vụ phá rừng luôn được phát hiện quá chậm, có khi là cả hàng năm trời, cây đã lên xanh, có nơi hiện trường đã xoá sạch, rất khó tìm ra đối tượng để khởi tố. Chính vì vậy mà mới đây tại cuộc họp với kiểm lâm, tôi đã đề nghị, ngành kiểm lâm phải kịp thời phát hiện và thông tin nhanh chóng để cơ quan CSĐT sớm vào cuộc làm rõ đối tượng để khởi tố bị can”.
Thực tế cho thấy, những vụ phá rừng được cơ quan chức năng phát hiện rất chậm, thậm chí khi được người dân phản ánh, cơ quan chức năng cũng không kịp thời vào cuộc.
Đến khi người dân phản ánh đến báo chí và báo chí vào cuộc làm rõ vấn đề thì lúc này các cơ quan chức năng mới chỉ đạo, tổ chức đi kiểm tra, đo đạc hiện trường thì kẻ phá rừng đã cao chạy xa bay.
Đơn cử như vụ phá rừng ở Tiên Lãnh, ông Trần Ngọc Sơn, một trong số 16 hộ dân được giao quản lý rừng dạng khoanh nuôi, tái sinh ở tiểu khu 556, 557, khi thấy rừng liên tiếp bị tàn phá mà các cơ quan chức năng không vào cuộc, ông đã phải chủ động kêu cứu đến báo giới. Vì theo ông nếu báo giới không lên tiếng thì rừng tự nhiên sẽ không còn.
Tương tự, ông Dư Văn Tỵ cho biết: “16 người xóm tôi được giao hơn 400 héc ta rừng phòng hộ, trong đó phần tôi hơn 10 héc ta để giữ từ năm 2013 đến nay. Nhưng 16 hộ chia ca trực không đủ sức để bảo vệ. Vì thế, rừng bị phát trắng, đốt đen cả chục héc ta tôi phải cấp báo với kiểm lâm”.
Họ là ai mà ngang nhiên tàn phá rừng phòng hộ, khi những khu rừng này đã có chủ, có Ban quản lý rừng, có cả chính quyền và lực lượng chức năng bảo vệ? Càng đáng nói, khi lực lượng kiểm lâm có cả hệ thống từ trên tỉnh đến cơ sở với đầy đủ trang thiết bị, kể cả kiểm lâm viên từng địa bàn.
Ngoài ra các rừng phòng hộ đều có Ban quản lý rừng phòng hộ, ngành kiểm lâm cũng luôn tổ chức tuần tra, kiểm tra, lập các chốt chặn tại sao không sớm phát hiện? Vậy kiểm lâm ở đâu, làm gì, trách nhiệm của họ như thế nào?
Trở lại với vụ việc phá rừng ở Tiên Lãnh, cùng ngày ông Phan Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: “Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh về điều tra làm rõ vụ phá rừng ở Tiên Lãnh, mấy ngày qua anh em của tỉnh, của huyện, của ngành đang tập trung kiểm tra tại các địa điểm phá rừng ở xã Tiên Lãnh.
Sáng nay (20/9) tôi tiếp tục cử một đoàn vào hiện trường. Chúng tôi chỉ đạo phải đo đếm hiện trường, đánh giá cho chính xác mức độ thiệt hại để sớm xử lý theo quy định của pháp luật”.
Trước đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản yêu cầu Sở NN&PTNT, Công an tỉnh và UBND huyện Tiên Phước khẩn trương kiểm tra, báo cáo trước ngày 25/9 toàn bộ vụ việc rừng bị tàn phá mà các cơ quan báo chí đã phản ánh cho UBND tỉnh Quảng Nam.
Tìm cho ra kẻ chủ mưu Đó là chỉ đạo của ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định vào sáng ngày 20/9, trong buổi họp với Viện KSND, TAND, Công an, Sở NN-PTNT, Chi cục kiểm lâm và chính quyền huyện An Lão để nghe báo cáo tình hình, bàn phương hướng xử lý vụ hơn 60 ha rừng tự nhiên do UBND xã An Hưng (huyện An Lão, Bình Định) quản lý bị chặt phá. Tại cuộc họp, ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện An Lão nhận khuyết điểm trước Chủ tịch UBND tỉnh về sự thiếu sót của mình trong công tác chỉ đạo, điều hành quản lý, bảo vệ rừng khi để xảy ra vụ phá rừng đáng tiếc này. Sau khi nghe báo cáo từ các đơn vị, ông Hồ Quốc Dũng nhận định vụ phá rừng tại huyện An Lão là rất nghiêm trọng, diện tích rừng bị mất rất lớn. Tất cả cán bộ nào liên quan đến vụ việc này đều phải xử lý nghiêm túc. Ai chủ mưu cầm đầu thực hiện vụ phá rừng này phải tìm cho ra. Ông Hồ Quốc Dũng đề nghị tạm đình chỉ công tác phó trưởng Hạt kiểm lâm huyện An Lão, tạm đình chỉ công tác kiểm lâm viên phụ trách địa bàn xã An Hưng. V. Nhất |