“Nếu muốn tránh được những tác hại một cách hiệu quả nhất thì chúng ta không thể không quan tâm đến y tế công cộng” - GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh tại cuộc hội thảo về y tế công cộng được Bộ Y tế tổ chức sáng 25/4.
Ý thức được như vậy nên trong vài thập kỷ gần đây, các nhà khoa học trong ngành y tế đã và đang đổ rất nhiều công sức, trí tuệ để y tế công cộng ngày một phát triển. Nhờ vậy mà các chỉ số về tình trạng sức khỏe người dân đều đạt mức tương đương hoặc tốt hơn các nước cùng mức phát triển kinh tế. Phần lớn các mục tiêu thiên niên kỷ đã đạt được hoặc sẽ đạt được trong năm 2015 và những năm tới. Trên thực tế, dấu ấn của y tế công cộng đã và đang hiển hiện ở hấu khắp các kết quả của ngành y tế từ dự phòng đến điều trị.
Trong nhiều thập kỷ vừa qua, Việt nam đã có nhiều kinh nghiệm đối phó với những dịch bệnh mới nổi như Hội chứng hô hấp cấp SARS, cúm gia cầm A (H5N1) và cúm đại dịch A (H1N1)… Y tế công cộng cũng in dấu trong việc thành lập các Trung tâm điều hành khẩn cấp để điều phối các hoạt động quốc gia đáp ứng với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp.
Mặc dù vậy, ngành y tế đang đứng trước nhiều thách thức về nguy cơ gia tăng các bệnh không lây nhiễm, và các bệnh mới nổi, xu hướng già hóa dân số, các vấn đề sức khỏe liên quan đến biến đổi khí hậu, các nguy cơ do thói quen, hành vi đem lại như rượu, bia, thuốc lá, các hành vi, lối sống không lành mạnh, tình trang mất an toàn thực phẩm...
Trong khi đó, hệ thống y tế của chúng ta chưa thực sự được chuẩn bị tốt để đối phó với các vấn đề này, tình trạng bất công bằng về chăm sóc sức khỏe giữa các nhóm dân cư, các thành phần xã hội còn đó. Vì vậy, theo GS.TS Nguyễn Công Khẩn (Bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm, Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế), y tế công cộng trong thời gian tới phải được phát triển theo hướng phối hợp liên ngành có hiệu quả, tránh “hàn lâm y tế độc quyền” như hiện nay. Có nghĩa, y tế công cộng không chỉ còn bó hẹp trong ngành y tế mà phải được sự tham gia của các ngành khác như tài chính, các nhà hoạch định chính sách, giáo dục và đào tạo. Ông đặc biệt nhấn mạnh loại hình giáo dục “Liên chuyên ngành và xuyên chuyên ngành” - mô hình thích hợp đối với những nước có thu nhập thấp như tại Việt Nam để nhằm tạo ra được những bác sĩ đa khoa hình thành những bác sĩ gia đình trong tương lai.