Được đánh giá là có nhiều quy định mang tính đột phá, nhưng sau 5 năm triển khai Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC) đại diện Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho biết: Mặc dù số vụ vi phạm bị phát hiện hàng năm luôn ở mức cao, song công tác xử lý VPHC lại gặp rất nhiều khó khăn.
Theo Vụ Pháp chế, Tổng cục Hải quan, qua công tác kiểm tra, tự kiểm tra từ cấp Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đến các cục hải quan các tỉnh, thành phố và qua công tác phối hợp với các cơ quan chức năng khác, trong thời gian qua đã phát hiện hàng chục nghìn vụ vi phạm mỗi năm. Cụ thể, lần lượt trong các năm 2013, 2014, 2015 là 21.200 vụ, 18.448 vụ, 18.448 vụ.
Trong năm 2016, tổng số vụ vi phạm tuy có giảm còn 15.489 vụ nhưng tổng giá trị hàng hóa vi phạm lên đến trên 416 tỷ đồng và chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2017, ngành hải quan phát hiện và xử lý số vụ vi phạm lên tới 8.032 vụ. Trong đó có 3.466 vụ vi phạm về thủ tục hải quan; 106 vụ vi phạm về kiểm soát hải quan; 2.458 vụ vi phạm bị xử phạt do khai sai về thuế, trốn thuế, gian lận thuế; 165 vụ vi phạm về chính sách mặt hàng và 1.532 vụ vi phạm khác.
Đánh giá của Tổng cục Hải quan cho thấy, mặc dù số vụ vi phạm bị phát hiện hàng năm luôn ở mức cao, tuy nhiên, trong công tác xử lý VPHC lại gặp rất nhiều khó khăn liên quan đến nguyên tắc xử phạt, thẩm quyền, trình tự, thủ tục.
Cụ thể, một số quy định trong Luật xử lý VPHC chưa rõ ràng, thiếu phù hợp với thực tế dẫn đến khó áp dụng thực hiện. Dẫn chứng cụ thể, Tổng cục Hải quan cho biết, quy định về nguyên tắc xử phạt “Một người thực hiện nhiều hành vi VPHC hoặc VPHC nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm”.
Tuy nhiên, quy định này lại chưa làm rõ trường hợp “VPHC nhiều lần” thì có bị xử phạt về từng lần vi phạm hay chỉ bị xử phạt 1 lần và áp dụng tình tiết tăng nặng “vi phạm nhiều lần”. Vì vậy, có thể dẫn đến việc xử lý thiếu thống nhất. “Việc xác định tình tiết tăng nặng VPHC có quy mô lớn, số lượng hoặc giá trị hàng hoá lớn” là rất khó vì không có căn cứ để xác định. Đề nghị xem xét bỏ quy định này” – Đại diện Vụ Pháp chế Tổng cục Hải quan cho biết.
Đáng chú ý, theo Khoản 2, Điều 58, Luật Xử lý VPHC quy định: “Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký vào biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cơ sở nơi xảy ra vi phạm hoặc của hai người chứng kiến...”. Quy định này rất khó thực hiện bởi trên thực tế xảy ra hai hình huống:
Thứ nhất, trong quá trình thực thi nhiệm vụ của lực lượng chức năng trên biển, không ít vụ việc bị phát hiện bắt giữ cách đất liền đến vài chục hải lý. Nếu đối tượng vi phạm cố tình không ký vào biên bản thì việc bắt buộc phải có chữ ký của đại diện chính quyền cơ sở và 2 người làm chứng là rất khó có thể thực hiện được. Thứ hai, với nhiều trường hợp sau thông quan tại trụ sở doanh nghiệp, nhiều tổ chức bị cơ quan hải quan kiểm tra khi phát hiện vi phạm cố tình không ký vào biên bản, việc mời đại diện chính quyền cơ sở cũng như người làm chứng ký biên bản gặp khó vì họ cho rằng, không nắm được sự việc nên không thể ký, làm chứng.
Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trên, Vụ Pháp chế Tổng cục Hải quan cho rằng, Bộ Tư pháp cần xem xét, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sớm sửa đổi các quy định của Luật XLVPHC chưa phù hợp với thực tế, gây vướng mắc trong quá trình thực hiện.