Xuất hiện những ca mắc Covid-19 mới: Bình tĩnh, chủ động chống dịch

T.Hương-T.Giang-Đ.Trân 18/04/2023 06:00

Thông tin từ Bộ Y tế, trong tuần qua, số ca mắc Covid-19 tăng nhanh so với một tuần trước đó. Một số địa phương đã phát hiện nhiều ca mắc mới, trong đó có Hà Nội. Tuy nhiên, số bệnh nhân trở nặng phải thở ô xy ít. Để chủ động phòng, chống dịch, tới thời điểm này nhiều địa phương đã đẩy mạnh kích hoạt các biện pháp y tế dự phòng cần thiết, đồng thời khuyến cáo người dân chủ động phòng, chống dịch.

Số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội tăng nhanh so với 1 tuần trước. Ảnh: Quang Vinh.

Trao đổi về nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 trong bối cảnh dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 đã đến gần, PGS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng đó là thời điểm người dân đi lại nhiều, vì thế cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh, đặc biệt ở các khu vực có nguy cơ cao. Nới lỏng nhưng không thả lỏng, nới lỏng nhưng vẫn kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, đặc biệt bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương như người già, trẻ em, người suy giảm miễn dịch, người chưa tiêm vaccine Covid-19.

“Nếu đánh giá không đúng nguy cơ thì không kiểm soát được dịch bệnh. Ngược lại, nếu đánh giá nguy cơ cao quá dẫn tới đáp ứng thái quá lại cấm đoán, gây tổn hại đến kinh tế, an sinh xã hội của người dân”- ông Phu nói và cho rằng trong trường hợp này thì “không nên cực đoan”.

Trường Tiểu học Phan Châu Trinh (Hà Nội) đã kích hoạt các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Hà Nội: Các trường hợp diễn biến nặng phải nhập viện thuộc nhóm cao tuổi, có bệnh nền

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong tuần qua ghi nhận 493 ca Covid-19, tăng so với tuần trước đó (67 ca), không ghi nhận trường hợp tử vong. Trong số này, có 244 bệnh nhân đang điều trị tại nhà, 233 bệnh nhân được điều trị tại các cơ sở y tế; có 28 bệnh nhân được hỗ trợ thở ô xy.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương hiện đang điều trị 154 ca Covid-19, trong số này có 16 ca phải can thiệp thở máy, 45 trường hợp thở ô xy. Đây là các bệnh nhân được chuyển về từ khắp các tỉnh, thành miền Bắc, trong đó có Hà Nội. Các trường hợp diễn biến nặng phải hỗ trợ hô hấp tại cơ sở y tế này đều thuộc nhóm cao tuổi, có bệnh nền.

Ông Vũ Cao Cương - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Hà Nội đang ở thời điểm giao mùa, là điều kiện thuận lợi cho sự gia tăng các dịch bệnh, đặc biệt là các dịch bệnh hô hấp. Để phòng ngừa dịch bệnh, người dân nên giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch hoặc chất sát khuẩn; thực hiện thường xuyên đeo khẩu trang tại các khu công cộng; Thực hiện nghiêm khuyến cáo 2K của Bộ Y tế. Khi có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh, cần chủ động thông báo ngay cho Trạm y tế trên địa bàn nơi sinh sống để được tư vấn kịp thời.

Trước diễn biến mới của dịch Covid-19, các nhà trường trên địa bàn Hà Nội bình tĩnh, chủ động phương án ứng phó. Ban giám hiệu Trường Tiểu học Phan Chu Trinh cho biết đã kích hoạt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế; đồng thời bổ sung các trang thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch cần thiết; khuyến khích học sinh tự mang bình nước cá nhân, chủ động theo dõi sức khỏe. Đặc biệt lưu ý khi có học sinh bị mắc Covid-19 phải thông báo ngay với giáo viên chủ nhiệm, gia đình sẽ chăm sóc và điều trị cho con theo hướng dẫn của bác sĩ, cách ly đủ 7 ngày.

