Xuân nơi miền biên ải

Minh Phú 25/01/2020 11:18

Biên giới phía Bắc, xuân thường đến sớm. Trong cái rét ngọt có những làn gió mát. Những cụm hoa rừng cũng nở sớm hơn. Và, người người, nhà nhà chuẩn bị cho một cái tết đủ đầy. Đó cũng là lúc mùa lễ hội bắt đầu.

Xuân nơi miền biên ải

Với người Tày ở Biên giới phía Bắc, xuân thường đến sớm. Trong cái rét ngọt có những làn gió mát. Những cụm hoa rừng cũng nở sớm hơn. Và, người người, nhà nhà chuẩn bị cho một cái tết đủ đầy. Đó cũng là lúc mùa lễ hội bắt đầu.Lạng Sơn, Tết Nguyên đán là dịp lễ quan trọng nhất trong năm. Trong các nghi thức ngày tết của người Tày, cúng gia tiên vào chiều tối 30 và sáng mùng 1 là nghi thức rất quan trọng. Chủ nhà sẽ dâng lên bàn thờ gia tiên những lễ vật mang ý nghĩa cầu mong năm mới đầy đủ, sung túc như: Bánh chưng dài, con gà, rượu men lá, bánh khẩu sli, bánh khảo…

Chị Minh Thúy (huyện Văn Lãng) cho biết: Theo phong tục của người Tày, ngoài 2 ban thờ chính là bàn thờ gia tiên và Phật Bà Quan Âm, gia đình nào có ông Mo và bà Then sẽ có thêm bàn thờ Mè Nàng. “Bàn thờ có bao nhiêu bát hương khi làm lễ nhập đàn sẽ có bấy nhiêu sư phụ. Mỗi sư phụ sẽ hướng dẫn một nghiệp. Có vị sẽ hướng dẫn về múa, có vị hướng dẫn về thanh nhạc, địa lý, lịch sử, đạo đức…”- chị Thúy chia sẻ.

Vào thời khắc giao thừa đón năm mới, người Tày sẽ thắp nén hương thơm, dâng rượu lên bàn thờ gia tiên, sau đó rót rượu mời và chúc ông bà cha mẹ mạnh khỏe, sống lâu trăm tuổi. Ông bà cha mẹ mừng tuổi, dặn dò con cháu đoàn kết, yêu thương giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Hàng xóm láng giềng đi chơi chúc Tết lẫn nhau, ngâm những câu sli ngọt ngào với lời chúc tốt đẹp: gia đình năm mới hạnh phúc tràn đầy, làm ăn tấn tới.

Một trong những tập tục độc đáo của bà con chính là việc lấy nước đầu năm, vào sáng sớm 1 tết. Bà con lấy nước tại một nơi có nước trong sạch và đặt cành lá đào lên trên bát nước vừa lấy về rồi dâng lên ban thờ. Lá đào dùng để tẩy đi những gì không tốt, ô uế, xác lập lại bằng một nguồn nước thanh thủy. Các cụ dùng để rửa mặt, rửa tay từ ngày mùng 1 đầu năm mới vạn sự tốt lành.

Trong phong tục ngày Tết của người Tày Xứ Lạng, không thể không nhắc và nhớ đến một loại hình văn hóa đặc sắc là múa Ky Lằn (còn gọi là múa Lân). Đã từ lâu, Kỳ Lân được người Tày xem là vật thiêng liêng, được quý trọng và chào đón với một tình cảm đặc biệt. Người Tày quan niệm, gia đình nào được Kỳ Lân vào nhà chúc Tết sẽ gặp được nhiều may mắn trong năm mới.

Tại Bắc Kạn, từ 27, 28 Tết, bà con đã mổ lợn. Con lợn to béo nhất được lựa chọn để làm mâm cỗ cúng gia tiên. Khác với người dân miền xuôi thường làm bánh chưng vuông, người dân vùng cao Bắc Kạn làm bánh chưng dài. Những chiếc bánh chưng được gói bằng thứ gạo nếp nương thơm ngát cùng thứ lá dong rừng xanh mướt, dưới bàn tay khéo léo của các mẹ, các cô sơn nữ - là món ăn không thể thiếu để dâng cúng tổ tiên, báo hiệu thành quả của một năm làm ăn chăm chỉ, với ngô lúa đầy nhà.

Bàn thờ tổ tiên cũng được dọn dẹp kỹ lưỡng. Người ta buộc bốn cây mía vào bốn góc chân bàn thờ, quan niệm đó là cái gậy để tổ tiên chống trên đường về ăn tết với con cháu. Trên bàn thờ bày biện bánh kẹo, rượu, thịt lợn, thịt gà thanh tịnh để dâng cúng tổ tiên.

Ngày mùng 1 Tết, bà con kiêng phơi phóng, quét tước nhà cửa. Họ quan niệm đó là những thứ lộc trời ban cần được giữ trọn vẹn trong nhà. Sáng mùng 1, khi mâm cỗ cúng gia tiên vừa hết một tuần nhang, con cháu quây quần cùng thụ lộc. Ngày này người ta không nói to. Ngày mùng 2 tết, mọi người chúc tết ông bà nội ngoại, họ hàng, làng xóm. Mỗi gia đình đều có lệ mời chén rượu nồng khi khách tới chúc tết, coi đó là lộc đầu năm. Ngày mùng 3 tết, trong làng bản thường tổ chức các lễ hội với những trò chơi truyền thống như: Ném còn, đấu vật, đánh khăng, đánh đáo, bịt mắt bắt dê, đu quay…

Cho tới mùng 7 tết, người ta xuống đồng, lấy ngày tốt để cầu mong một năm mới mùa màng tươi tốt, bội thu. Đến rằm tháng Giêng, khắp các bản làng lại rộn ràng ăn tết lại, cũng rất vui vẻ, hào hứng.

