Yên Bái: Đón nhận bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý và nâng cao giá trị nông sản đặc trưng của huyện Văn Chấn

T.D 27/11/2022 05:56

Ngày 26/11, tại xã Suối Giàng, UBND huyện Văn Chấn (Yên Bái) tổ chức lễ đón nhận văn bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “Chè Shan tuyết Suối Giàng Văn Chấn”, chỉ dẫn địa lý “Cam Văn Chấn” và nhãn hiệu tập thể “Mật ong Văn Chấn”.

Huyện Văn Chấn vinh dự được đón nhận văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Chè Shan tuyết Suối Giàng Văn Chấn”, chỉ dẫn địa lý “Cam Văn Chấn” và nhãn hiệu tập thể “Mật ong Văn Chấn”. Ảnh: Tuấn Anh.

Nhãn hiệu cam Văn Chấn được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận theo Quyết định số 5345/QĐ-SHTT ngày 4/11/2022; nhãn hiệu chè Shan tuyết Suối Giàng Văn Chấn được cấp giấy chứng nhận theo Quyết định số 5346 Đ-SHTT, ngày 4/11/2022; nhãn hiệu tập thể mật ong Văn Chấn được cấp giấy chứng nhận theo Quyết định số 88330/QĐ-SHTT ngày 17/11/2021.

Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn Đặng Duy Hiển cho biết, việc đón nhận văn bằng Chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm "Cam Văn Chấn", “Chè Shan tuyết Suối Giàng Văn Chấn” và nhãn hiệu tập thể “Mật ong Văn Chấn” nhằm quản lý tốt hơn chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Đây là tiền đề rất quan trọng để sản phẩm chè Suối Giàng, sản phẩm cam và mật ong Văn Chấn tiếp tục khẳng định vị thế, hình ảnh, giá trị của mình trên thị trường trong nước cũng như thị trường khu vực và thế giới.

Trong nhóm các sản phẩm đặc thù, cam Văn Chấn được biết đến với mẫu mã đẹp, vỏ mỏng, tỷ lệ sơ thấp, ít hạt... từ lâu đã tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường. Hiện huyện Văn Chấn có khoảng 2.000 ha cam, sản lượng đạt 10.000 tấn/ năm. Xác định chất lượng sản phẩm là yếu tố quan trọng trong việc giữ vững thương hiệu "Cam Văn Chấn”, người trồng cam ở địa phương đã quan tâm tới quy trình chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, đưa ra thị trường các sản phẩm cam sạch, đảm bảo không có dư lượng thuốc trừ sâu.

Quả cam V2 Văn Chấn.

Cùng với các sản phẩm cam tại địa phương, huyện Văn Chấn cũng đang củng cố thương hiệu, tạo chỗ đứng vững chắc cho sản phẩm chè Shan tuyết của địa phương. Qua rà soát, hiện nay, huyện Văn Chấn có khoảng hơn 80.000 cây chè Shan tuyết có trên 200 tuổi, có những cây trên 300 năm tuổi...

Trong đó, quần thể 500 cây chè Shan tuyết cổ thụ ở Suối Giàng và thôn Giàng Pằng của xã Sùng Đô được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản Việt Nam. Các sản phẩm chè Shan tuyết được chế biến có chất lượng vượt trội và các đặc tính này được tạo nên bởi hàng loạt các yếu tố về đặc thù, lịch sử phát triển, tập quán canh tác và quan trọng là điều kiện về địa hình, khí hậu.

Thời gian vừa qua, huyện Văn Chấn cũng phối hợp mở các lớp tập huấn, thiết kế nhận diện, công cụ, máy móc hỗ trợ truy xuất nguồn gốc QR Code, Website quảng bá và giới thiệu các sản phẩm được bảo hộ trên các sàn thương mại điện tử. Sau khi sản phẩm được gắn logo và mang nhãn hiệu riêng biệt, dễ nhận biết đã khẳng định được chất lượng, nguồn gốc và thương hiệu của sản phẩm.

Với việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ - chỉ dẫn địa lý cũng đã giúp các hộ làm nông nghiệp, các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất trên địa bàn nỗ lực tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu.

Cùng với các sản phẩm bảo hộ chỉ dẫn địa lý đã được cấp trước đó là Nếp Tú Lệ, ba ba gai... thì chè Shan tuyết Suối Giàng và cam Văn Chấn vừa được công nhận đã tạo sản phẩm đa dạng của nông dân trong sản xuất nông nghiệp miền núi Văn Chấn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Yên Bái: Đón nhận bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý và nâng cao giá trị nông sản đặc trưng của huyện Văn Chấn