Suốt cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt quyền lợi của Nhân dân, Đất nước lên trên hết. Nhân dân ấm no hạnh phúc, Đất nước độc lập tự do “bước tới đài vinh quang sánh vai với các cường quốc năm châu” là khát vọng suốt cuộc đời của Người, vị lãnh tụ vô vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam “nâng niu tất cả chỉ quên mình”. Đất nước đi qua năm Canh Tý đầy gian nan, bước vào năm Tân Sửu nhiều hy vọng, lại càng nhớ Bác, vị anh hùng dân tộc “mong manh áo vải hồn muôn trượng” suốt đời nghĩ đến Dân, lo cho Dân.
1. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng vai trò làm chủ Đất nước của Nhân dân. Người cho rằng, Nhà nước phải là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân mà phục vụ.
Ngày 2/9/1945 trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, dẫn Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ năm 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Trong bản Hiến pháp năm 1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta, Điều 1 đã khẳng định: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa, tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam. Không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”.
Tư tưởng vì Dân, Dân là gốc, Dân là chủ luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh chính là sự kết nối và kết tinh từ truyền thống trọng Dân của dân tộc ta; cũng là những đúc rút cực kỳ quan trọng trong suốt những năm bôn ba cứu nước của Người. Cũng chính vì thế, Người luôn nhắc nhở “các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật”.
Người luôn trăn trở làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm. Hơn 75 năm trước, ngày 17/10/1945, trong “Thư gửi UBND các kỳ, tỉnh, huyện và làng”, đăng báo Cứu Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”.
Là vị lãnh tụ anh minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu sức mạnh to lớn của Dân và trên hết Người rất thương Dân. Tới đâu người cũng thăm Dân, hỏi đồng bào ăn có no không, mặc có ấm không. Xuân về, Người gửi các cụ già tấm lụa may áo. Trung thu, Người không quên quà cho trẻ thơ. Người biết dân ta từng chịu nhiều đau khổ hy sinh, nên chúng ta làm cách mạng cũng là để giành lại ấm no hạnh phúc cho Nhân dân.
“Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”(Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.518.). Nhận lãnh trách nhiệm trước Dân cũng là nhận lãnh trách nhiệm trước tiền đồ của dân tộc, tư tưởng vì Dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh thật cao cả, thật vĩ đại. Trước khi đi vào cõi thiên thu, trong Di chúc, Người viết rằng: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
2. Tuân theo Di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những người đồng chí chiến đấu của Người, những học trò xuất sắc của Người suốt những năm qua đã hành động vì Dân. Điều đó thể hiện trong quá trình vận động cách mạng của Đất nước, trong những thời khắc gian truân khi mà vận mệnh quốc gia dân tộc “ngàn cân treo sợi tóc”.
Nhất là trong năm 2020 vừa qua, một năm “chưa có tiền lệ” trong lịch sử đất nước, khi mà thiên tai dồn dập, dịch bệnh bủa vây.
Hẳn nhiều người chưa quên, vào thời khắc giao thừa năm trước, trời bỗng mưa to, ngay tại Thủ đô Hà Nội lại có mưa đá. Ai cũng lấy làm kinh ngạc. Thế rồi, tiếp ngay sau đó là sương muối, là giá lạnh ở miền Bắc. Những trận mưa bất thường ngay trong mùa Xuân cho thấy thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu. Tháng 5, mùa nắng nóng, vậy mà hoa sữa lại nở không đợi đến mùa Thu mát trời. Rồi thì Đồng bằng sông Cửu Long liên tiếp bị nạn triều cường, nước mặn từ biển theo cửa sông lấn sâu vào nội đồng hơn 100km. Sạt lở diễn ra nhiều nơi. Sóng dữ tấn công nhiều tuyến đê biển xung yếu. Tới cuối năm, kể từ đầu tháng 10 cho đến giữa tháng 11, bão dồn dập ập vào miền Trung. Ít nhất 4 trận bão nối nhau tàn phá mảnh đất vốn đã chịu nhiều khó khăn này. Bão chồng bão, lũ chồng lũ. Nếu như năm 2020 nước ta có tới 16 loại hình thiên tai thì chỉ trong vòng hơn 1 tháng, miền Trung đã phải hứng chịu đủ cả 16 loại hình khốc liệt ấy.