Ngày tết đến thăm nhà của đồng bào vùng cao Bắc Kạn, chủ nhà sẽ tiếp khách bằng những món rất đặc trưng như: Bánh khảo, pẻng phạ (bánh trời), bỏng. Đó là thứ quà do những người phụ nữ trong gia đình kỳ công chế biến từ những nông sản sẵn có như: Gạo nếp, mật mía. Hương vị của những món quà tết ấy dẻo ngọt, đậm đà như chính tấm lòng chân thật, mến khách của đồng bào vùng cao nơi đây.

Với người Mông ở Hà Giang, Tết diễn ra trước tết Nguyên đán chừng một tháng. Ngay từ đầu tháng 11 âm lịch không khí đã rộn rã khắp trong bản, ngoài đường. Lúc này, ngoài việc vỗ béo lợn gà, dọn dẹp sửa sang nhà cửa các chàng trai còn tập trung vào việc kiếm củ để dùng trong những ngày Tết. Phụ nữ cũng chuẩn bị cho mình những bộ váy áo rực rỡ sắc màu, cùng những vòng tay, vòng cổ đẹp nhất để diện cho những ngày tết.

Ngày Tết, ngoài thịt lợn, thịt gà, bánh dày nhà nào trong bản cũng có rượu ngô. Trước Tết một tháng, người Mông lên rừng chọn cây tre thật già chặt về phục vụ cho việc nấu rượu. Rượu ngô được trưng cất từ một loại ngô của địa phương, men dùng để nấu được làm từ các loại lá cây do người già lấy từ rừng về. Đối với dân tộc Mông, rượu không chỉ để dùng cho việc nhà, làm quà cho anh em mà rượu còn làm hàng hóa.

Cuối tháng 11 âm lịch cơ bản mọi việc đã hoàn tất, hoa đào bắt đầu khoe sắc, hoa Mai nở trắng rừng. Đây cũng là lúc các gia đình người Mông nhộn nhịp làm bánh dày. Người Mông quan niệm hai cái bánh dày tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng là nguồn gốc sinh ra con người, muôn loài trên trái đất. Bánh dày được làm rất công phu nguyên liệu chính là gạo nương thơm đem đi nấu xôi sao cho thật dẻo rồi mang ra máng gỗ, dùng chày gỗ để giả, giã bánh cũng phải chọn những chàng trai lực lưởng để có thể giã đều và mạnh sao cho bánh thật nhuyễn và dẻo. Chủ nhà nắn hai chiếc bánh to đặt lên tàu lá chuối rồi trịnh trọng đưa lên bàn thờ thắp hương khấn bái.

Từ ngày 25 đến ngày 26 tháng chạp, bà con bắt đầu nghĩ ngơi để đón tết. Bà con cho rằng súc vật quanh năm vất vả thì cũng được ăn tết như người vì vậy từ tối tất niên các gia đình đều nấu cháo để sáng mùng một cho trâu bò lợn gà ăn.

Người Mông trên những vùng núi cao phía Bắc còn tôn vinh cả vật dụng trong sản xuất nông nghiệp, vì vậy trước tết gia đình nào cũng làm lễ cất dụng cụ lao động. Chúng được rửa sạch sẽ rồi đem vào để cạnh bàn thờ trong nhà. Người Mông quan niệm các dụng cụ này cũng như con người, chúng cần phải được nghỉ ngơi trong những ngày tết để chuẩn bị cho môt năm lao động, sản xuất mới.

Ngày tết, trong nhà người Mông không trang trí cầu kỳ, nhưng từ trước tết gia đình nào cũng chọn mua những tờ giấy bạc, đến chiều 30 người chủ gia đình tự tay cắt thành những đồng tiền bạc sau đó dùng vỏ cây nhớt được lấy từ trong rừng về để dán những đồng tiền bạc lên cột, cửa nhà, các vật dụng hàng ngày và cả nơi chăn nuôi. Bà con quan niệm đó là vàng là bạc là tiền cầu phúc cho gia đình một năm mới với mùa màng bội thu, sung túc. Bàn thờ của người Mông được để chính giữa hướng đường và trang trí đơn giản, nhưng bàn thờ các gia đình kiêng không được lau bằng giẻ, không được rửa bằng nước cũng không được quét dọn bằng chổi lông hay bất cứ vật dụng gì mà chỉ được quét bằng cây chổi tre ba ngọn do người già chặt về từ ngọn một đỉnh núi hướng đông. Đặc biệt, người Mông luôn giữ cho hương cháy trong suốt ba ngày tết để thần bếp giúp họ luôn giữ ngọn lửa xua đuổi tà ma và thú dữ.

Trong những ngày đầu năm mới người Mông kiêng không quét nhà, nếu có quét thì chỉ quét vào trong và không hót đổ đi, với quan niệm làm như vậy là sang năm mới sẽ mất của. Nhóm lửa nhưng không được thổi lửa, làm như vậy cả năm sẽ gặp gió bão...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xuân nơi miền biên ải

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO