Thời gian gần đây, khi xảy ra va chạm giao thông, thật đáng lo ngại, một số người đã sử dụng bạo lực. Càng gần Tết, mật độ người và xe trên đường càng nhiều, ai cũng vội vã, rất dễ xảy ra va chạm. Nhưng cũng không thể vì thế mà “đụng tay, đụng chân”.
Hiện Công an quận Bình Tân (TPHCM) đã lập hồ sơ, xử lý đối với thanh niên đạp một người đàn ông đi xe máy, khiến nạn nhân cùng phương tiện ngã nhào xuống đường. Sau đó, thanh niên nọ không dừng lại mà cho xe vọt đi. Một trường hợp khác cũng ở TPHCM, một người đàn ông dùng tuýp sắt "nói chuyện" với tài xế ô tô vì không được nhường đường. Tại quận Tân Phú, người đàn bà 60 tuổi điều khiển xe máy chở theo một em bé khoảng 14 tháng tuổi đã bị tài xế ô tô đánh vào mặt làm bà và cháu bé té ngã xuống đường, rồi bỏ mặc, chạy xe đi tiếp.
Cộng đồng mạng cũng bày tỏ phẫn nộ trước một đoạn video ghi lại cảnh một người đàn ông ở Bình Dương dùng xe máy chặn trước đầu ô tô rồi dùng thanh sắt đập phá sau vụ va chạm. Người này đã bị công an tạm giữ hình sự để điều tra về 2 hành vi gây rối trật tự công cộng và cố ý làm hư hỏng tài sản.
Va chạm trong các tình huống giao thông là điều không ai mong muốn, nhưng quan trọng là cách cư xử, giải quyết tình huống của những người điều khiển phương tiện. Không thể chỉ vì va chạm mà dùng sức mạnh “dạy cho đối phương một bài học”.
Hành vi côn đồ trong giao thông trước hết đến từ ý thức về pháp luật và văn hóa ứng xử yếu kém. Thay vì nói năng phải trái, ý thức được rằng “một sự nhịn, chín sự lành”, bình tĩnh giải quyết theo pháp luật hoặc thông qua bảo hiểm (trong trường hợp cụ thể) thì không ít người lại coi hành vi bạo lực như cách để "giành phần đúng", bất chấp hậu quả pháp lý lẫn đạo đức.
Hành vi côn đồ trên đường phố không chỉ là vấn đề cá nhân mà đã là hồi chuông cảnh báo về văn hóa ứng xử. Nếu khi đi đường không tuân thủ triệt để các quy định an toàn giao thông, không biết nhường nhịn, không biết nói lời xin lỗi khi xảy ra va chạm hay sẵn lòng giúp đỡ người gặp khó khăn, mà lại sử dụng bạo lực quyết “thua đủ” thì hậu quả sẽ rất khó lường. Càng bực bội lại càng không để mất kiểm soát. Chẳng lẽ một câu “xin lỗi” khó đến như vậy sao?
Hành vi côn đồ khi xảy ra va chạm trên đường không chỉ đáng bị lên án, mà còn là hành vi vi phạm pháp luật khi xâm phạm thân thể người khác, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Đó là hành vi phải chịu trách nhiệm hình sự. Nghị định 100/2019 và Nghị định 123/2021 của Chính phủ quy định các hành vi gây rối trật tự khi tham gia giao thông như dừng xe cản trở, đánh người, hoặc lăng mạ có thể bị phạt từ 5 - 10 triệu đồng, thậm chí tước giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng.
Ứng xử khi tham gia giao thông là thước đo văn minh của mỗi người. Điều đó cũng không có gì quá khó thực hiện. Sự bình tĩnh, tôn trọng và hợp tác là yếu tố then chốt giúp giải quyết vấn đề, từ va chạm nhỏ đến các sự cố lớn, thay vì để cảm xúc nóng giận chi phối.
Nhân đây cũng xin được nói về việc cộng đồng mạng lan truyền clip một cậu bé chạy xe điện trên đường Nguyễn Công Hoan, quận Phú Nhuận (TPHCM), vào trưa 7/12, suýt va chạm với ô tô. Em đã quay đầu về tài xế ô tô và cúi xuống tỏ ý xin lỗi. Sau đó, em dừng xe lại bên đường, vòng tay cúi đầu rất lễ phép. Một em bé còn làm được điều đó, thì người lớn tại sao không?
Một hành động đẹp nữa cũng nhận được sự hoan nghênh của dư luận. Sự việc diễn ra tại ngã tư giao giữa đường Thịnh Lang và đường Trương Hán Siêu (TP Hòa Bình), vào ngày 9/12. Trong clip, xe tải xi nhan rẽ trái, bỗng một bé trai đi xe đạp đi sát với xe tải sắp vào trúng điểm mù của tài xế. Thấy tình huống nguy hiểm, người đàn ông đã tiến lên kéo bé trai dừng lại, chờ xe tải đi hẳn mới để cháu đi tiếp. Người đó là anh Vũ Tiến Anh (34 tuổi, ở TP Hòa Bình). Anh cho biết, thời điểm đó, anh chỉ sợ cháu bé sẽ gặp nguy hiểm nên phải hành động ngay, không do dự.
Thay vì “đụng tay, đụng chân”, nếu ai cũng làm được như cậu bé nọ và anh Vũ Tiến Anh thì quý hóa biết mấy!