Lấn chiếm hành lang đê, gây ô nhiễm môi trường, ngang nhiên hoạt động trái phép… là thực trạng đang diễn ra gần 4 năm qua tại một xưởng đóng tàu nằm trên khu vực đê hữu sông Đáy (Ninh Bình).
Được biết, vào khoảng năm 2017, tại khu vực đê hữu sông Đáy, đoạn qua địa bàn xóm 2, xã Khánh Thiện, huyện Yên Khánh (Ninh Bình) có xuất hiện một xưởng đóng tàu được xây dựng trên khu đất rộng khoảng 2 ha. Tại hiện trường vào ngày 13/4, có hàng chục công nhân đang lúi húi với các thiết bị để sơn, gò, hàn xì… trên 4 chiếc tàu. Theo quan sát, có 3 chiếc trong số này hiện đang đóng mới, 1 chiếc thì đang sửa chữa, bảo dưỡng.
Bên cạnh xưởng đóng tàu, một khu nhà 3 tầng được tận dụng làm nơi để xe cho công nhân. Được biết, khu nhà này đã bị chính quyền yêu cầu dừng thi công từ nhiều năm nay, trước khi có xưởng đóng tàu này thì khu nhà bỏ hoang. Theo phản ánh của người dân xóm 2 (xã Khánh Thiện), trong suốt gần 4 năm qua, xưởng đóng này liên tục “tra tấn” người dân bằng tiếng ồn cả ngày lẫn đêm. Kèm theo đó, cứ mỗi lần công nhân tiến hành phun cát tẩy rỉ trên bề mặt tàu là bụi lại bay mù mịt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hộ dân sống xung quanh.
“Kể từ khi có cái xưởng đóng tàu này là gần như tối nào cũng điếc tai với nó. Hôm nào họ phun cát đánh rỉ thì còn tệ hơn, vì bụi bay khắp nơi, phải đóng kín mít cửa” - một người dân xóm 2, xã Khánh Thiện than phiền. Trước những tác động tiêu cực từ xưởng đóng tàu, người dân đã nhiều phản ánh lên chính quyền địa phương. Sau đó, đã có lần các đoàn của xã, huyện về kiểm tra nhưng đến nay thì xưởng vẫn đang hoạt động bình thường.
Trao đổi với ông Đỗ Hồng Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thiện thì vị này thừa nhận, xưởng đóng tàu trên đã hoạt động trái phép suốt gần 4 năm, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến khu dân cư. “Xưởng đóng tàu trên của một người tên Tiến, không phải là người địa phương. Dù chúng tôi đã nhiều lần xuống kiểm tra, lập biên bản phạt tiền, nhưng hiện vẫn không thể xử lý dứt điểm vì không gặp được chủ cơ sở. Vì vấn đề vượt quá thẩm quyền nên xã đã làm báo cáo gửi lên UBND huyện Yên Khánh để xin huớng xử lý”, ông Dũng cho biết.
Được biết, mới đây, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành văn bản số 53/UBND – VP3, yêu cầu Sở NNPTNT phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan tăng cường quản lý nhà nước về đê điều, không để tự ý lấn chiếm hành lang đê trái phép làm ảnh hưởng an toàn của tuyến đê. Khi kiểm tra, phát hiện các trường hợp vi phạm phải kiên quyết xử lý nghiêm hoặc đề xuất biện pháp xử lý, báo cáo UBND tỉnh để kịp thời chỉ đạo.
Vậy, trách nhiệm của UBND huyện Yên Khánh đến đâu khi để một xưởng đóng tàu trái phép hoạt động, lấn chiếm hành lang đê, gây ô nhiễm môi trường suốt gần 4 năm qua?