Liên quan đến tranh chấp căn nhà số 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm (P.Đa Kao, Q.1, TP Hồ Chí Minh), cơ quan Công an đã khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam thẩm phán của TAND Q.4 và cán bộ của Trường Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát TP, trở thành vụ việc gây xôn xao dư luận, gây nhiều ý kiến về thẩm quyền tố tụng và các vấn đề liên quan đến tội danh.
Căn nhà số 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Đa Kao, quận 1, TP HCM.
Diễn biến vụ việc
Cụ thể, vào ngày 2/10 Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT, Công an Q.1, TP HCM) đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với các ông Lâm Hoàng Tùng (28 tuổi, giảng viên Trường Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TPHCM) và thẩm phán Nguyễn Hải Nam (45 tuổi, Phó Chánh án TAND Q.4) về hành vi “xâm phạm chỗ ở của người khác”, theo Điều 158 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Cơ quan CSĐT xác định ông Lâm Hoàng Tùng có hành vi thuê Công ty Bảo vệ Thành Hồ và Văn phòng Thừa phát lại Q.1 lập vi bằng về việc lấy lại nhà số 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1), sau đó đưa những người đang sinh sống trong nhà ra ngoài. Sau đó, ông Tùng cũng thuê Công ty TNHH vận tải Đông Tây Nam Bắc tháo cửa phòng, thiết bị nội thất…của căn nhà, trong khi chưa có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đối với thẩm phán Nguyễn Hải Nam được xác định có hành vi hỗ trợ ông Tùng trong quá trình cả hai mang các cháu bé ra khỏi nhà, giúp sức thực hiện hành vi “xâm phạm chỗ ở của người khác”.
Cũng theo kết quả xác minh từ cơ quan CSĐT thì căn nhà số 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm có nguồn gốc là của bà Hoàng Trọng Anh Chi, đã được UBND Q.1 cấp giấy phép xây dựng vào tháng 4/2015. Đến tháng 10/2017, bà Chi ký hợp đồng giấy viết tay sang nhượng căn nhà trên cho bà Hoàng Thị Thu Thảo, với giá là 25 tỷ đồng (lúc đó căn nhà xây được 80% so với giấy phép xây dựng). Bà Chi nhận tiền đặt cọc của bà Thảo là 7 tỷ đồng, chờ sau khi hoàn công căn nhà sẽ ra phòng công chứng ký bán chính thức và nhận đủ số tiền còn lại. Theo hợp đồng giữa hai bên thì bên mua (bà Thảo) có quyền tiếp quản công trình, làm việc với nhà thầu trong quá trình thi công phần công trình còn lại.
Đến ngày 23/11/2017, công trình xây dựng nhà số 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm bị phát hiện sai phạm, sau đó Thanh tra Sở Xây dựng TP HCM ban hành quyết định (số 1761) xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng. Do chủ nhà không tự tháo dỡ phần vi phạm, nên sau đó cơ quan Thanh tra tiếp tục ban hành quyết định (số 153) tiến hành cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Mặc dù vậy, chủ đầu tư công trình này tiếp tục không thực hiện các quyết định, sau đó cơ quan chức năng phải ra quyết định cưỡng chế lần 2 vào tháng 1/2019.
Việc thi công xây dựng sai phạm so với giấy phép xây dựng khiến hợp đồng sang nhượng căn nhà giữa bà Thảo và bà Chi diễn biến tranh chấp với nhau. Bà Thảo khởi kiện bên bán nhà ra TAND Q.1 vì đã vi phạm hợp đồng cọc, đồng thời yêu cầu bà Chi phải trả số tiền đã đặt cọc là 7 tỷ đồng và một khoản tiền phạt tương đương với số tiền cọc là 7 tỷ đồng, như thỏa thuận hợp đồng cọc giữa hai bên trước đó. Ngoài ra, nguyên đơn cũng yêu cầu hoàn lại số tiền 1,8 tỷ đồng và 400 triệu đồng trong quá trình thi công xây dựng căn nhà. Đến tháng 10.2018, TAND Q.1 ra quyết định (số 123) tạm đình chỉ giải quyết vụ án do cần đợi kết quả thu thập chứng cứ của UBND Q.1.
Trong quá trình đợi kết quả tòa xử lý, về phía bà Thảo đã đơn phương dọn vào ở tại căn nhà số 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm và dùng một phần căn nhà làm dịch vụ cho thuê phòng từ tháng 3/2019. Trong khi đó, các quyết định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế (lần 1, lần 2) của Thanh tra Sở Xây dựng TP HCM trước đó yêu cầu “để đảm bảo an toàn, yêu cầu các bên không được bố trí người ở lại”.
Cũng theo Cơ quan CSĐT Công an Q.1, đối với ông Lâm Hoàng Tùng, là người được bà Chi ủy quyền có công chứng từ ngày 8/1/2019 để tham gia giải quyết toàn bộ tranh chấp nhà. Sau đó, ông Tùng thuê các đơn vị thứ 3 tham gia vào xử lý tranh chấp.
Quá trình sau đó, ông Tùng tiếp tục thuê một phòng ở khách sạn đầu hẻm 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm, sau đó đưa các bé và người lớn (đang thuê phòng ở căn nhà tranh chấp) qua ở tạm. Khi mọi người trong nhà không hợp tác, ông Tùng và một số người có hành vi bế các bé ra ngoài nhưng bị chặn lại.
Đến ngày 22/9, bà Thảo có đơn tố cáo các ông Lâm Hoàng Tùng, Nguyễn Hải Nam và bà Nguyễn Thị Hạnh (Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Q.1) về hành vi chiếm nhà, đánh người giúp việc và bắt trẻ em. Đến ngày 27.9, Cơ quan CSĐT Công an Q.1 đã khởi tố vụ án “xâm phạm chỗ ở người khác” và tống đạt lệnh khởi tố bị can, bắt tạm giam các ông Nguyễn Hải Nam và Lâm Hoàng Tùng về tội “xâm phạm chỗ ở người khác” như đã thông tin.
Thẩm quyền đến đâu?
Vụ việc gây xôn xao dư luận không chỉ do các đối tượng bị khởi tố và bị bắt tạm giam là những người đang công tác trong ngành TAND và Trường Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát TP HCM, mà còn bởi tranh cãi quanh thẩm quyền thực hiện các lệnh bắt giữ của Công an Q.1 có thuộc quyền điều tra hay không. Có ý kiến cho rằng, việc bắt giữ cá nhân là thẩm phán thuộc đối tượng xét xử của tòa cấp tỉnh hoặc thành phố. Liên quan đến vụ việc, về phía UBND Q.1 cho biết, đã chỉ đạo các phòng, ban kiểm tra, rà soát toàn bộ quy trình liên quan đến căn nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm, khi nào có kết quả sẽ công bố công khai.
Ngoài ra, việc ban hành đến 2 quyết định cưỡng chế (lần 1, lần 2) nhưng UBND Q.1 lại xử lý chậm trễ, kéo dài dẫn đến tranh chấp phức tạp, cũng được dư luận đặt vấn đề. Về phía trách nhiệm của Thanh tra Sở Xây dựng TP HCM là cơ quan ký các quyết định cưỡng chế cũng chậm trễ trong việc nhắc nhở trách nhiệm cưỡng chế thuộc UBND quận, phường và các cơ quan liên quan.
Việc để xảy ra vi phạm trong lĩnh vực xây dựng kéo dài gần 2 năm, chưa thi hành các quyết định xử lý của cơ quan chức năng cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến tranh chấp kéo dài giữa các bên liên quan đối với địa chỉ nhà đất số 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1).