Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, nông nghiệp là ngành duy nhất có tăng trưởng dương trong quý 3/2021 và duy trì xuất siêu ở mức 3,3 tỷ USD. Việc thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu nông, lâm sản, thủy sản trong những tháng còn lại kỳ vọng sẽ giúp ngành nông nghiệp đạt mục tiêu 44 tỷ USD trong năm 2021.
Nhiều triển vọng
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho biết, tháng 9/2021, xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt gần 3,5 tỷ USD, giảm 7,6% so với cùng kỳ nhưng tăng 4,8% so với tháng 8/2021. Tuy nhiên tính chung 9 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu đạt 35,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NNPTNT) cho biết, 3 tháng cuối năm 2020, xuất khẩu đạt 12 tỷ USD. Nếu tính năm nay xuất khẩu giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái thì 3 tháng cuối năm nay, tổng trị giá xuất khẩu nông, lâm, thủy sản thu về cũng đạt khoảng 10 tỷ USD. Như vậy, kim ngạch xuất khẩu nông sản năm nay sẽ đạt 44 tỷ USD.
Còn theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), dự báo trong năm 2021 kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng khoảng 5,6%. Từ đó thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình nối lại các chuỗi cung ứng toàn cầu khi các nền kinh tế lớn cũng là đối tác chiến lược của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do đang phục hồi nhanh chóng. Đây chính là cơ hội cho hoạt động xuất khẩu của các ngành kinh tế Việt Nam, trong đó xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cuối năm 2021 được dự báo sẽ có nhiều thuận lợi và tiếp tục tăng trưởng mạnh.
Ông Lộc cũng cho rằng, dự kiến cả năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sẽ đạt 44 tỷ USD, đồng nghĩa với việc quý IV/2021 con số kim ngạch phải đạt là khoảng 8,5 tỷ USD. Theo ông Lộc để đạt được kết quả trên cần sự trợ lực từ Chính phủ cũng như sự chủ động tăng tốc từ các doanh nghiệp.
Khơi thông thị trường xuất khẩu
Dù đưa ra nhận định, thị trường xuất khẩu rau quả có nhiều tín hiệu quả khả quan nhưng theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam để phục hồi sản xuất, tận dụng cơ hội, cần tạo điều kiện thuận lợi lưu thông cho các phương tiện, cán bộ nhân viên, lao động trong chuỗi sản xuất.
Về dài hạn, các doanh nghiệp cần tổ chức sản xuất nguyên liệu theo quy hoạch, điều tiết quy mô, tốc độ tăng trưởng phù hợp; đồng thời sản xuất theo nhu cầu thị trường và đảm bảo sản phẩm sản xuất ra phải phù hợp với quy định của từng thị trường. Chất lượng sản phẩm phải đáp ứng được các yêu cầu của người tiêu dùng.
Ông Bình cũng khuyến cáo các doanh nghiệp cần giữ vững các thị trường xuất khẩu trọng điểm, song song mở rộng thị phần tại châu Âu, Nam Mỹ, châu Phi để giảm bớt lệ thuộc quá lớn vào một thị trường.
Để đạt mục tiêu xuất khẩu thu về 44 tỷ USD cũng như kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phục hồi sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản, Bộ NNPTNT đã ban hành kế hoạch thực hiện. Trong đó, mục tiêu của ngành là tập trung khôi phục, phát triển các hoạt động sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản những tháng cuối năm 2021 và năm 2022, gắn với đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới; hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh nông sản. Trong đó phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để nắm bắt thông tin thị trường, thông tin kịp thời đến địa phương, doanh nghiệp các cảnh báo, quy định mới của thị trường xuất khẩu.
Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết, đợt dịch vừa qua, chúng ta đã rút ra bài học rất lớn về khai thác thị trường nội địa khi một số mặt hàng nông sản bị ùn ứ do đại dịch Covid-19 gây ra. Dịch bệnh đã gây ra nhiều thách thức cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản trong nước và xuất khẩu, nhưng đây cũng là cơ hội để người nông dân nhận thấy tầm quan trọng của việc liên kết, hợp tác trong quá trình sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, nhất là khai thác thị trường trong nước.