Nhìn vào những đánh giá của Bộ Công thương về kết quả xuất nhập khẩu theo mục tiêu của Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030 (Chiến lược), không khó để nhận thấy, những con số ấn tượng, bất chấp những tác động của kinh tế thế giới.
Cơ bản các mục tiêu đều đạt
Theo đó, tính đến thời điểm kết thúc năm 2019, về cơ bản các mục tiêu đề ra trong Chiến lược đều đạt được. Cụ thể, tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn 2015-2019 đạt trung bình 12%/năm, cao hơn mục tiêu 10% do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII đề ra.
Năm 2020, trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19, xuất khẩu của các nước trong khu vực đều giảm so với năm trước, song riêng xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt được mức tăng trưởng dương. Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2020 đạt 4 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, một con số mà Trung tâm Thương mại quốc tế đưa ra cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của 44 quốc gia có số liệu thống kê đến hết tháng 7/2020 đều bị sụt giảm tới 12,4%.
Bên cạnh đó, tốc độ tăng bình quân kim ngạch nhập khẩu thấp hơn so với tốc độ tăng bình quân kim ngạch xuất khẩu.
Nhận định về những điểm sáng trong kim ngạch xuất nhập khẩu thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, những con số tăng trưởng cho thấy xuất khẩu đã phục hồi tích cực trong quý 3/2020. Sự phục hồi này tập trung ở nhóm các mặt hàng công nghiệp chế biến, với kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này 9 tháng đã tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm tỷ trọng 84,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Một điểm đáng chú ý, theo Bộ Công thương, kể từ năm 2019, xuất khẩu của khu vực DN trong nước đã tăng mạnh, trong khi đó, phía khu vực FDI lại tăng chậm hoặc giảm, nên tỷ trọng giá trị xuất khẩu khu vực FDI đã giảm dần. Trong 9 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của DN có vốn đầu tư nước ngoài đạt 131,1 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 65% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Đâu là động lực tăng trưởng?
Kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước năm 2019 đạt 82,96 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2018, cao hơn nhiều so với mức tăng 4,2% của khu vực FDI. 9 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu của khu vực này tăng 19,5%, trong khi đó xuất khẩu của khu vực FDI giảm 2,8%.
Xuất khẩu của khu vực DN trong nước tăng trưởng tích cực trong bối cảnh xuất khẩu nông sản, thủy sản gặp khó khăn cho thấy động lực tăng trưởng của khối trong nước không chủ yếu phụ thuộc tăng trưởng xuất khẩu nhóm nông sản, thủy sản như các năm trước mà từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp – lãnh đạo Bộ Công thương nhấn mạnh. Đó là những dấu hiệu cho thấy xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhờ nội lực, khu vực DN trong nước đang ngày càng hồi phục và có sự bứt phá ấn tượng bất chấp khó khăn do dịch bệnh gây ra.
Tuy nhiên, vẫn không thể phủ nhận vai trò của khu vực DN FDI trong việc kết nối, lan tỏa giữa hai khu vực. “Cần phải khẳng định, chủ trương khuyến khích đầu tư nước ngoài hướng về xuất khẩu đã tạo thuận lợi cho Việt Nam tiếp cận nhiều hơn với thị trường quốc tế, nâng cao rõ rệt năng lực xuất khẩu, đặc biệt là trong công nghiệp” – theo đại diện Bộ Công thương.
Chính bởi vậy, để nâng cao sức mạnh kinh tế nội lực, Bộ Công thương cho biết, sẽ tập trung vào một số hướng giải pháp: Hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện cho các DN FDI sở hữu các dây chuyền, sản phẩm công nghệ cao, có giá trị cao đến đầu tư ở Việt Nam. Bên cạnh đó, chú trọng phát huy tác động lan tỏa của các DN FDI đối với sản xuất trong nước.
“Bộ cũng đã trao đổi, khuyến khích doanh nghiệp FDI lớn liên doanh, liên kết, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng tỷ lệ nội địa hóa thông qua các nhà cung cấp trong nước; chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản trị hiện đại cho DN trong nước thông qua các dự án liên doanh, liên kết trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng” – đại diện Bộ Công thương cho biết.
Xuất nhập khẩu nông sản Việt Nam - Trung Quốc đạt hơn 9,8 tỷ USD
Theo Bộ NNPTNT, từ đầu năm đến hết tháng 9/2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản Việt Nam - Trung Quốc đạt hơn 9,8 tỷ USD giảm 8,6% so với cùng kỳ năm 2019, phần lớn các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Trung Quốc đều giảm, cụ thể là hàng rau quả đạt 1,4 tỷ USD giảm 25,9%. Hiện nay, chỉ có 9 loại trái cây tươi của Việt Nam được phép nhập khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc gồm thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm, măng cụt. Ngoài sầu riêng đang trong quá trình hoàn thành thủ tục, Bộ NNPTNT tiếp tục thúc đẩy tiến trình mở cửa thị trường theo thứ tự ưu tiên: Bưởi, chanh leo, bơ, na, roi, dừa, thảo quả và dứa; đồng thời ký kết Nghị định thư mở cửa thị trường thạch đen, khoai lang.
T.H.