Năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu xuất khẩu 14,2 tỷ USD gỗ và sản phẩm gỗ, tăng 6% so với năm 2023. Đến thời điểm này, đã hoàn thành gần hơn 90% kế hoạch đề ra cho năm 2024... Song để đạt được mục tiêu nói trên, doanh nghiệp ngành gỗ cũng đối diện không ít thách thức.
Hứa hẹn sẽ lập kỷ lục mới
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tháng 10/2024 ước đạt 1,5 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ 10 tháng năm 2024 đạt 13,18 tỷ USD, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong 10 tháng, Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần 55,6%. Trung Quốc và Nhật Bản là hai thị trường lớn tiếp theo với thị phần tương ứng là 13,2% và 10,8%. So với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Hoa Kỳ tăng 25,9%, thị trường Trung Quốc tăng 25,4%, thị trường Nhật Bản tăng 0,1%.
Trong 15 thị trường xuất khẩu chính, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng mạnh nhất tại Tây Ban Nha với mức tăng 63,3%. Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu giảm mạnh nhất là Đài Loan với mức giảm 1,9%.
Theo đánh giá của Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest), giai đoạn 2010-2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ luôn có tốc độ tăng trưởng cao, mỗi năm tăng 25 - 45%. Đến năm 2023, xuất khẩu ngành hàng này bị suy giảm, nhưng sang năm 2024, ngành gỗ đã đón những tín hiệu tích cực và đang trở lại quỹ đạo tăng trưởng mạnh.
Vifores dự báo, với đà tăng trưởng này, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của cả năm hoàn toàn khả quan bởi thông thường, quý cuối năm là cao điểm mua sắm của người tiêu dùng trên thế giới. “Nếu không có những bất trắc, cả năm 2024, kim ngạch xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ và các loại lâm sản ngoài gỗ có thể đạt trên 16 tỷ USD” – Viforest dự kiến.
Ông Trần Ngọc Liêm - Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh TP.HCM (VCCI-HCM) đánh giá, các sản phẩm gỗ của Việt Nam đã vươn tới 170 thị trường thế giới, trong đó 5 thị trường lớn là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và châu Âu (EU) chiếm tới hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ. “Nhờ đẩy mạnh tăng trưởng về xuất khẩu, đồ gỗ Việt Nam đang tiếp tục chiếm thị phần lớn tại nhiều thị trường” – ông Liêm nói.
Chủ động nguồn nguyên liệu
Dự báo xuất khẩu gỗ cuối năm và những tháng đầu năm 2025 ông Trần Ngọc Liêm cho biết, cuối năm 2024, đơn hàng về đồ gỗ đang tăng trưởng tốt so với đầu năm, năm 2025 dự báo nhiều tín hiệu tốt được mở ra. Do đó, các doanh nghiệp cần tăng xúc tiến, có thể tính toán đầu tư máy móc, công nghệ sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Mặc dù có những tín hiệu tích cực song giới chuyên gia lưu ý, tình hình thế giới tiếp tục có những biến động phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đáng chú ý, giá cước vận tải tăng cao, cộng với việc nhiều DN Việt phải nhập nguyên liệu gỗ từ các quốc gia khác, với giá thành cao; có những loại gỗ giá nhập vào hiện tại đã tăng 40% so với năm trước cũng ảnh hưởng lớn đến giá thành sản phẩm đầu ra của ngành gỗ, từ đó tác động đến giá cước vận tải biển làm tăng giá thành sản phẩm đầu ra.
Bên cạnh vấn đề thị trường, chi phí vận tải, theo các DN khó khăn lớn nhất với ngành gỗ lúc này là nguồn nguyên liệu. Đề cập về vấn đề này, ông Trần Quang Bảo - Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho biết, sau khi thống kê thiệt hại, Bộ NNPTNT và các địa phương đang phối hợp để có các giải pháp hỗ trợ người dân phục hồi diện tích rừng trồng bị ảnh hưởng.
Theo đó, đối với diện tích rừng bị thiệt hại nặng, cây rừng bị đổ gãy hoàn toàn hoặc số cây còn lại không đảm bảo tiêu chí thành rừng (tỷ lệ đổ, gãy trên 70%) lập hồ sơ để thanh lý rừng theo quy định; thực hiện khai thác, tận thu toàn bộ số cây. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp trước mắt về lâu dài các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ trồng rừng nguyên liệu mới. Nhất là trong bối cảnh hiện nay diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp do phải nhường đất cho cây trồng khác.
Nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý cần tiếp tục hoàn thiện và triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách đã ban hành, thu hút các thành phần kinh tế tham gia vào việc phát triển rừng trồng, chế biến gỗ và lâm sản để từ đó chúng ta có thể chủ động được nguồn nguyên liệu.