Hoạt động xuất nhập khẩu đang có dấu hiệu chững lại trong những ngày đầu tháng 8. Theo các chuyên gia kinh tế, trong thời gian tới, tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu sẽ phụ thuộc nhiều vào tình hình kiểm soát dịch bệnh cũng như việc đẩy nhanh quá trình tiêm chủng vaccine trong nước.
Nhiều doanh nghiệp dừng hoạt động
Theo ông Nguyễn Trường Giang, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tình Bình Dương, lượng tờ khai làm thủ tục xuất nhập khẩu tại cục (cập nhật từ 15/7 đến 15/8) giảm tới 42% so với các tháng trước đó, kim ngạch xuất nhập khẩu giảm trên 32%.
“Hàng năm Hải quan Bình Dương làm thủ tục hải quan cho khoảng 6.000 doanh nghiệp (DN), trong đó có khoảng 2.000 DN làm thủ tục thường xuyên. Tuy nhiên, do dịch bệnh, hoạt động xuất nhập khẩu cũng tạm dừng nhiều, trong đó khoảng 600 DN có hoạt động xuất nhập khẩu thường xuyên”, ông Giang chia sẻ.
Về các khó khăn mà DN trên địa bàn phải đối mặt trong thời điểm này, theo ông Giang, thứ nhất nhiều DN không đáp ứng được yêu cầu “3 tại chỗ” hay “hai điểm đến một cung đường”, hoặc DN có trường hợp F0 nên phải tạm dừng hoạt động. Thứ hai, chi phí sản xuất tăng do phải thực hiện xét nghiệm Covid-19 thường xuyên cộng thêm chi phí ăn ở cho công nhân. Ngoài ra, một số DN thiếu lao động nên việc nhận hàng ở cảng chậm và khó khăn làm tăng chi phí lưu kho, bãi. Thứ ba, do chuỗi cung ứng gặp khó khăn nên một số DN thiếu nguyên, nhiên liệu phục vụ sản xuất, thiếu lao động.
Trong khi đó ở phía bắc, trao đổi với báo chí, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Đình Đại cho biết hiện nay nhiều phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt là xe chở hàng nông sản, vẫn tiếp tục đưa lên cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị. Do đó, rất dễ xảy ra tình trạng ùn ứ tại khu vực cửa khẩu, đặc biệt trong bối cảnh lực lượng chức năng tại cửa khẩu phía Trung Quốc đang áp dụng chặt chẽ các biện pháp phòng chống dịch.
Để tránh nguy cơ thiệt hại về kinh tế cho DN và thương nhân, giảm bớt áp lực tại các bến bãi trong cửa khẩu, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn đã đề nghị các DN và các đơn vị liên quan xem xét, cân nhắc và tính toán thời gian hợp lý để đưa hàng hóa đến các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn nhằm giúp cho việc xuất khẩu hàng nông sản qua cửa khẩu được thuận lợi.
Lãnh đạo Sở Công Thương cũng lưu ý, hiện nay việc giao nhận hàng hóa qua cửa khẩu Tân Thanh giữa phía Trung Quốc và Việt Nam đã có sự thay đổi. Lái xe và chủ hàng Việt không được sang bên kia biên giới để giao dịch mà phải giao phương tiện cho lái xe phía Trung Quốc thực hiện giao hàng. Sau khi giao hàng xong, lái xe phía Trung Quốc sẽ trao trả phương tiện tại bãi xe.
Khôi phục khi dịch bệnh được kiểm soát
Ông Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn Kinh tế hợp tác, Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn I (thành viên Tổ Công tác 970 của Bộ NN&PTNT), cho biết, mới đây Ukraine đặt đơn hàng khoảng 240 container thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, khi tổ công tác đặt vấn đề thì các doanh nghiệp chế biến thủy sản Việt không đáp ứng được đơn hàng này do nhiều nhà máy phải tạm dừng vận chuyển.
Trong khi đó, theo báo cáo từ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều DN ngành gỗ đã phải ngừng sản xuất, tổ chức sản xuất theo phương thức 3 tại chỗ, đàm phán hoãn/giãn thời gian giao hàng, hoặc phải chịu phạt để hủy đơn hàng.
Phần lớn DN hoạt động xuất nhập khẩu đều cho biết tình trạng thiếu container rỗng, chi phí thuê container và giá cước vận tải biển tăng quá cao (từ 2-4 lần so với trước đây khi chưa có dịch bệnh), gây nhiều khó khăn cho DN trong việc hợp đồng vận chuyển sản phẩm xuất khẩu.
Có thể nhận thấy đà tăng trưởng xuất khẩu đang có dấu hiệu bị chậm lại do dịch Covid -19, ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, đang xuất hiện sự đứt gãy một số điểm của chuỗi cung ứng. Trong thời gian tới, tăng trưởng xuất nhập khẩu phụ thuộc rất lớn vào tình hình kiểm soát dịch bệnh cũng như việc đẩy nhanh quá trình tiêm chủng vaccine trong nước.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành (Đại học FullBright), vẫn hy vọng vào kịch bản lạc quan cho nền kinh tế, đó là phòng chống được dịch và duy trì hoạt động sản xuất phục vụ cho xuất khẩu. Trong khi đó, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa Hà Nội trao đổi, chỉ khi nào dịch bệnh được cơ bản kiểm soát, DN bán được hàng lúc đó các hoạt động của nền kinh tế, bao gồm cả xuất nhập khẩu mới dần trở lại trạng thái bình thường.
Số liệu thống kê mới nhất từ cơ quan quản lý cho biết tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong kỳ 1 tháng 8 (từ ngày 1 đến 15/8) chỉ đạt 24,1 tỷ USD, giảm 18,1% tương ứng với giảm 5,31 tỷ USD so với nửa cuối tháng 7/2021.