Xuất khẩu thủy sản nỗ lực 'đón sóng'

T.Hằng 06/09/2023 07:39

Năm 2023 là năm khó khăn đối với doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thủy sản. 5 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản chỉ đạt hơn 3,2 tỷ USD, giảm mạnh gần 30% so với cùng kỳ 2022.

Chế biến tôm xuất khẩu.

Đến nay, đà giảm có phần nào kìm lại nhưng nhìn chung DN thủy sản vẫn chưa hết khó khăn. Tính đến cuối tháng 7, xuất khẩu thủy sản đạt gần 5 tỷ USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022. Đến cuối tháng 8, kim ngạch xuất khẩu đạt 5,68 tỷ USD, giảm 25,4%.

Ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cho biết, cái khó của các DN chế biến tôm năm nay bao gồm cả khách quan và chủ quan. Khách quan do lạm phát và suy thoái kinh tế thế giới khiến cho sức cầu giảm mạnh, trong khi đó sức cung lại tăng từ Ấn Độ; Ecuador làm mất cân bằng cung, cầu khiến cho giá tôm giảm. Về nguyên nhân chủ quan, dịch bệnh trong nuôi tôm khá nghiêm trọng khiến cho giá thành nuôi tôm của Việt Nam tăng cao.

Theo Hiệp hội Xuất khẩu và Chế biến thủy sản Việt Nam, để thúc đẩy lượng tiêu thụ tại các thị trường quốc tế, nhiều DN đang nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm, tập trung chế biến sâu, đầu tư vào chuỗi giá trị để duy trì đơn hàng, trong đó, phát triển các loại mặt hàng thủy sản tiện lợi để chế biến sẵn tại nhà; các loại sản phẩm khô, được chế biến sẵn với mức giá rẻ hơn phù hợp với mức thu nhập thấp.

Trong khi đó, bà Lê Hằng - Giám đốc truyền thông VASEP, đã đưa ra 2 kịch bản cho triển vọng xuất khẩu thủy sản những tháng cuối năm 2023. Với kịch bản thuận lợi, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam cả năm 2023 sẽ đạt hơn 9 tỷ USD, giảm 15 - 16% so với năm 2022. Trong đó, dự báo xuất khẩu tôm sẽ thu về lượng ngoại tệ khoảng 3,5 - 3,6 tỷ USD, giảm 16 - 18%; cá tra đạt 1,7 - 1,8 tỷ USD, giảm 28%; xuất khẩu cá ngừ và mực, bạch tuộc lần lượt đạt 870 triệu USD và 650 triệu USD, giảm 14 - 15%; xuất khẩu cá biển ước đạt 1,9 - 2 tỷ USD, giảm nhẹ so với năm 2022.

Các thị trường chính dự báo cũng mang về doanh thu ít hơn so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ, Hàn Quốc sẽ thấp hơn 24 - 25% so với năm 2022. Xuất khẩu sang EU sẽ giảm 18%. Trong khi đó, thị trường Nhật Bản sẽ khả quan hơn nhờ giá trị của hàng giá trị gia tăng và nhờ phân khúc gia công, chế biến cho thị trường này, nhất là các loài cá biển.

Trung Quốc vẫn được kỳ vọng là thị trường lớn nhất cho DN thủy sản hiện nay, sau khi thị trường này mở cửa, hoạt động giao thương đang trở lại bình thường dần dần. Hy vọng nửa cuối năm, kinh tế Trung Quốc ổn định hơn, thu nhập và tiêu dùng của người dân tăng dần, thị trường thích nghi bối cảnh mới… khi đó, xuất khẩu thủy sản có cơ hội phục hồi lại với dự đoán tương đương với kim ngạch của năm 2023 với khoảng 1,8 tỷ USD cho cả Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc).

Còn với kịch bản kém thuận lợi là khi thị trường đã có tín hiệu phục hồi, nhu cầu tăng trở lại, nhưng hàng thủy sản của Việt Nam vẫn khó cạnh tranh về giá và nguồn cung với các nước khác như Ecuador, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xuất khẩu thủy sản nỗ lực 'đón sóng'