Chiều ngày 7/9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 2 thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2016. Cũng giống như nhiều lần trước, một lần nữa Chính phủ nhận định, tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và chưa bị đẩy lùi.
Trình bày báo cáo của Chính phủ, ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho biết, công tác PCTN đã thúc đẩy sự chuyển biến rõ nét trên hầu hết các lĩnh vực quản lý nhà nước, góp phần tích cực xây dựng xã hội công khai, minh bạch, dân chủ, củng cố và giữ vững niềm tin của nhân dân. Việc tự phát hiện tham nhũng thông qua công tác kiểm tra và nhất là qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo tăng nhiều so với trước.
Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được phát hiện, điều tra, xử lý với những bản án nghiêm minh đã có tác dụng răn đe, ngăn chặn hành vi tham nhũng. Hiệu quả thu hồi tài sản qua công tác thanh tra, điều tra tội phạm tham nhũng đã có chuyển biến.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhận định, tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và chưa bị đẩy lùi. Công tác PCTN nói chung chưa đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra và vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém.
Theo ông Đạt, một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, trong đó có những người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, không hoàn thành trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân, có những trường hợp phạm tội tham nhũng nên phải xử lý trước pháp luật.
Ông Đạt cũng thừa nhận, việc kê khai tài sản, thu nhập còn nặng về hình thức; hầu hết các bản kê khai chưa được kiểm tra, xác minh, kiểm chứng; chưa giúp cho các cơ quan chức năng kiểm soát được những biến động về tài sản của người có chức vụ, quyền hạn. Tình trạng lợi dụng truyền thống văn hóa về tặng quà, cảm ơn để biếu xén, đưa hối lộ vì động cơ vụ lợi còn khá phổ biến. Số người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng còn ít so với số vụ việc tham nhũng được phát hiện. Nguyên nhân là còn có sự bao che, thiếu kiên quyết, nể nang, né tránh trong xử lý.
Những nguyên nhân yếu kém trên, theo đánh giá của Chính phủ là do chủ quan là chủ yếu. Ông Đạt đưa ra những liệt kê như: một số nơi có biểu hiện coi nhẹ, chậm chỉ đạo thực hiện, không thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra; đã phát hiện nhiều vụ án tham nhũng lớn người đứng đầu là chủ mưu, đồng phạm, lợi ích nhóm, bao che cho tham nhũng. Cơ chế, biện pháp, trách nhiệm theo dõi, đánh giá tình hình tham nhũng và công tác PCTN thiếu tính khả thi, không đề cao vai trò đánh giá độc lập của xã hội.
Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Vũ Trọng Kim cho rằng, cán bộ công chức viên chức tê liệt, không dám tố giác tham nhũng vì sợ bị trù dập, mất lương. Trong khi đó, ông Nguyễn Mai Bộ - Phó Chánh án Tòa án quân sự Trung ương cho rằng, cơ chế phòng tham nhũng hiện nay rất ngược đời. Cấp trên xuống, hay đi dự hội nghị, dự mít tinh ngày thành lập đều mang công quỹ của cơ quan, đơn vị. Nói tóm lại là tài sản nhà nước đến tặng đơn vị đó. Nhưng quà tặng trở lại của đơn vị đó lại trở thành quà tặng cá nhân, ông nào đi thì ông đó mang về. Rõ ràng đây là cái bất cập. “Có lẽ chúng ta phải có quy chế về việc này”-ông Bộ nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Chính phủ cần chỉ cho Quốc hội những hạn chế trong phòng chống tham nhũng nằm ở người nào? địa chỉ nào? Báo cáo nêu, một số cơ quan chưa quyết liệt, một bộ phận không nhỏ, nói thì hay nhưng không có địa chỉ, do đó nên đi thẳng vào để có địa chỉ, muốn làm thực sự thì phải rõ địa chỉ. “Giải pháp hàng đầu là công khai minh bạch. Với tinh thần Chính phủ kiến tạo, Chính phủ liêm chính, vì vậy trong các báo cáo phải có địa chỉ cụ thể”-bà Nga chỉ rõ.