Người dân đã nâng cao cảnh giác với hành vi đánh cắp hoặc tạo tài khoản giả mạo trên mạng xã hội để lừa đảo tuy nhiên các hình thức lừa đảo vẫn không ngừng biến tướng. Không chỉ các tài khoản cá nhân bị đánh cắp, giả mạo, hiện nay còn xuất hiện các tài khoản Zalo mạo danh doanh nghiệp, ngân hàng.
Dễ giả mạo
Số lượng người sử dụng các mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Instagram... ở Việt Nam khá lớn. Đây là điều kiện thuận lợi để các đối tượng xấu lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, người lao động mất việc, giảm lương, hoạt động kinh doanh đình đốn khiến đời sống ngày càng khó khăn, eo hẹp. Từ đó, đã xuất hiện nhiều đối tượng lừa đảo thông qua mạng xã hội như giả mạo Zalo, đánh cắp tài khoản mạng xã hội nhằm vay mượn tiền và thực hiện hành vi chiếm đoạt.
Chiêu thức của các đối tượng lừa đảo là lập một tài khoản Zalo có tên và sử dụng hình ảnh của cá nhân làm hình đại diện. Trong Zalo đó cũng sẽ có danh sách bạn bè giống như Zalo chính chủ. Sau đó, đối tượng này dùng Zalo giả mạo để nhắn tin mượn tiền từ bạn bè trong danh bạ, số tiền 5 triệu, 3 triệu 1 triệu,... tuỳ vào hoàn cảnh, mối quan hệ với người được hỏi. Chiêu thức giả mạo tài khoản cá nhân để vay tiền đã được người dùng nâng cao cảnh giác. Thời gian gần đây trên mạng xã hội còn xuất hiện nhiều tài khoản giả mạo doanh nghiệp, ngân hàng. Các tài khoản này được các đối tượng tạo ra nhằm mục đích đánh cắp thông tin cá nhân của khách hàng hoặc cho vay nặng lãi.
Anh Đinh Hải Nam (Hà Nội) cho biết tự nhiên nhận được tin nhắn với tài khoản Zalo mang tên Ngân hàng Sacombank thông báo đã giải ngân khoản vay 150 triệu đồng. “Tôi không vay ngân hàng, cũng chưa ký tá gì, khi nhận tin nhắn tôi rất hoang mang. Khi gọi đến số điện thoại ghi trong tin nhắn thì họ xác nhận đúng tên tôi, số điện thoại của tôi, họ đọc cả tên vợ con tôi rồi tôi được yêu cầu cung cấp các thông tin về số chứng minh thư, nơi công tác, nơi ở… Do sợ bị đánh cắp thông tin lần nữa, tôi phải ra tận quầy giao dịch làm rõ. Ra đó tôi mới biết tài khoản nhắn tin cho tôi không phải ngân hàng Sacombank.”- Anh Nam cho biết thêm.
Không phải ai cũng đủ tỉnh táo như anh Nam để tìm đến quầy giao dịch xử lý. Chị Hạnh một nhân viên văn phòng cũng có lần nhận được cuộc gọi trên ứng dụng của facebook từ một người giả danh nhân viên ngân hàng. Người này thông báo đã chuyển khoản cho chị 50 triệu đồng với lý do giải ngân khoản vay cho chị. Do không hề có ý định vay tiền ngân hàng và cũng chưa làm thủ tục vay ngân hàng, chị Hạnh đề nghị trả lại tiền, không vay tiền thì bị các đối tượng yêu cầu chuyển tiền phạt. Chưa đồng ý nộp phạt, chị và những người thân liên tục phải nhận các cuộc điện thoại khủng bố, đe doạ.
