Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội phối hợp với Công an quận Hoàn Kiếm và cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền, xử lý vi phạm liên quan đến xe ba, bốn bánh tự sản xuất, lắp ráp, xe mô tô kéo theo xe khác trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.
Là đầu mối giao thông, quận Hoàn Kiếm có nhiều loại hình phương tiện đặc thù, như xích lô, xe chở khách du lịch, xe ba gác tự chế... Đội Cảnh sát giao thông số 1, Phòng Cảnh sát giao thông đã phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm, Công an 18 phường tổ chức khảo sát đối tượng sử dụng xe ba gác trên toàn địa bàn, qua đó nắm tình hình để phân loại xử lý.
Thiếu tá Tạ Xuân Hậu - cán bộ Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 1, thông tin: Trên địa bàn quận Hoàn Kiếm tập trung nhiều trung tâm thương mại, nhiều chợ truyền thống, chợ đầu mối, nên nhu cầu vận chuyển hàng hóa rất cao. Để phòng ngừa vi phạm, từ đầu năm 2024 đến nay, Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 1 đã xử lý 16 trường hợp xe ba bánh, tạm giữ 16 phương tiện. Đồng thời tổ chức ký cam kết cho hàng chục chủ phương tiện không giao xe cho người khác sử dụng, không chở hàng hóa cồng kềnh, gây mất mỹ quan đô thị và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Ghi nhận cho thấy, trong quá trình xử lý, lực lượng phối hợp đã kiểm tra 3 phương tiện xe ba bánh tự chế, được biết đều là thương, bệnh binh, Tổ công tác liên ngành đã tuyên truyền để chủ xe, người điều khiển chấp hành pháp luật về an toàn giao thông đường bộ, bảo đảm các yếu tố an toàn của phương tiện, không chở hàng hóa cồng kềnh...
Đại úy Nguyễn Hoàng Ninh - Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 1, Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Hà Nội cho biết: Thực hiện kế hoạch của Công an thành phố về tuyên truyền, vận động và kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến người điều khiển, chủ phương tiện, cơ sở sản xuất, kinh doanh xe ba, bốn bánh tự sản xuất lắp ráp, xe mô tô kéo theo xe khác, vật khác trên địa bàn TP Hà Nội. Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 1 đã tăng cường lực lượng, phối hợp với các đơn vị chức năng, làm tốt công tác nắm tình hình, bố trí lực lượng triển khai các biện pháp như tuyên truyền vận động, kết hợp tuần tra kiểm soát, xử lý các vi phạm nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, giữ gìn mỹ quan đô thị trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.
Thực tế cho thấy, các phương tiện chủ yếu đã cũ, nhiều phương tiện không có biển kiểm soát.
Khi được hỏi, hầu hết người vi phạm đều nói, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, để mưu sinh nên đã sử dụng phương tiện cũ, hết niên hạn sử dụng, không bảo đảm an toàn để vận chuyển hàng hóa. Vì để có ngày công cao, không phải đi lại nhiều lần, thay vì chở nhiều chuyến hàng, một số tài xế cố tình chất hàng cao để chở. Đây cũng là nguyên nhân gây ra không ít vụ tai nạn nghiêm trọng trên địa bàn Hà Nội thời gian qua.
Theo lực lượng chức năng, khó nhất hiện nay là người vi phạm chủ yếu sử dụng xe mô tô cũ, hết niên hạn sử dụng để chở hàng cồng kềnh. Do đó, rất cần sớm nghiên cứu, đưa ra khung tiêu chuẩn về an toàn phương tiện, về tiêu chí môi trường… để các lực lượng làm nhiệm vụ có căn cứ tịch thu, tiêu hủy phương tiện nếu không đáp ứng các tiêu chuẩn.
Nhiều ý kiến cho rằng, về lâu dài, cần nghiên cứu, sản xuất các phương tiện vận tải cỡ nhỏ dùng để chở hàng hóa, vật liệu… có thể đi được vào các tuyến ngõ, phố Hà Nội nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa của nhân dân, từ đó sẽ hạn chế được việc sử dụng xe ba bánh tự chế, xe mô tô chở hàng cồng kềnh, quá khổ như hiện nay.
Nói thêm giải pháp, Đại diện Phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội) cho hay, để chấm dứt tình trạng người dân sử dụng xe ba bánh tự chế, xe mô tô, xe mô tô kéo xe khác, vật khác… chở hàng cồng kềnh, vi phạm nghiêm trọng Luật Giao thông đường bộ, cùng với việc chỉ đạo các đội nghiệp vụ phối hợp với công an các quận, huyện, thị xã tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không có ngoại lệ, đơn vị sẽ đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân dưới mọi hình thức.