“Sau mỗi buổi học, nhà trường tổ chức khử khuẩn, lau bàn ghế bằng CloraminB. Nếu phát hiện học sinh nhiễm Covid-19, nhà trường sẽ thực hiện khử khuẩn lại lần nữa để đảm bảo an toàn phòng dịch ở mức cao nhất” - đại diện nhà trường thông tin.

Tương tự, nhiều trường học khác trên địa bàn Thủ đô cũng ra thông báo khuyến cáo cán bộ giáo viên, nhân viên, phụ huynh và học sinh chủ động thực hiện tốt các nội dung phòng chống dịch. Trường THCS Ba Đình khuyến cáo cần rửa tay thường xuyên, trang bị bình đựng nước riêng. Tất cả các trường hợp mắc Covid-19 đều phải nghỉ học, nghỉ làm việc đến khi khỏi bệnh.

Cô Ngọc Mơ (Trường mầm non A Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì) cho biết tuần trước lác đác có học sinh xin nghỉ. Cô đã báo cáo nhà trường và tổng vệ sinh khử khuẩn toàn bộ lớp học để đảm bảo an toàn cho học sinh tới lớp. Những ngày nồm ẩm cũng khiến học sinh dễ bị mắc các bệnh về đường hô hấp, bệnh ngoài da.

Lo lắng nhiều là những học sinh cuối cấp đang trong giai đoạn nước rút để chạy đua với thời gian ôn tập, chuẩn bị cho các kỳ thi cuối kỳ và thi chuyển cấp. Vì thế, các em càng cần được theo dõi kỹ lưỡng hơn.

Cô giáo Tú Anh (Trường THPT Việt Nam - Ba Lan) cho biết, trường chỉ đạo trong trường hợp học sinh mắc Covid-19, các em nghỉ học nhưng giáo viên chủ nhiệm vẫn thường xuyên quan tâm, hỗ trợ các em khi cần hỏi bài, thông tin… “Dù không học trực tuyến nhưng giáo viên sẵn sàng hỗ trợ học sinh bất cứ khi nào các em cần về vấn đề bài vở, thông tin qua hình thức điện thoại, nhắn tin, zalo… nên các em hoàn toàn yên tâm nghỉ ngơi, chờ đến khi khỏi bệnh hoàn toàn thì đi học lại và sẽ được bồi dưỡng kiến thức riêng” - cô Tú Anh nói.

Trước đó, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết chưa có bất kỳ phát ngôn nào liên quan đến việc địa phương sẵn sàng chuyển sang học trực tuyến nếu có học sinh mắc Covid-19. Tuy nhiên, Sở đã yêu cầu các nhà trường rà soát các điều kiện cơ sở vật chất, đường điện, hệ thống cây xanh, bếp ăn bán trú, giao thông… nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cho học sinh.

Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân. Ảnh: Quang Vinh.
Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân. Ảnh: Quang Vinh.

TP Hồ Chí Minh: Số ca mắc Covid-19 tăng trở lại nhưng hoàn toàn không đáng lo

Những ngày qua, số ca mắc Covid-19 tại TPHCM tăng nhẹ. Theo giới chuyên gia, với những giải pháp kiểm soát, phòng chống dịch sẽ lắng xuống và không có nguy cơ bùng phát.

Thông tin từ Sở Y tế TPHCM cho biết, trong 15 tuần đầu năm 2023, thông qua hệ thống giám sát ca bệnh Covid-19, thành phố ghi nhận tổng cộng 158 ca mắc Covid-19. Số ca mắc giảm dần từ đầu năm 2023 và hiện vẫn đang ở mức thấp. Tính từ đầu tháng 3 đến nay, số ca mắc mới tại thành phố dưới 3 ca/ngày. Cụ thể, trong 7 ngày vừa qua, TPHCM ghi nhận 6 ca nhiễm. Riêng ngày 12/4, có 18 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện, trong đó có 9 ca cần hỗ trợ hô hấp.