Không chỉ tài khoản ngân hàng Sacombank bị giả mạo, nhân viên ngân hàng bị giả mạo, nhiều tài khoản của các doanh nghiệp cũng bị các đối tượng giả mạo để bán hàng giả, hàng nhái. “Tôi hay mua sản phẩm mỹ phẩm của công ty VBN thông qua hình thức đặt trực tiếp trên website bán hàng hoặc page có tích xanh của công ty. Một hôm tôi thấy tài khoản zalo mang tên công ty đó nhắn tin chương trình khuyến mãi, bán hàng với giá thấp hơn 30% giá niêm yết. Khi mua hàng về sử dụng tôi mới biết mình mua phải hàng giả. Điện thoại đến công ty kiểm tra thì mới biết công ty không có tài khoản zalo nào cả”- chị Vũ Minh Anh (Bắc Ninh) cho biết.
Khó quản lý
Theo hướng dẫn đăng ký tài khoản Zalo official account- Doanh nghiệp trên trang oa.zalo.me người dùng cần thực hiện các thao tác đăng nhập bằng số điện thoại hoặc quét mã QR code, sau đó chọn loại tài khoản doanh nghiệp hoặc cơ quan nhà nước. Nếu chọn tài khoản doanh nghiệp, người dùng tiếp tục chọn danh mục con phù hợp với ngành nghề kinh doanh sau đó nhập thông tin mô tả, họ tên, số điện thoại người tạo, cập nhật ảnh đại diện, nhập địa chỉ doanh nghiệp là hoàn tất khởi tạo. Để tài khoản zalo được phê duyệt, khách hàng phải nộp một số giấy tờ xác thực lên hệ thống như đăng ký kinh doanh, chứng minh thư, giấy xác nhận đăng ký thương hiệu do Cục sở hữu trí tuệ cấp... Vậy nên việc các tài khoản zalo mạo danh doanh nghiệp, mạo danh ngân hàng khách hàng dễ dàng bị mắc lừa là điều dễ hiểu.
Theo chuyên gia an toàn thông tin, TS. Phạm Viết Ánh, hiện nay, người dùng điện thoại thông minh thường cài đặt rất nhiều ứng dụng như game, các ứng dụng hỗ trợ chỉnh sửa ảnh, app tài chính, các công cụ tiện ích... Các app này đều có quyền truy cập vào danh bạ, hình ảnh và thu thập nhiều thông tin khác của nạn nhân. Sau đó, bán thông tin này dưới dạng "social listening" (phương tiện quản lý truyền thông lắng nghe và theo dõi người dùng) cho đối tác thứ ba. Ngoài ra, tài khoản cloud cũng có nhiều và thông dụng như iCloud, Samsung Cloud, Drive Cloud (Google)... Nếu không cẩn thận, người dùng rất có thể sẽ bị "tin tặc", lấy mất tài khoản, đánh cắp thông tin và chúng sẽ lợi dụng các thông tin để trục lợi hoặc tạo các tài khoản lừa đảo.
“Để tránh trở thành nạn nhân của các hành vi lừa đảo trực tuyến, cá nhân sử dụng mạng xã hội cần luôn tỉnh táo, cảnh giác, tuyệt đối giữ bí mật thông tin cá nhân. Các doanh nghiệp, ngân hàng cũng cần phải thường xuyên có những thông báo về các kênh thông tin mà mình đang sử dụng để khách hàng dễ dàng nhận biết. Với sự phát triển của internet nói chung và mạng xã hội hiện nay, để hạn chế việc giả mạo người khác cũng như các hành vi vi phạm pháp luật khác trên môi trường mạng thì các cơ quan chức năng cần phải xử lý nghiêm và quyết liệt hơn nữa đối với các hành vi vi phạm. Người bị xâm phạm, bị giả mạo cũng cần có thái độ kiên quyết ngăn chặn hành vi vi phạm, phối hợp với coư quan chức năng để xử lý, tránh tâm lý mặc kệ, “không thèm chấp” tạo cơ hội cho các đối tượng lừa đảo”- Luật sư Nguyễn Tiến Sơn cảnh báo.