Các tiêu chí đề xuất cải tạo môi trường kinh doanh năm 2018 tiếp tục được đưa ra, trong đó có những nội dung cụ thể như cải thiện chỉ số khởi sự kinh doanh tăng thêm ít nhất 40 bậc, giảm ít nhất 50% các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành… Đầu năm, các bộ ngành đã ráo riết thực hiện để tránh cảnh trên nóng dưới lạnh.
Nguyên viện trưởng viện Nghiên cứu kinh tế trung ương Lê Đăng Doanh đã thẳng thắn đưa ra nhận định, năm 2018 là một năm hội nhập, năm bản lề, kèm với đó là báo động trước sức ép của hội nhập. Năm nay, chúng ta phải thực hiện ít nhất 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA), với cam kết dỡ bỏ và giảm bớt thuế nhập khẩu, trong đó sức ép đối với chúng ta là FTA với EU có hoàn thành hay không. Hay việc thương lượng với các nước lớn của WTO công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đầy đủ. Vì vậy năm 2018 không phải là năm dễ dàng, nền kinh tế phải hết sức tỉnh táo, nỗ lực và biến khó khăn thành động lực. Trong đó, cải cách thể chế, phát huy năng lực và tính sáng tạo của thế hệ trẻ là điều vô cùng quan trọng.
Nếu không cải cách thể chế thuận lợi, không ủng hộ doanh nghiệp (DN) trẻ để khởi nghiệp sáng tạo, trong khuôn khổ Cộng đồng kinh tế ASEAN và thương mại tự do thì Việt Nam sẽ tụt hậu so với thế giới. Tuy nhiên hiện nay nền kinh tế của chúng ta vẫn đang tồn tại nhiều vấn đề như hành chính cồng kềnh, thủ tục hành chính phức tạp, chi phí phi chính thức trong giao dịch của DN và người dân cao thì việc cải thiện môi trường đầu tư dường như là sợi dây không thể dứt.
Để cải thiện môi trường kinh doanh trong thời gian tới, nhiều chỉ tiêu cũng đã được đưa ra khá cụ thể như cải thiện chỉ số khởi sự kinh doanh tăng thêm ít nhất 40 bậc bao gồm, bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu con dấu, thủ tục đăng ký tài khoản ngân hàng với cơ quan đăng ký kinh doanh. Thực hiện cơ chế một cửa trong đăng ký lao động và BHXH; rút ngắn thời gian DN mua hóa đơn VAT hoặc tự in hóa đơn xuống dưới 4 ngày. Cải thiện chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng thêm 10 bậc; chỉ số phá sản DN thêm 10 bậc. Hoàn thành việc bãi bỏ ít nhất 1/3-1/2 số quy định hiện có về điều kiện kinh doanh; kiến nghị bãi bỏ một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thu hẹp Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Giảm ít nhất 50% các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành; Giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 30 – 35% hiện nay xuống còn 15%.
Giới chuyên gia khẳng định rằng chỉ có đổi mới, cải thiện môi trường kinh doanh mới tạo được niềm tin để tăng trưởng mà điều quan trọng là xóa dứt điểm những rào cản “xóa mãi vẫn không hết”, đó chính là việc các chi phí ngoài luồng vẫn đang phát sinh. Chi phí kinh doanh đang tăng cao và có xu hướng tăng bao gồm các khoản như chi phí tuân thủ, dịch vụ hành chính, dịch vụ công, hạ tầng; quá nhiều loại thuế, phí, quỹ và các đóng góp khác nhau; chi phí thời gian lớn. Đó là những điểm nghẽn cần phải tiếp tục tháo gỡ.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế trung ương cho rằng, chỉ nỗ lực cải cách, nỗ lực tạo môi trường kinh doanh tốt là chưa đủ. Bản thân DN cũng cần phải thay đổi, nếu không thay đổi sẽ bị loại bỏ khỏi cuộc chơi hội nhập.