Bên cạnh những yếu tố thuận lợi trong xuất khẩu, thời gian qua, ngành hàng sầu riêng cũng đang phải đối mặt với những không ít thách thức do tăng trưởng nóng.
Đóng góp lớn cho tăng trưởng xuất khẩu
Nhận định nói trên được các chuyên gia, nhà quản lý đưa ra tại Diễn đàn “Nhận diện thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng 2023 và giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng sầu riêng Việt Nam” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tổ chức sáng 11/9 tại Đắk Lắk.
Số liệu thống kê cho biết, hiện cả nước có hơn 112.000ha sầu riêng, tổng sản lượng khoảng 900.000 tấn.
Con số báo cáo của ngành nông nghiệp tại Diễn đàn cho biết, trong 5 năm gần đây, diện tích sầu riêng đã tăng nhanh chóng, bình quân mỗi năm tăng gần 25%. Riêng tại tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 23.000ha sầu riêng; trong đó có khoảng 50% diện tích đã cho thu hoạch, sản lượng năm 2023 ước tính khoảng 200.000 tấn.
Nhận định về bức tranh xuất khẩu ngành hàng sầu riêng thời gian qua, Bộ NNPTNT nhấn mạnh, khi Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật xuất khẩu chính ngạch sầu riêng vào Trung Quốc được ký kết đã tạo cơ hội và động lực mạnh mẽ phát triển ngành hàng sầu riêng, làm gia tăng đáng kể thu nhập, lợi nhuận cho người nông dân, doanh nghiệp trong chuỗi ngành hàng. Dự kiến, năm 2023 kim ngạch xuất khẩu sầu riêng cả nước đạt trên 1,6 tỷ USD, chiếm khoảng 30% kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam.
Quả thực, nhìn lại 1 năm sau ngày lô hàng sầu riêng đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, sản phẩm sầu riêng đã mang lại những tín hiệu đáng mừng cho bức tranh xuất khẩu khi 7 tháng năm 2023, trái sầu riêng mang về cho đất nước hơn 1 tỷ USD.
Đối diện không ít thách thức
Tuy nhiên, vẫn cần phải thừa nhận, bên cạnh những tín hiệu tích cực, ngành hàng sầu riêng đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức mà trước đó Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đã cảnh báo. Đó là khi giá cả lên, một bộ phận người nông dân sẽ tăng sản lượng bằng mọi cách, lạm dụng các chất kích thích tăng trưởng, tự phát mở rộng vùng trồng...
Thực tế, thời gian qua, cùng với việc tăng giá quá nóng, mất kiểm soát là hiện tượng tranh mua, tranh bán, loạn giá, bẻ cọc sầu riêng, gây ra nguy cơ và hệ lụy rất lớn, ảnh hưởng đến chất lượng, uy tín và thương hiệu sầu riêng Việt Nam trên thị trường xuất khẩu.
Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Hoài Dương - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk cho rằng, điều quan trọng nhất là phải sớm nhận diện đầy đủ những tiềm năng, cơ hội, đan xen với những khó khăn, thách thức, kịp thời khắc phục những mặt trái, hạn chế dựa trên tầm nhìn chiến lược và đề ra những giải pháp đồng bộ phát triển ngành hàng sầu riêng hiệu quả, bền vững. “Trái sầu riêng muốn đi xa, tạo thị trường bền vững, thì mọi chủ thể trong chuỗi giá trị cần phải chung sức, chung lòng, hợp tác gắn bó để cùng đi lên. Nông dân, doanh nghiệp, địa phương có vùng trồng và cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học cần "đi cùng nhau" trong tổng thể không gian liên kết phát triển ngành hàng” – ông Dương nhấn mạnh.
Chia sẻ quan điểm, ông Y Djoang Niê - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk cho biết, tại địa phương, cây sầu riêng hiện đóng vai trò quan trọng trong phát triển sản xuất nông nghiệp của huyện, mang lại lợi nhuận và thu nhập cao cho người dân cũng như các cơ sở, đại lý thu mua sơ chế, đóng gói, tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng trên địa bàn. Diện tích trồng sầu riêng trên địa bàn huyện Krông Pắc hiện có 7.157ha, trong đó diện tích cho thu hoạch khoảng 3.000 - 3.200ha. Tổng sản lượng ước tính 57.000 - 60.000 tấn.
Cũng theo ông Y Djoang Niê, với sầu riêng, bên cạnh lợi thế là những hệ lụy của việc tranh chấp mua bán, gian lận thương mại, không tuân thủ thỏa thuận hợp đồng, ép giá và chất lượng sản phẩm không đạt yêu cầu… Điều này có thể dẫn đến tình trạng mất uy tín, thương hiệu, sản phẩm sầu riêng Krông Pắc đối với thị trường và người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn thể hiện qua “hợp tác - liên kết - thị trường”. Muốn ngành hàng sầu riêng nói riêng, các ngành hàng khác nói chung phát triển, cần phải tổ chức lại cấu trúc ngành hàng bền vững; trong đó, phải có sự hiện diện của cả sản xuất (nông dân) và tiêu thụ (doanh nghiệp). Doanh nghiệp phải đến với nông dân, đến tận vùng trồng ngay từ khi xuống giống để hướng dẫn, tạo niềm tin.
Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hiện đang hoàn tất thủ tục để mở cửa xuất khẩu sầu riêng sang Ấn Độ. Theo Cục Bảo vệ thực vật, sầu riêng tươi Việt Nam hiện xuất khẩu sang 24 thị trường. Sầu riêng đông lạnh cũng đang xuất khẩu sang 23 thị trường. Trong 8 tháng năm 2023 Việt Nam đã xuất khẩu sầu riêng tươi đạt trên 300.000 tấn. Sầu riêng được dự báo sẽ tiếp tục lập kỷ lục xuất khẩu khi ngày càng có sự đầu tư các vùng trồng theo tiêu chuẩn cao để xuất khẩu sang Trung Quốc và nhiều thị trường “khó tính” khác.