Năm 2015 được xem là đầy khó khăn và biến động với hoạt động xuất khẩu khi nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực bị sụt giảm cả về giá và lượng. Vậy bức tranh xuất nhập khẩu năm 2016 của Việt Nam sẽ ra sao? Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh xoay quanh nội dung này.
PV: Thưa ông, ông có thể đánh giá về tình hình xuất nhập khẩu của năm 2015?
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Con số của Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thống kê đưa ra về kết quả xuất nhập khẩu có hai điểm cần lưu ý: Một là, lần đầu tiên sau 5 năm xuất khẩu liên tục “về đích”, năm 2015 là năm chúng ta không đạt mục tiêu 10% như Quốc hội đề ra (chỉ đạt 8,1%) và nhập siêu quay trở lại sau 3 năm liên tục xuất siêu.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải nhìn nhận một số vấn đề.
Trước hết là, về thị trường thương mại thế giới trong năm 2015 là năm đã có những diễn biến rất phức tạp. Hàng loạt các mặt hàng có thế mạnh trong xuất khẩu của Việt Nam đều đã chứng kiến những khó khăn trong cân đối cung cầu trên thế giới. Đơn cử như mặt hàng dầu thô - mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn của ta đã bị sụt giá liên tục từ cuối năm 2014 cho đến hết cả năm 2015 và đến nay vẫn đang có xu hướng sụt giảm.
Những mặt hàng khác như than đá, khoáng sản cũng sụt giảm, thu hẹp cả quy mô xuất khẩu lẫn giá.
Các mặt hàng nông sản như cao su, cà phê, gạo… cũng đều ở tình cảnh tương tự. Đó chính là những nguyên nhân dẫn đến xuất khẩu của chúng ta không đạt được mục tiêu đề ra.
Một vấn đề cũng đáng quan tâm lâu nay, đó là , khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục vẫn tiếp tục xuất siêu còn nhập siêu vẫn là khu vực DN trong nước, Thứ trưởng có suy nghĩ thế nào?
- Việc các sản phẩm của ta phát triển quá nóng về sản lượng trong một thời gian dài khiến tăng trưởng xuất khẩu không bền vững, không tạo được dấu ấn, thương hiệu trên bản đồ thế giới. Tôi lấy ví dụ như các mặt hàng nông sản chế biến của chúng ta như: gạo, cà phê cao su - cho dù quy mô xuất khẩu rất lớn, thậm chí chúng ta là cường quốc xuất khẩu các mặt hàng nông sản đó, nhưng rõ ràng tất cả đều chưa định hình được giá trị thương hiệu, chưa khẳng định chất lượng sản phẩm… Đây sẽ là vấn đề rất lớn của chúng ta trong thời gian sắp tới khi chúng ta thực hiện các cam kết hội nhập.
Các DN FDI khi tham gia ở nước ngoài hay ở Việt Nam đều có điều kiện thuận lợi nhất định trong chuỗi giá trị toàn cầu, họ có điều kiện cạnh tranh tốt, chưa kể đến những giá trị thương hiệu đã được hình thành… đó là những điểm lợi thế giúp các DN FDI nâng cao năng lực cạnh tranh trong sân chơi toàn cầu hóa.
Thực tế này càng đặt ra những vấn đề rất lớn và bức xúc cho chúng ta trong việc tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu các ngành sản xuất trong đó có ngành công nghiệp, chế biến, nông nghiệp… để đảm bảo các DN có đủ năng lực trong thời kỳ hội nhập hiện nay.
Thứ trưởng đánh giá thế nào về triển vọng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2016?
- Với diễn biến tình hình chung về các mặt kinh tế, chính trị… của thế giới, chắc chắn nền kinh tế thế giới sẽ còn chứa đựng những bất ổn trong năm 2016 này. Song, trong bối cảnh chung đó, Việt Nam vẫn có những điều kiện thuận lợi để phát triển, đặc biệt trong vấn đề ngoại thương. Điều đầu tiên phải kể đến những nỗ lực của chúng ta trong việc mở các thị trường mới thông qua đàm phán hội nhập, thỏa ước thương mại đã kết thúc và sắp có hiệu lực.
Hàng loạt các điều kiện ưu đãi trong xóa bỏ các hàng rào phi thuế quan cho các sản phảm của chúng ta trong các lĩnh vực từ dệt may, da giày, nông lâm thủy sản… sẽ tạo điều kiện chúng ta tiếp cận sâu với các thị trường lớn trong thời gian tới.
Thứ hai, với việc chúng ta tiếp tục tăng cường sắp xếp lại DN Nhà nước, đổi mới mô hình đầu tư cũng như hoàn thiện môi trường thể chế và pháp lý… chắc chắn các DN của chúng ta sẽ có điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, nỗ lực chung của Chính phủ trong việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, ổn định cho DN sẽ mang lại thuận lợi cho DN trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận thị trường thuận lợi hơn nữa. Đó chính là những điều kiện để chúng ta có cơ hội xuất nhập khẩu bền vững trong năm 2016 này.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!