PGS Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế công cộng (Đại học Y Dược TPHCM) khẳng định, số ca mắc Covid-19 tăng trở lại nhưng hoàn toàn không đáng lo. Số lượng tăng này nằm trong dao động bình thường, tương tự như các quốc gia khác.

“Việc tăng số ca Covid-19 không phải do biến chủng mới, nguyên nhân chủ yếu là do thói quen phòng bệnh của người dân không được chặt chẽ như trước” - ông Dũng cho hay.

Trong khi đó BS Phạm Thái Sơn - Phó Trưởng khoa Covid-19 (Bệnh viện Nhi Đồng 2), dù ghi nhận đã xuất hiện biến thể phụ XBB.1.5 và số ca mắc mới đang có xu hướng tăng nhưng đa số diễn biến nhẹ và không có trường hợp nguy kịch. Hiện tại Việt Nam vẫn đang kiểm soát được tình hình dịch Covid-19 nhưng cần cảnh giác để có những biện pháp đáp ứng kịp thời.

Nhằm hạn chế nguy cơ mắc Covid-19, BS Sơn khuyến cáo, người dân cầm tiêm ngừa vaccine phòng Covid-19, đặc biệt là người già, người có bệnh nền, người dư cân béo phì, phụ nữ mang thai và trẻ em trong độ tuổi phù hợp. Khi có các triệu chứng nghi ngờ như: Sốt cao, biểu hiện bất thường ở đường hô hấp (ho, sổ mũi, khó thở) kèm có hoặc không có yếu tốt nguy cơ tiếp xúc, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được khám và xác định khả năng mắc Covid-19. Người mắc Covid-19 nên khai báo với y tế địa phương và có ý thức bảo vệ cho những người xung quanh.

Theo PGS Đỗ Văn Dũng, người đã tiêm đủ mũi vaccine sẽ đủ miễn dịch, hạn chế nguy cơ biến chứng nặng. Trẻ em đi học có nguy cơ lây nhiễm cao nhưng đa số là triệu chứng nhẹ, nhẹ hơn cúm mùa. Do đó, học sinh không cần tiêm mũi bổ sung vaccine. Hiện nay, nhiều quốc gia khuyến cáo người có yếu tố nguy cơ cao như người cao tuổi, có bệnh nền nên tiêm vaccine nhắc lại hàng năm để tăng cường miễn dịch.

Trong khi đó, lãnh đạo UBND TPHCM yêu cầu Sở Y tế thành phố tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh trên địa bàn để kịp thời ứng phó với các tình huống xảy ra. Đẩy mạnh công tác tiêm vaccine phòng Covid-19 đối với các nhóm nguy cơ cao. Sở Y tế TPHCM chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (HCDC) và tất cả các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập khẩn trương thực hiện các biện pháp tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19. Theo kế hoạch, HCDC tăng cường hoạt động giám sát nhằm phát hiện sớm các ổ dịch, chùm ca mắc Covid-19, chùm ca viêm hô hấp. Tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân và đẩy mạnh công tác tiêm vaccine phòng Covid-19, đặc biệt đối với các nhóm có nguy cơ cao. Tất cả các bệnh viện trên địa bàn thành phố sẵn sàng nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc điều trị, phương tiện, đảm bảo thường trực 24/24 để đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh và cấp cứu của người dân.

Hà Nội bác bỏ thông tin chuyển sang học trực tuyến khi có học sinh mắc Covid-19

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định, đến thời điểm này, lãnh đạo Sở không có bất kỳ phát ngôn nào liên quan đến việc, địa phương sẵn sàng chuyển sang học trực tuyến nếu có học sinh mắc Covid-19. Thông tin đó là vô căn cứ. Trước đó, trên một số diễn đàn, phụ huynh hoang mang về việc liệu trường học có quay trở lại học trực tuyến nếu trẻ mắc Covid-19.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xuất hiện những ca mắc Covid-19 mới: Bình tĩnh, chủ động chống dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO