Xử lý người đứng đầu nếu xảy ra lãng phí

Việt Thắng (thực hiện) 27/06/2016 08:35

Hệ thống pháp luật hiện hành quy định trách nhiệm của người đứng đầu trong các cơ quan quản lý hành chính nhà nước. Vì vậy khi cần thiết và trong những vụ việc nổi cộm gây thất thoát ngân sách nhà nước, cũng cần xem xét, xử lý người đứng đầu để răn đe, phòng ngừa chung.

Xử lý người đứng đầu nếu xảy ra lãng phí

Bà Trần Thị Quốc Khánh.

Xung quanh việc phòng, chống tham nhũng và lãng phí, trao đổi với ĐĐK, bà Trần Thị Quốc Khánh - ĐBQH 4 khóa liên tiếp từ năm 2002 đến nay cho rằng, Chính phủ, Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước... đều đặt vấn đề khá mạnh mẽ. Tuy nhiên cử tri rất băn khoăn, bức xúc về tình trạng kỷ cương, kỷ luật không nghiêm. Ngay cả trong quản lý, chi tiêu ngân sách cũng vẫn còn nhiều bất cập, gây lãng phí.

PV:Thưa bà, thực thi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2015, nhiều ý kiến cho rằng trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước vẫn còn xảy ra việc chấp hành pháp luật, kỷ luật tài chính chưa nghiêm. Là ĐBQH đến nay là 4 khóa, bà nhận định thế nào về vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiện nay?

Bà Trần Thị Quốc Khánh: Tôi tham gia ĐBQH Quốc hội từ khóa XI (năm 2002) đến giờ là 14 năm, chuẩn bị bước vào khóa thứ 4. Tôi thấy nhận định trên thường được nhiều cơ quan ở nhiều cấp lặp đi lặp lại nhiều lần trong các báo cáo trình Quốc hội.

Tôi cũng như nhiều vị ĐBQH thường xuyên phát biểu, chất vấn Chính phủ về vấn đề này, thậm chí nêu rõ ý kiến cử tri rất băn khoăn, bức xúc về tình trạng kỷ cương, kỷ luật hành chính không nghiêm, “trên bảo dưới không nghe” trong quản lý, chi tiêu ngân sách. Đến nay vẫn còn nhiều bất cập như chúng ta đã thấy.

Kết quả của Kiểm toán Nhà nước năm 2014 tại 50 tỉnh, thành phố thì có 40 tỉnh chi vượt. Bà nghĩ sao về việc này?

- Hiện nay nhu cầu đầu tư, phát triển của các bộ, ngành, địa phương, các cấp là rất lớn. Đối với nước đang phát triển như Việt Nam thì nhu cầu đó là tất yếu. Điều đáng nói ở đây là tình trạng đầu tư dàn trải, tư duy nhiệm kỳ nên phải chạy xin dự án.

Xin chưa được thì cứ liều đi vay, vay của dân, của doanh nghiệp, thậm chí là vay tiền của lãnh đạo tỉnh. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa phàn nàn với đại biểu là có địa phương, cơ sở nợ tiền đầu tư của doanh nghiệp không biết bao giờ mới trả cho họ. Rất rõ là trong vụ xây dựng nông thôn mới, hiện con số nợ rất lớn, gây bức xúc dư luận xã hội.

Nếu xem xét kỹ những vụ việc này có thể sẽ thấy được hành vi vi phạm pháp luật về xây dựng, về đầu tư, về ngân sách, về thực hành tiết kiệm chống lãng phí; có khi còn phát hiện vi phạm pháp luật về chống tham nhũng nữa.

Hiện mua sắm sử dụng tài sản công và xe công cũng gây bức xúc dư luận. Bà có nghĩ sắp tới Quốc hội cần giám sát chặt chẽ vấn đề này?

- Tôi thấy vấn đề mua sắm tài sản công và xe công lâu nay được dư luận và nhiều vị ĐBQH rất quan tâm. Báo cáo thống kê của cơ quan chức năng gần đây cho thấy vấn đề mua sắm và sử dụng xe công thực sự còn nhiều bất cập, sử dụng sai đối tượng.

