Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS,PGS); thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh GS,PGS.
Chuẩn các chức danh GS,PGS được nâng lên. Quy định thì chặt chẽ, nhưng quy trình thực hiện liệu có chuẩn hay không, lại là vấn đề khác khi mà những băn khoăn về việc phong chức danh GS,PGS lâu nay vẫn là sự bàn tán.
Lễ phong hàm GS,PGS Trường Đại học Y Hà Nội, tháng 3/2018.
Theo đó, tiêu chuẩn chung của chức danh GS,PGS là giảng viên đã có trên 10 năm liên tục làm nhiệm vụ đào tạo từ trình độ đại học trở lên tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ mà trong 3 năm cuối có thời gian không quá 12 tháng đi thực tập, tu nghiệp nâng cao trình độ thì thời gian này không tính là gián đoạn của 3 năm cuối; Hoàn thành nhiệm vụ được giao và thực hiện đủ số giờ chuẩn giảng dạy theo quy định của Bộ trưởng Bộ GDĐT, trong đó có ít nhất 1/2 số giờ chuẩn giảng dạy trực tiếp trên lớp.
Đối với giảng viên thỉnh giảng phải thực hiện ít nhất 50% định mức giờ chuẩn giảng dạy theo quy định; Sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ phục vụ cho công tác chuyên môn và có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh. Có đủ số điểm công trình khoa học quy đổi tối thiểu theo quy định. Theo quy định mới, chuẩn GS,PGS đã nâng cao lên, so với quy định cũ thì tổng điểm quy đổi đã tăng gấp đôi và đặc biệt bắt buộc các ứng viên có bài báo đăng trong các tạp chí quốc tế có uy tín.
Cụ thể, ứng viên GS phải có ít nhất 5 bài báo quốc tế; PGS phải liên tục tham gia đào tạo trong 3 năm cuối. Theo quy định mới, hồ sơ điện tử của ứng viên phải công khai trên Trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học (nơi nhận hồ sơ của ứng viên) và Trang thông tin điện tử của Hội đồng Giáo sư nhà nước. Điều đáng lưu tâm là thành viên Hội đồng GS phải có kết quả nghiên cứu công bố quốc tế trong 5 năm trở lại.
Để là thành viên Hội đồng GS nhà nước, Hội đồng GS ngành, liên ngành và Hội đồng GS cơ sở, tiêu chuẩn của ứng viên là người có uy tín chuyên môn khoa học cao, có kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín hoặc xuất bản ở nhà xuất bản có uy tín trong 5 gần đây. Thành viên Hội đồng GS Nhà nước phải có chức danh giáo sư; Thành viên Hội đồng GS ngành, liên ngành và Hội đồng GS cơ sở phải có chức danh GS,PGS, đang tham gia đào tạo, bồi dưỡng và quản lý từ trình độ đại học trở lên. Như vậy, các quy định với cả ứng viên GS,PGS cũng như ứng viên Hội đồng GS đều đã được chuẩn hóa.
Nhiều ý kiến cho rằng việc để xảy ra sai sót trong quá trình phong danh GS,PGS lâu nay bắt đầu từ cấp cơ sở. Điều này cũng đã được minh chứng. Sau những ồn ào về việc xét chức danh GS,PGS năm 2017, những sự thật đã được công bố. Kết quả kiểm tra hồ sơ của các ứng viên cho thấy sai sót chủ yếu nằm ở khâu: Kê khai hồ sơ thiếu chuẩn xác, thiếu minh chứng cụ thể. Một số cơ sở giáo dục đại học xác nhận thông tin do ứng viên kê khai chưa chặt chẽ. Một số hội đồng cấp cơ sở, ngành/liên ngành thẩm định hồ sơ chưa kỹ càng.
Do đó Chủ tịch Hội đồng Chức danh GS nhà nước yêu cầu các hội đồng ngành/liên ngành và hội đồng cơ sở năm 2017, đặc biệt là những hội đồng có hồ sơ ứng viên không đủ điều kiện đạt chuẩn, cần thực hiện nghiêm túc 2 việc. Một là rút kinh nghiệm sâu sắc về việc đã để xảy ra những sai sót trong việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS,PGS năm 2017. Hai là trong các đợt xét sắp tới, các hội đồng cấp cơ sở và hội đồng ngành/liên ngành cũng như các ứng viên cần tham dự đầy đủ các buổi tập huấn do Hội đồng Chức danh GS nhà nước tổ chức và nghiên cứu kỹ các tài liệu hướng dẫn về công tác này để tránh những sai sót tương tự.
Từ những quy định mới, có nhiều kỳ vọng về một mùa xét chức danh GS,PGS tới đây. Nhưng chắc chắn sẽ cần nhiều bài học kinh nghiệm cần được rút ra, cũng như hơn 2 nội dung như đã đề cập cần được thực hiện thực sự nghiêm túc. Theo thống kê của Bộ GDĐT, tính đến hết năm 2016, cả nước có khoảng hơn 11.000 GS,PGS. Riêng năm 2017, số lượng GS, PGS đạt chuẩn là 1.226 người. Tuy vậy, chỉ có 1/3 GS, PGS phân bố ở các trường ĐH. Trung bình, mỗi trường đại học ở Việt Nam có khoảng 20 GS,PGS.
Nếu xét tỷ lệ GS,PGS trong tổng số lượng giảng viên ở các trường ĐH ở Việt Nam, con số này cũng tương đối thấp - trung bình cả nước năm 2017 đạt chưa đến 7%. Số lượng GS,PGS tham gia vào công việc giảng dạy, truyền thụ kiến thức ít đã đành, hiệu quả nghiên cứu khoa học cũng không cao. Năm 2017, số lượng GS,PGS đạt chuẩn tăng gần 60% so với năm trước, trong khi số lượng nghiên cứu được đăng trên tạp chí nước ngoài chỉ tăng 17%. Có thể thấy, thành tựu nghiên cứu khoa học vẫn chưa tương ứng sự tăng trưởng nhanh và liên tục về số lượng học giả được phong hàm.
TS Lê Viết Khuyến- nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT cho rằng có nghịch lý là số lượng GS,PGS nhiều mà người truyền dạy kiến thức không được bao nhiêu. Số lượng GS,PGS tại Việt Nam tính trên tỷ lệ dân số còn rất khiêm tốn. Thế nhưng, nếu phong hàm GS,PGS cho những người không thực hiện nhiệm vụ truyền thụ kiến thức, dù trên cương vị giảng dạy hay nghiên cứu để tăng số lượng liệu có tốt? Điều này cần được xác định rất rõ trong những kỳ xét công nhận chức danh GS,PGS từ năm 2018.
* Thống kê của Bộ GDĐT, tính đến hết năm 2016, cả nước có khoảng hơn 11.000 GS,PGS. Riêng năm 2017, số lượng GS, PGS đạt chuẩn là 1.226 người. Tuy vậy, chỉ có 1/3 GS, PGS phân bố ở các trường ĐH. Trung bình, mỗi trường đại học ở Việt Nam có khoảng 20 GS,PGS. Nếu xét tỷ lệ GS,PGS trong tổng số lượng giảng viên ở các trường ĐH ở Việt Nam, con số này cũng tương đối thấp - trung bình cả nước năm 2017 đạt chưa đến 7%. Số lượng GS,PGS tham gia vào công việc giảng dạy, truyền thụ kiến thức ít đã đành, hiệu quả nghiên cứu khoa học cũng không cao.