Sáng 6/9/1971, từ hơn 30 trường đại học, cao đẳng tại miền Bắc đồng loạt vang lên tiếng trống trường. Khác với mùa thu các năm trước, tiếng trống năm 1971 không phải trống khai trường mở đầu năm học mới, mà là tiếng trống trận, trống lệnh ra quân cho gần 4.000 cán bộ giảng dạy và sinh viên trẻ gác bút nghiên, nhập ngũ, lên đường ra trận trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước.
Trở về sân Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội - nơi xuất quân của đoàn sinh viên chiến sĩ nhân kỷ niệm 50 năm là Binh đoàn 6971 tại cuộc gặp mặt thường niên của Hội Sinh viên - Chiến sĩ 6971 diễn ra ngày 6/9, nhà báo, người sinh viên - chiến sĩ năm xưa Phùng Huy Thịnh tâm sự: Binh đoàn sinh viên 6971 hình thành từ hơn 50 năm trước (6/9/1971 - 6/9/2021). “Tuổi khai sinh” của binh đoàn có thể tính vào ngày mùng 6/9/1971.”
Mùa thu năm 1971 là khoảng thời gian chiến dịch mùa xuân Đường 9 - Nam Lào kết thúc với những chiến công giòn giã. Mặt trận phía Nam năm ấy gần như nhỏ dần tiếng súng, đất nước như được nghỉ ngơi, hồi sức, nhưng thật ra là đang lặng lẽ chuẩn bị cho những trận đánh quyết định sắp tới. Sau lệnh động viên tuyển quân tại các trường đại học, sinh viên hối hả kết thúc kỳ nghỉ hè, lên tàu từ biệt quê hương.
Ngày mùng 6/9/1971, trên sân Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội buổi sáng ấy, Giáo sư, Hiệu trưởng Ngụy Như Kon Tum bước lên đài cao làm lễ xuất quân. Gần 4.000 sinh viên từ hơn 30 trường đại học, cao đẳng trên khắp miền Bắc ra đi như một đoàn quân trí thức trẻ, một binh đoàn đặc nhiệm mang cái tên gọi tắt là Binh đoàn 6971. Đây là đợt tuyển quân đông đảo nhất, vượt xa quân số các đợt năm 1970 và năm 1972 sau đó.
Nhiệm vụ đặc biệt của binh đoàn chính là đem tri thức học đường vừa tiếp thu còn đang rất mới mẻ trong đầu, tỏa về các quân binh chủng phòng không, tăng thiết giáp cùng các Sư đoàn 325, 308, 304, nhằm tăng thêm sức mạnh trí tuệ cho các đơn vị.
Ngày mùng 6/9/2022, Binh đoàn 6971 đã hẹn gặp nhau trên mảnh đất xuất quân của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cũ (khuôn viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội hiện nay).
“Có thể khẳng định một cách tự hào rằng những người lính sinh viên những năm 1970, 1971 và 1972 ấy đã góp phần nâng chất lượng bộ đội cụ Hồ giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh giải phóng lên tầm cao mới, góp phần xứng đáng vào chiến thắng chung của quân dân ta giai đoạn quyết định của chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Họ, những người lính sinh viên đã “xếp bút nghiên… ra trận với lòng tự trọng, chiến đấu tài trí, học tập và công tác tận tuỵ, trung thực. Vì vậy nhiều người trong số họ đã trở thành các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành, lãnh đạo nhiều tỉnh thành, các tướng lĩnh quân đội, công an, các giáo sư, tiến sĩ, các nhà giáo nhà nghiên cứu có tên tuổi, các nhà văn, nhà báo và hoạt động xã hội nổi tiếng… được cộng đồng yêu mến, quý trọng.
Cựu chiến binh Đào Chí Thành -cựu sinh viên K15 khoa Toán, Đại học Sư Phạm bồi hồi xúc động: “Khi lên đường chúng tôi có người chưa tròn 18 tuổi. Tới nay, nửa thế kỷ đã qua đầy ắp những kỷ niệm sâu sắc của mỗi người, nhưng tựu chung tình đồng đội đầy ắp mỗi khi bên nhau hội ngộ sẻ chia. Trong tâm tưởng những người lính sinh viên, đau đáu lớn nhất là khi nhớ đến những đồng đội đã không về”.
Cuộc gặp gỡ của các cựu chiến binh "Binh đoàn 6971" như thêm một lần nhắc nhở các thế hệ con cháu về lịch sử đất nước, sự tham gia vào cuộc chiến đấu trường kỳ bảo vệ độc lập cho dân tộc của thế hệ những con người một thời “xếp bút nghiên ra trận”.
Ngày 6/9/1971, trên sân Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội buổi sáng ấy, Giáo sư, Hiệu trưởng Ngụy Như Kon Tum bước lên đài cao làm lễ xuất quân. Gần 4.000 sinh viên từ hơn 30 trường đại học, cao đẳng trên khắp miền Bắc ra đi như một đoàn quân trí thức trẻ, một binh đoàn đặc nhiệm mang cái tên gọi tắt là Binh đoàn 6971. Đây là đợt tuyển quân đông đảo nhất, vượt xa quân số các đợt năm 1970 và năm 1972 sau đó.