Kinh tế

Xuất khẩu lao động bứt phá

Lê Minh Long 06/01/2024 08:26

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, từ năm 2010 đến nay, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn là hơn 1,4 triệu người, mỗi năm gửi về khoảng 3,5 - 4 tỷ USD kiều hối. Tại những địa phương có nhiều người lao động đi làm việc ở nước ngoài, người lao động không chỉ thoát nghèo mà còn góp phần tạo nên diện mạo mới cho quê hương với nhà cửa khang trang, hiện đại. Từ đó góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

cover.jpg
Nhiều cơ hội cho xuất khẩu lao động trong năm 2024. Ảnh: Quang Vinh.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết, trong năm 2023, Nhật Bản là thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam nhiều nhất. Nhật Bản cũng vừa thông báo sẽ tổ chức kỳ thi kỹ năng đặc định cho lao động Việt Nam vào đầu năm 2024. Chương trình này sẽ giúp người lao động có cơ hội sang Nhật Bản làm việc với chi phí thấp, nhận mức lương cao như người bản địa.

anh-bai-tren.jpg
Lao động Việt Nam nhập cảnh tại sân bay Incheon (Hàn Quốc). Ảnh: TTXVN.

“Rộng cửa” vào Nhật Bản, Hàn Quốc

“Năm 2023 đánh dấu mốc mới khi số lượng lao động Việt Nam sang Nhật Bản lớn nhất từ trước đến nay. Điều này khẳng định lao động Việt Nam luôn nhận được sự đánh giá cao, sự tin tưởng của các nghiệp đoàn, các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản, cũng cho thấy lao động Việt rất yên tâm khi đến mảnh đất này” - Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung khẳng định.

Theo ông Dung, đến nay có 350.000 người lao động Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản. Việt Nam cũng là quốc gia đứng đầu trong số 15 nước phái cử thực tập sinh, lao động sang Nhật Bản. Hiện có 220.000 thực tập sinh kỹ năng, gồm chương trình phi lợi nhuận do tổ chức IM Japan tổ chức, tiếp nhận trên 9.000 người. Năm 2023 có 700 con em đồng bào dân tộc thiểu số được chương trình tổ chức đi lao động ở Nhật Bản bằng hình thức miễn phí 100%.

Không chỉ triển khai chương trình hợp tác chung giữa hai quốc gia, hợp tác giữa Bộ LĐTBXH với Nhật Bản còn mở rộng xuống địa phương. Để bảo vệ quyền lợi của lao động Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, năm 2023 Bộ LĐTBXH đã ký thỏa thuận hợp tác với nhiều tỉnh của nước bạn như Chiba, Saitama, Gunma, Kanagawa, Nagano…

Tại một thị trường truyền thống cũng rất hấp dẫn với lao động Việt Nam là Hàn Quốc, cơ hội cũng ngày càng rộng mở với các Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS), visa E7 (tay nghề cao), visa E10 (thuyền viên tàu đánh cá) hay lao động thời vụ và đều tăng hạn ngạch tiếp nhận.

Với thị trường Hàn Quốc, ông Nguyễn Gia Liêm - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho biết, Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đang cùng Bộ LĐTBXH Việt Nam nghiên cứu tăng số lượng lĩnh vực sản xuất chế tạo. "Trước đây họ cần lao động phổ thông, nay họ cần lĩnh vực công nghiệp gốc như đóng tàu, hàng không, công nghệ cao... Phía Hàn Quốc còn có thể mở ra chương trình hợp tác khác như điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe" - ông Liêm cho hay.

Còn theo bà Kim Yoon Hye - Tham tán lao động Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, số lao động các nước cho chương trình EPS năm 2024 dự kiến lớn hơn so với 120.000 của năm 2023 (riêng Việt Nam sẽ có trên 12.000 chỉ tiêu). Việt Nam và Hàn Quốc là hai quốc gia có văn hóa tương đồng trong khi đó lao động Việt cần cù và có tay nghề cao nên nhu cầu của DN Hàn rất lớn, tập trung các lĩnh vực sản xuất, xây dựng, nông nghiệp, thủy sản, đóng tàu.

