Quốc tế

Xung đột dai dẳng, người Sudan đói chồng đói

Hà Anh 27/03/2025 07:53

Cuộc xung đột kéo dài ở Sudan đã gây ra làn sóng bạo lực sắc tộc, tạo ra cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới và đẩy một số khu vực vào nạn đói.

Đói chồng đói

Xung đột diễn ra ở Sudan giữa quân đội và Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF) vẫn căng thẳng sau gần 2 năm. Trong suốt quá trình xung đột diễn ra, cả hai bên đều dựa vào sự hỗ trợ của địa phương và nước ngoài, với rất ít dấu hiệu cho thấy sẽ có bước đột phá quyết định.

Ngày 21/3, quân đội Sudan tuyên bố đã kiểm soát được dinh Tổng thống ở Khartoum, đây là chiến thắng mang tính biểu tượng quan trọng trong cuộc chiến với RSF. Tuy nhiên, hiện RSF đã đặt ra những hạn chế mới đối với việc cung cấp viện trợ cho các vùng lãnh thổ mà lực lượng này đang tìm cách củng cố quyền kiểm soát, bao gồm cả những khu vực đang xảy ra nạn đói. Động thái này diễn ra khi RSF tìm cách thành lập một chính phủ song song ở phía tây Sudan, khi họ đang nhanh chóng mất đi vị thế ở Thủ đô Khartoum. Điều này khiến hàng trăm nghìn người ở khu vực phía tây Darfur có nguy cơ chết đói cao hơn, nhiều người trong số họ đã phải di dời trong các vòng xung đột trước đó.

Các nhân viên cứu trợ trước đây đã cáo buộc lực lượng RSF cướp bóc viện trợ trong hơn 2 năm chiến tranh ở Sudan. Họ cũng cáo buộc quân đội Sudan từ chối hoặc cản trở việc tiếp cận các khu vực do RSF kiểm soát, khiến nạn đói và bệnh tật trở nên trầm trọng hơn. Tuy nhiên, cả 2 phía đều bác bỏ những cáo buộc này.

Các nhân viên cứu trợ cho biết, những hạn chế có tác động lớn nhất ở các khu vực xảy ra nạn đói xung quanh thành phố Al-Fashir, cũng như ở Tawila gần đó - nơi hàng chục nghìn người đã tìm nơi ẩn náu.

Một tổ chức giám sát nạn đói toàn cầu đã xác nhận, nạn đói xảy ra ở 3 trại dành cho người di tản gần Al-Fashir - Zamzam, Abu Shouk và Al-Salam. RSF cũng đã pháo kích vào các trại trong những tuần gần đây khi họ tìm cách đẩy quân đội và các đồng minh ra ngoài.

“Tình hình ở trại Zamzam rất khó khăn, chúng tôi đói và sợ hãi. Chúng tôi không nhận được bất kỳ hình thức viện trợ nào và mọi người phải ăn lá vì không có thức ăn” - một cư dân 37 tuổi tên là Haroun Adam cho biết.

Cuộc xung đột ở Sudan đã gây ra khủng hoảng nhân đạo mà Liên hợp quốc (LHQ) coi là lớn nhất và tàn khốc nhất thế giới. Khoảng một nửa trong số 50 triệu dân của Sudan đang phải chịu nạn đói nghiêm trọng, chủ yếu ở các vùng lãnh thổ do RSF chiếm giữ hoặc bị đe dọa. Các cơ quan cứu trợ đã không cung cấp đủ cứu trợ và việc đóng băng nguồn tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) dự kiến ​​sẽ làm tăng thêm thách thức.

Vào tháng 12/2024, Cơ quan Cứu trợ và Hoạt động nhân đạo Sudan (SARHO) - đơn vị quản lý viện trợ cho RSF - đã ban hành chỉ thị yêu cầu các tổ chức nhân đạo phải đăng ký thông qua “thỏa thuận hợp tác” và thiết lập các hoạt động quốc gia độc lập trên lãnh thổ RSF. Mặc dù SARHO đã đồng ý hoãn các chỉ thị cho đến tháng 4 năm nay, nhưng các nhóm cứu trợ cho biết, các hạn chế vẫn tiếp tục.

Ông Kholood Khair - nhà phân tích tình hình Sudan, Giám đốc của Confluence Advisory cho rằng, những trở ngại đối với viện trợ không phải là điều mới mẻ ở Sudan.

Nhìn lại điểm xuất phát xung đột

Căng thẳng đã gia tăng trong nhiều tháng trước khi giao tranh giữa quân đội Sudan và RSF nổ ra ở Khartoum vào tháng 4/2023. Quân đội và RSF đã có mối quan hệ đối tác mong manh sau khi tiến hành đảo chính vào tháng 10/2021, làm chệch hướng quá trình chuyển giao quyền lực khỏi chế độ độc tài Hồi giáo Omar al-Bashir. Bashir đã bị lật đổ vào năm 2019.

Hai bên đã xảy ra xung đột với một kế hoạch được quốc tế hậu thuẫn, kế hoạch này sẽ khởi động một quá trình chuyển giao mới với các đảng và yêu cầu quân đội và RSF phải nhượng lại quyền lực.

Các điểm tranh chấp cụ thể là thời gian biểu để RSF được hợp nhất vào lực lượng vũ trang chính quy, chuỗi chỉ huy giữa quân đội, các nhà lãnh đạo RSF và vấn đề giám sát dân sự. Các bên tham chiến cũng đã cạnh tranh về các lợi ích kinh doanh rộng lớn mà họ đang tìm cách bảo vệ. Sudan từ lâu đã có xung đột bắt nguồn từ sự tập trung quyền lực và của cải ở trung tâm đất nước với cái giá phải trả là vùng ngoại vi, điều mà RSF cho biết họ đang đấu tranh để khắc phục.

Cuộc nổi loạn dẫn đến việc lật đổ chế độ Hồi giáo Omar al-Bashir đã làm dấy lên hy vọng rằng Sudan với dân số khoảng 50 triệu người có thể thoát khỏi chế độ độc tài, xung đột nội bộ và cô lập kinh tế trong nhiều thập niên. Tuy nhiên, sự cạnh tranh chính trị và sắc tộc gia tăng trong nội bộ Sudan đã dẫn đến lo ngại rằng đất nước này (quốc gia có diện tích lớn thứ 3 châu Phi) có thể bị chia cắt, gây bất ổn cho khu vực giáp với Sahel, Biển Đỏ và Sừng châu Phi.

Hàng trăm nghìn người đã chạy trốn đến Ai Cập, Chad và Nam Sudan, với một số lượng nhỏ hơn vượt biên sang Ethiopia và Cộng hòa Trung Phi. Cả hai bên trong cuộc xung đột đều sử dụng vàng - nguồn tài nguyên có giá trị nhất để hỗ trợ cho nỗ lực chiến tranh của họ.

Cuộc chiến ở Sudan đã gây ra thiệt hại lớn về cơ sở hạ tầng, buộc hơn 12 triệu người phải rời bỏ nhà cửa và khiến một nửa dân số nước này phải đối mặt với tình trạng đói kém khủng hoảng. Tháng 8/2024, các chuyên gia tuyên bố rằng nạn đói đang diễn ra ở một khu vực tại Darfur. Hàng chục nghìn người đã thiệt mạng mặc dù ước tính về số người chết vẫn chưa chắc chắn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xung đột dai dẳng, người Sudan đói chồng đói