Dù rất khó khăn bởi dịch Covid-19, nhưng với kết quả khả quan sau 9 tháng năm 2020, ngành lâm nghiệp Việt Nam vẫn nỗ lực với mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2020 đạt 12,5 tỷ USD như mục tiêu đặt ra.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản riêng tháng 9/2020 ước đạt 1,13 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2019. Về nhập khẩu, giá trị nhập khẩu gỗ và lâm sản tháng 9/2020 ước đạt 207 triệu USD, tăng 5% so với tháng 9/2019, lũy kế 9 tháng đầu năm 2020 ước đạt 1,76 tỷ USD, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Các thị trường xuất khẩu gỗ và lâm sản chính gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc, hiện chiếm gần 89,4% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản. Trong khi đó, các thị trường nhập khẩu gỗ và lâm sản chính là Trung Quốc, Hoa Kỳ, Cameroon, Thái Lan, Chile, chiếm khoảng 54% tổng giá trị gỗ và lâm sản nhập khẩu.
Đánh giá cao sự vượt khó của các doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm 2020 để ngành gỗ có được sự bứt phá ngoạn mục, Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn cho rằng: Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 nhưng ngành gỗ Việt Nam đã tăng trưởng 12% so cùng kỳ là thành tựu ngoài mong đợi.
“Từ nay đến cuối năm ngành công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam có thể đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 4 tỷ USD nữa. Như vậy, trong năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam cán đích khoảng 12,5 tỷ USD là rất khả thi”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn tin tưởng.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhấn mạnh: Giai đoạn dịch bệnh là thời điểm chúng ta chứng kiến những nỗ lực không mệt mỏi của doanh nghiệp.
Cũng theo phân tích của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, thời gian khó khăn do dịch Covid-19 vừa qua, có thể xác định rõ ràng sản phẩm chiến lược và thị trường chiến lược để làm bệ đỡ cho sự phát triển bứt phá của ngành gỗ. Nếu như trước đây mặt hàng đồ gỗ xuất khẩu chủ yếu là bàn ghế ngoài trời, đến thời điểm này, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành gỗ ở Việt Nam đã xác định sản phẩm chiến lược là tủ bếp, tủ nhà tắm và ván trang trí. Minh chứng là qua 9 tháng đầu năm 2020, riêng 2 mặt hàng tủ bếp và tủ nhà tắm đã đạt giá trị xuất khẩu gần 1 tỷ USD, tăng trên 80% so với cùng kỳ năm 2019.
Chuỗi cung ứng của mặt hàng này không bị đứt gãy ở đỉnh điểm của đại dịch. Theo tổ chức Thương mại quốc tế ITC, quy mô giá trị thương mại của mặt hàng này đạt khoảng 7 tỷ USD. Đặc biệt, Mỹ là thị trường khổng lồ của Việt Nam, xuất khẩu sang Mỹ chiếm 90%, đây chính là thị trường chiến lược.
Một cơ hội khác của ngành gỗ Việt Nam trong thời gian tới là dư địa rộng lớn của thị trường EU. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản sang thị trường này đang còn rất thấp, khi năm 2019, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường EU chỉ có 864 triệu USD, chiếm khoảng 5,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của nước ta sang các thị trường thế giới, trong khi nhu cầu các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của EU hàng năm lên đến 85 tỷ USD.
Do đó, cơ hội cho ngành gỗ mở rộng thị phần và bứt phá xuất khẩu vào thị trường EU rất lớn, bởi hiện nay, mức thuế suất cơ bản EU đang áp lên gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam từ 2 - 10% (gỗ), 2,7 - 5,6% (sản phẩm gỗ). Từ khi EVFTA có hiệu lực, EU xóa bỏ 83% số dòng thuế đối với gỗ và sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam, khoảng 17% số dòng thuế đối với gỗ còn lại cũng sẽ xóa bỏ theo lộ trình từ 3 - 7 năm.
Vấn đề đặt ra với các doanh nghiệp ngành gỗ là cần thực thi tốt các quy định nhằm đảm bảo truy xuất được nguồn gốc và xác minh được gỗ khai thác hợp pháp theo yêu cầu của EU, chống gian lận thương mại và các hành vi lợi dụng xuất xứ hàng hóa để trục lợi... Chất lượng sản phẩm, mẫu mã, tính an toàn, quy trình sản xuất, khả năng cung cấp nguồn hàng ổn định cho đối tác…là những yếu tố then chốt tạo nên sức cạnh tranh của sản phẩm gỗ Việt Nam.