Chất lượng thấp, giá cả kém cạnh tranh đang trở thành trở ngại đối với hoạt động xuất khẩu gạo. Nếu không tập trung tốt cho hoạt động sản xuất nguy cơ gạo Việt không đạt chỉ tiêu xuất khẩu gạo cũng như khó vươn xa vào thị trường các nước.
Xây dựng thương hiệu cho gạo là vấn đề cấp bách.
Ngày 19/7, tại Hội nghị về giải pháp xuất khẩu cho 6 tháng cuối năm 2016 do Bộ Công thương tổ chức tại TP HCM, ông Huỳnh Minh Huệ - Tổng Thư ký Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, thông thường tổng mức xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm phải đạt 3,2 – 3,5 triệu tấn.
Tuy nhiên, xuất khẩu gạo trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt kết quả khiêm tốn, sản lượng xuất khẩu gạo chỉ 2,7 triệu tấn, giảm 2% so với cùng kỳ. Đây là mức thấp nhất trong nhiều năm.
Nguyên nhân chủ yếu vì giá cao nên khó cạnh tranh. Đặc biệt, tại một số thị trường truyền thống sức mua giảm đáng kể. Riêng quý I, sản lượng xuất khẩu gạo đạt 1,4 triệu tấn là do hợp đồng từ cuối năm 2015 để lại.
Theo VFA, tình hình sắp tới sẽ như thế nào VFA cũng chưa đánh giá được một cách cụ thể. Song nhìn từ thực tế cho thấy, bức tranh xuất khẩu gạo khá ảm đạm, nhu cầu thị trường chưa rõ nét. Đặc biệt, ở thị trường truyền thống sản lượng gạo xuất khẩu giảm đáng kể. Đơn cử, Indonesia luôn bất nhất trong nội bộ nên thay đổi liên tục kế hoạch nhập khẩu gạo, rồi không nhập.
Tương tự, Philippines cũng do một số yếu tố nội tại mà trì hoãn hoạt động nhập khẩu gạo. Trung Quốc thì chỉ mua gạo với giá thấp và sẵn sàng chuyển nguồn mua nếu họ tìm thấy nguồn cung có giá rẻ hơn.
“Thị trường châu Á chiếm 70 – 75% sản lượng xuất khẩu. Trường hợp các thị trường truyền thống tiếp tục “làm giá” chắc chắn hoạt động xuất khẩu gạo sẽ ảnh hưởng lớn trong thời gian tới”, Tổng Thư ký VFA khẳng định.
Nhiều ý kiến cho rằng, có thể gạo Việt chưa kiểm soát, củng cố được thị trường truyền thống. Trong khi đó, muốn xâm nhập vào thị trường mới đòi hỏi doanh nghiệp phải tận dụng cơ hội nhằm nâng cao chất lượng, giá trị cho sản phẩm.
Lý do thị trường cao cấp đòi hỏi chất lượng và an toan vệ sinh thực phẩm. Thực tế chứng minh, từ trước đến nay gạo Việt Nam chủ yếu “lấy lòng” nhà nhập khẩu các nước chủ yếu bằng giá thấp.
Tuy nhiên, thời gian tới ưu điểm này không còn là lợi thế, bởi tồn kho gạo của Thái Lan rất lớn. Song song đó, lợi thế về địa lý đang tạo điều kiện cho gạo Ấn Độ và Pakistan phát triển mạnh.
Về giá trị, gạo cao cấp “made in Vietnam” xuất khẩu được một lượng ít, riêng gạo thơm chỉ khoảng 23%. VFA cho rằng, gạo Việt đang bị “đụng tường”. “Đụng tường” vì không đáp ứng được yêu cầu chất lượng của thị trường nhập khẩu. Trường hợp thị trường truyền thống cũng yêu cầu sản phẩm chất lượng và cao cấp thì Việt Nam không biết xuất khẩu gạo cho ai.
Trước tình hình xuất khẩu gạo sụt giảm ông Nguyễn Minh Toại - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Cần Thơ nêu quan điểm: Xây dựng thương hiệu cho gạo là cấp bách, cần đi sâu vào hoạt động sản xuất để sản phẩm đạt chất lượng cao từ đó tìm kiếm thị trường tốt hơn”. Bàn về giải pháp cho hoạt động xuất khẩu gạo ông Huỳnh Minh Huệ cho rằng, nên xem xét lại khâu sản xuất. Bởi vì nếu sản xuất không có chất lượng thì thị trường cũng loại gạo Việt ra khỏi cuộc chơi.
Sản phẩm không đảm bảo chất lượng, không an toàn, nguồn hàng thiếu ổn định khó có thể phát triển thị trường.
“Sắp tới Bộ NN&PTNT cùng với Bộ Công thương sẽ làm việc với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tìm giải pháp cho xuất khẩu gạo. Đặc biệt, làm sao đó để kết nối doanh nghiệp với nông dân”- Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.