Qua một số vụ việc vừa qua cho thấy trình độ năng lực về quản lý hành chính công, quản lý tài sản công ở một số cán bộ lãnh đạo quản lý các cơ quan, các cấp, các ngành còn hạn chế, có vẻ như không hiểu pháp luật hay là có sự lạm quyền khi cho phép người không thuộc đối tượng được sử dụng xe công sai quy định của Nhà nước.

Trong khi nguồn ngân sách còn hạn hẹp, nguồn thu còn khó khăn thì việc tăng cường kiểm soát thực thi pháp luật trong quản lý tài sản công, trong đó có việc mua sắm. sử dụng xe công là việc làm rất cần thiết. Tôi nghĩ nếu Chính phủ, hoặc cơ quan của Quốc hội, hoặc nhiều vị ĐBQH kiến nghị thì UBTVQH sẽ xem xét có đưa vào chương trình giám sát của Quốc hội hay không. Tôi sẽ ủng hộ nếu Quốc hội xem xét vấn đề này.

Nhiều ý kiến cho rằng, hiện bộ máy nhà nước còn cồng kềnh không chỉ gây kém hiệu quả mà còn là gánh nặng của chi ngân sách. Như vậy, chúng ta cần quyết liệt tinh giản biên chế?

- Nhiều năm nghiên cứu về khoa học quản lý, khoa học hành chính công, về cải cách hành chính, tôi đã nhiều lần phát biểu tại các kỳ họp Quốc hội là việc tổ chức, sắp xếp bộ máy nhà nước còn nhiều bất cập, có lúc có nơi chưa có cơ sở khoa học, nên bộ máy đến nay còn rất cồng kềnh, nhiều tầng nấc.

Xin chỉ nêu một ví dụ thế này: Trong khi Trung Quốc hàng tỷ người, đất đai rộng lớn như thế mà chỉ có 29 Bộ và Uỷ ban nhà nước (cơ quan ngang bộ), 31 đơn vị hành chính (gồm 22 tỉnh, 4 thành phố trực thuộc Trung ương, 5 khu tự trị, 2 khu hành chính đặc biệt) với tổng số công chức có khoảng 5 - 6 triệu người, chiếm khoảng 2,8 % dân số, 61% số người đó có trình độ đại học trở lên.

Trong khi đó Việt Nam chúng ta nhỏ bé về diện tích với khoảng 90 triệu người mà chúng ta có 22 Bộ, 8 cơ quan thuộc Chính phủ, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với 2,8 triệu cán bộ, công chức cộng với số người khác cùng hưởng lương từ ngân sách nhà nước chiếm 8,3% dân số.

Chưa kể trình độ cán bộ chuyên trách cấp xã năm 2012 mới chỉ đạt 19,92% đại học, 39,62% trung cấp, 30,95% chưa qua đào tạo, lý luận chính trị cao cấp mới chỉ đạt 4,75% dù tỷ lệ này đã tăng hơn rất nhiều so với 10 năm trước (năm 2002). Rõ ràng cần phải tính toán, sắp xếp lại bộ máy nhà nước sao cho khoa học hơn.

Chính vì sự cồng kềnh bộ máy như thế nên việc tinh giản biên chế dù được lãnh đạo, chỉ đạo nhiều năm nay, dường như vẫn chưa được như mong muốn, không những không loại được thành phần nhũng nhiễu, tiêu cực, hay “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” ra khỏi bộ máy nhà nước, mà có khi ảnh hưởng đến việc tuyển dụng lớp thanh niên sinh viên mới tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc, tràn đầy nhiệt huyết để bổ sung cho bộ máy.

Tôi nghĩ rằng, cần phải đưa ra tiêu chí cụ thể để đánh giá đúng phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ, trách nhiệm công vụ đối với từng đối tượng cụ thể trong hệ thống cán bộ, công chức thì mới hy vọng việc triển khai tinh giản biên chế có kết quả.

Chống lãng phí trước hết phải từ người đứng đầu, tuy nhiên trong thời gian qua chưa thấy người đứng đầu nào bị xử lý vì để xảy ra lãng phí...

- Hệ thống pháp luật hiện hành quy định trách nhiệm của người đứng đầu trong các cơ quan quản lý hành chính nhà nước. Vì vậy khi cần thiết và trong những vụ việc nổi cộm gây thất thoát ngân sách nhà nước, cũng cần xem xét, xử lý người đứng đầu để răn đe, phòng ngừa chung.

Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xử lý người đứng đầu nếu xảy ra lãng phí