Hết tháng 11/2022, khối lượng gạo xuất khẩu ước đạt 600.000 tấn với giá trị 296 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo trong 11 tháng của năm 2022 đạt lần lượt 6,69 triệu tấn và 3,24 tỉ USD (tăng 6,9% so với cùng kỳ 2021).
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tháng 11, giá gạo Việt Nam xuất khẩu tăng trung bình khoảng 30 USD/tấn so với thời điểm Ấn Độ ban hành chính sách hạn chế xuất khẩu gạo. Còn theo Bộ NN&PTNT, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm nay có thể đạt hơn 7 triệu tấn, thu về 3,5 tỷ USD - vượt kế hoạch đề ra.
Đáng chú ý, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang cao nhất thế giới và lượng gạo xuất khẩu sang các thị trường có giá trị cao tăng đáng kể. Điều này cho thấy, gạo Việt Nam đã xây dựng được vị thế vững chắc trên thị trường gạo quốc tế. “Các doanh nghiệp xuất khẩu đã có kinh nghiệm nắm bắt, tiếp cận, mở rộng thị trường. Nên con số xuất khẩu 7 triệu tấn gạo, mang về gần 4 tỉ USD khả năng đạt được và gạo Việt bước lên nấc thang mới sau 15 năm, từ năm 2009" - theo VFA.
Ngoài ra, thay vì chạy theo số lượng, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đã tập trung nâng cao chất lượng, từ đó kéo theo sự gia tăng về số lượng gạo xuất khẩu. Theo Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản, giá xuất khẩu gạo Việt Nam đã vượt qua Thái Lan và đang cao nhất thế giới. Đơn cử, giá chào bán gạo 5% tấm đang ở mức 438 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 418 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn. Với mức này, giá gạo Việt Nam nhỉnh hơn gạo Thái Lan cùng loại khoảng 20 USD/tấn...
Một số doanh nghiệp xuất khẩu cũng cho biết, trong rất nhiều năm qua, chưa năm nào giá gạo thơm ST24, ST25 xuất khẩu sang thị trường Trung Đông, châu Âu có giá trên 1.000 USD/tấn. Cùng với đó, hiện cũng có 22 doanh nghiệp Việt đang được cấp phép xuất gạo tẻ, gạo thơm, gạo nếp vào Trung Quốc.
Đây vừa là tin vui cũng là động lực cho các doanh nghiệp đồng thời cho thấy những tín hiệu khả quan trong năm 2023. Theo ông Nguyễn Duy Thuận - Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc trời, năm 2023, Lộc Trời cố gắng sẽ xúc tiến các hoạt động xuất khẩu, hướng gạo Việt lên kệ ở siêu thị các nước lớn như Đức, Thuỵ Sĩ… Còn theo ông Huỳnh Thanh Tùng - Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex), đến tháng 10/2022, công ty đã xuất khẩu trên 200.000 tấn gạo các loại, vượt kế hoạch đề ra trong cả năm 2022.
Dự tính, trong tháng 12, Việt Nam sẽ xuất khẩu 600.000 tấn gạo hoặc hơn. Như vậy, cả năm 2022, Việt Nam sẽ xuất khẩu 7,2-7,3 triệu tấn gạo, trị giá 3,3-3,5 tỷ USD. Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu Cục Trồng trọt tăng cường khảo sát và xây dựng các vùng trồng bảo đảm chất lượng. Đồng thời, các địa phương khi xây dựng vùng trồng lúa phải hình thành hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin như mã vùng, liên kết, thẩm định... nhằm bảo đảm các tiêu chuẩn về xuất khẩu.
Đây là những tín hiệu tốt để năm 2023 ngành xuất khẩu gạo Việt Nam tiếp tục thiết lập những kỷ lục mới.
11 tháng qua, Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 44,9% trong tổng lượng và chiếm 42,9% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, tăng 30% về lượng và 18% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.