Quốc tế

Xung đột và biến đổi khí hậu thúc đẩy nạn đói toàn cầu

Mai Phương 22/05/2025 10:59

Theo báo cáo của Liên hợp quốc (LHQ) về khủng hoảng lương thực vừa được công bố, tình trạng mất an ninh lương thực cấp tính và suy dinh dưỡng ở trẻ em đã tăng trong năm thứ 6 liên tiếp vào năm 2024, ảnh hưởng đến hơn 295 triệu người trên 53 quốc gia và vùng lãnh thổ. Con số này tăng 5% so với mức của năm 2023, với 22,6% dân số ở các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất đang phải chịu cảnh đói nghèo ở mức khủng hoảng hoặc tệ hơn.

"Báo cáo toàn cầu năm 2025 về khủng hoảng lương thực đã vẽ nên một bức tranh đáng kinh ngạc. Xung đột, thời tiết khắc nghiệt và cú sốc kinh tế là những nguyên nhân chính, chúng thường chồng chéo lên nhau" - ông Rein Paulsen, Giám đốc Tình trạng khẩn cấp và khả năng phục hồi tại Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho biết.

anh-tin.jpg
Nơi trú ẩn tạm thời dành cho những người phải di dời do hạn hán nghiêm trọng ở Somalia.

Nhìn về tương lai, LHQ đã cảnh báo về tình hình sẽ xấu đi trong năm nay, trích dẫn mức dự kiến giảm lớn nhất về nguồn tài trợ lương thực nhân đạo kể từ khi báo cáo được đưa ra - mức từ 10% đến hơn 45%.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đi đầu khi đóng cửa phần lớn Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) - nơi cung cấp viện trợ cho những người nghèo trên thế giới - hủy bỏ hơn 80% các chương trình nhân đạo của cơ quan này.

“Hàng triệu người đói đã mất hoặc sẽ sớm mất đi đường dây cứu sinh quan trọng mà chúng tôi cung cấp" - bà Cindy McCain, người đứng đầu Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cảnh báo.

Theo báo cáo, xung đột là nguyên nhân chính gây ra nạn đói, ảnh hưởng đến gần 140 triệu người trên 20 quốc gia vào năm 2024, bao gồm các khu vực phải đối mặt với mức độ mất an ninh lương thực "thảm khốc" như Gaza, Nam Sudan, Haiti và Mali. Trong đó, Sudan đã xác nhận tình trạng nạn đói. Các cú sốc kinh tế như lạm phát và phá giá tiền tệ đã đẩy 59,4 triệu người vào cuộc khủng hoảng lương thực ở 15 quốc gia - gần gấp đôi mức trước đại dịch Covid-19. Thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt là hạn hán và lũ lụt do El Nino gây ra, đã đẩy 18 quốc gia vào khủng hoảng, ảnh hưởng đến hơn 96 triệu người, đặc biệt là ở Nam Phi, Nam Á và Sừng châu Phi.

Để phá vỡ chu kỳ đói nghèo, báo cáo của LHQ kêu gọi đầu tư vào hệ thống thực phẩm địa phương. "Bằng chứng cho thấy việc hỗ trợ nông nghiệp địa phương có thể giúp ích cho nhiều người nhất, với chất lượng cao và chi phí thấp hơn" – ông Paulsen nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xung đột và biến đổi khí hậu thúc đẩy nạn đói toàn cầu