Tính đến ngày 20/12, thiên tai đã làm 288 người chết, 66 người mất tích, 876 người bị thương. Thiên tai cũng đã cướp đi hơn 38.400 tỷ đồng của Dân, của Nước.
Trong tình thế ngặt nghèo của năm 2020, Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thật sự xứng đáng “vì nhân dân phục vụ”. Không để ai bị bỏ lại phía sau - đó là mệnh lệnh từ trái tim, lan tỏa khắp cả nước cùng đồng bào ta ở nước ngoài. Truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của dân tộc một lần nữa lại bừng sáng.
Trong suốt cả năm chống Covid-19, cả hệ thống chính trị vào cuộc, ngăn dịch, dập dịch cũng là để lo cho Dân. Những chiến sĩ Biên phòng tuần tra xuyên đêm kiểm soát chặt chẽ tất cả đường mòn, lối mở chặn dịch từ bên ngoài, không để dịch vào nội địa. Hệ thống y tế của đất nước được kích hoạt cao nhất, tất cả các bệnh viện, trạm xá đều vào cuộc. Thầy thuốc trở thành chiến sĩ, “chiến sĩ áo trắng”. Chặn dịch từ bên ngoài, dập dịch ở bên trong, đất nước đã được bình an trước một năm dịch bệnh khủng khiếp, điều mà rất ít quốc gia trên thế giới làm được.
Đất mẹ vĩ đại, Đất mẹ bao dung - trong khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp thì những chuyến bay lại dũng cảm xé gió đến vùng dịch nước ngoài đón đồng bào về. Mỗi chuyến bay ấy đều hiểm nguy và thực tế không ít người trở về đã mang theo virus SARS-CoV-2. Nhưng Chính phủ đã hành động vì Dân với ý nghĩa thiêng liêng của hai tiếng “Đồng bào”.
Ấy cũng là vì Dân, vì người Việt Nam cho dù họ làm ăn, sinh sống ở bất cứ đâu nhưng khi gặp hoạn nạn thì Tổ quốc dang tay cứu giúp, chở che…
Ý nghĩa đồng bào cũng thật cảm động khi miền Trung bị thiên tai tàn phá. Ngay từ khi trận lụt đầu tiên ập đến với Bắc Trung bộ, cả nước đã hướng về miền Trung, để đồng bào vùng lũ không ai đói, ai rét. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, những đóng góp từ những tấm lòng hảo tâm đã nhanh chóng đến với bà con vùng lũ, để bà con vượt qua những ngày khó khăn, để bà con có lực đứng dậy xây dựng lại cuộc sống.
Không ai rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, không ai bị đứt bữa, cũng không ai bị bệnh tật dày vò. Trong lúc mưa trắng trời trắng đất, nước ngập mênh mông, đất đá sạt lở… thì vẫn có những hài nhi ra đời trong vòng tay yêu thương của người thân, của những con người sát cánh cùng đồng bào trong hoạn nạn. “Rằng qua hoạn nạn mới hiểu lòng nhau”, chúng ta đã qua hoạn nạn và càng hiểu sâu sắc hơn những phẩm chất cao cả của người Việt Nam ta, những phẩm chất ấy đã gắn kết dân tộc thành một khối, tạo nên sức mạnh Việt Nam.
Năm Canh Tý qua đi, năm Tân Sửu đã đến. Một năm không người Việt Nam nào bị bỏ lại phía sau, cả trong dịch bệnh cũng như lúc thiên tai. Chúng ta tự hào về Đất nước mình, Dân tộc mình. Tự hào đã thực hiện tốt nhất Di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với lời căn dặn thiết tha của Người: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”.