Bà Kim Yoon Hye khẳng định lao động Việt có nhiều cách đến Hàn Quốc làm việc qua chương trình EPS, thời vụ, visa E7 song phải tìm hiểu kỹ điều kiện, quy định của các chương trình, yêu cầu ngoại ngữ… Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc đang mở rộng các ưu đãi, cho phép chuyển đổi sang thị thực lưu trú dài hạn, cung cấp cơ hội đào tạo nghề cho người lao động nước ngoài đã làm việc lâu dài tại một nơi làm việc, không vi phạm pháp luật... Đây là những lưu ý đối với lao động khi sang Hàn Quốc làm việc.

Chủ động khai thác thị trường thu nhập cao

Có thể thấy, bước sang năm 2024 thị trường xuất khẩu lao động rất rộng mở, tuy nhiên để nắm bắt cơ hội, hướng đến thị trường thu nhập cao đòi hỏi cần có một giải pháp tổng thể. Hiện nay ngoài các thị trường truyền thống tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Bộ LĐTBXH đang tập trung hướng đi mới, triển khai phát triển thị trường lao động tại một số nước khu vực châu Âu, trong đó có Hungary và mở thêm các thị trường như: Ba Lan, Slovakia, Croatia...

Một thị trường khác trong khu vực châu Âu cũng đang bắt đầu tuyển dụng lao động Việt Nam sang làm việc là Hy Lạp. Bộ LĐTBXH đã có buổi làm việc với Liên minh Hợp tác xã nông nghiệp quốc gia Hy Lạp về việc thiết lập hợp tác đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Hy Lạp trong lĩnh vực nông nghiệp. Đến nay, Bộ LĐTBXH cũng đã chấp thuận cho 7 DN tạo nguồn lao động để cung ứng đi làm việc tại Hy Lạp. Song đây là con số khá khiêm tốn so số lao động đi làm việc ở nước ngoài hằng năm.

Nhận định về cơ hội cho lao động Việt tại thị trường châu Âu, đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, Đức và nhiều quốc gia ở châu Âu không tiếp nhận lao động phổ thông từ nước ngoài nhưng sẵn sàng trả lương, miễn phí đào tạo để có được lao động tay nghề theo tiêu chuẩn đào tạo của họ. Tại Đức, những ngành nghề đang thiếu hụt lao động lành nghề gồm: Điều dưỡng, xây dựng, nhà hàng - khách sạn, cơ khí, điện tử, chế biến thực phẩm... Tùy ngành nghề mà người lao động được đào tạo từ 2 đến 3 năm theo hệ thống đào tạo nghề kép, 30% học lý thuyết tại cơ sở đào tạo; 70% học thực hành tại DN... để khi tốt nghiệp, họ có thể làm việc ở DN mình được đào tạo.

Bên cạnh chính sách về nâng chất lượng nguồn nhân lực, theo các chuyên gia, cần có chính sách cũng như cơ chế thu hút lao động sau khi về nước bởi đây là nguồn nhân lực có kỹ năng được đào tạo bài bản sau một thời gian dài đi làm việc tại nước ngoài.

Tại Nghị quyết số 225/NQ-CP về Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 12/12/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới vừa được Chính phủ ban hành cũng chỉ rõ, cần nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ DN xúc tiến, mở rộng thị trường mới tiếp nhận lao động Việt Nam, trong đó ưu tiên các thị trường có điều kiện làm việc tốt, an toàn và có mức thu nhập cao. Đặc biệt, có chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động, trong đó ưu tiên nhóm lao động là quân nhân xuất ngũ, người dân tộc thiểu số, hộ nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn...

Bình quân mỗi năm, khoảng 120.000 đến 143.000 lao động ra nước ngoài làm việc; lượng kiều hối từ lực lượng lao động này gửi về đạt 3,5-4 tỷ USD, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xuất khẩu lao động bứt phá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO