Trong thời gian dài, do chính quyền địa phương buông lỏng quản lý nên người dân đã tự ý chuyển đổi trái phép hàng chục nghìn mét vuông đất nông nghiệp tại xã Đồng Văn và Trung Nguyên (huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) để xây dựng nhà xưởng. Ngành chức năng địa phương thì cho rằng, người dân lợi dụng đêm tối để vi phạm, vậy trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương ở đâu?
Các nhà xưởng, bãi tập kết hàng hóa “mọc” trái phép trên đất nông nghiệp tại xã Đồng Văn và Trung Nguyên.
Vi phạm tràn lan
Theo quan sát, dải đất nông nghiệp dọc tuyến đường Tỉnh lộ 303, Quốc lộ 2A, 2C… qua địa phận xã Đồng Văn và Trung Nguyên “mọc lên” hàng trăm nhà xưởng, bến bãi tập kết hàng hóa trái phép. Theo người dân, tình trạng vi phạm trên xảy ra trong thời gian dài và ngày càng tràn lan, nhưng chính quyền không vào cuộc xử lý khiến nhân dân địa phương bất bình.
Lý giải về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Mười- Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Văn thừa nhận, có gần 200 hộ dân san lấp và xây dựng nhà xưởng trên hơn 12 ha đất nông nghiệp trên địa bàn xã. “Tại xã Đồng Văn có khoảng 12ha đất nông nghiệp sử dụng sai mục đích tại hai bên đường Quốc lộ 2A và 2C, do người dân xây dựng nhà xưởng, tập kết phế liệu trên đất nông nghiệp. Các sai phạm này diễn ra từ lâu và đầu năm 2017 có nhiều hộ dân tiếp tục sử dụng sai mục đích đất nông nghiệp, họ san lấp làm bãi tập kết hàng hóa ”- ông Nguyễn Văn Mười cho biết.
Về nguyên nhân dẫn đến sai phạm, ông Mười cho rằng, một trong nguyên nhân dẫn đến việc người dân sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích là do chậm hoàn thành “Dự án khu nhà ở dịch vụ và Cụm công nghiệp làng nghề xã Đồng Văn” do Công ty Quảng Lợi làm chủ đầu tư. Dự án Cụm công nghiệp làng nghề xã Đồng Văn triển khai gần 10 năm nay, đến nay chưa xong, người dân không có đất dịch vụ để kinh doanh.
Theo Báo cáo số 82/BC-UBND ngày 14/7/2017 của UBND xã Đồng Văn về kết quả rà soát, thống kê các trường hợp vi phạm về đất đai đến ngày 30-6-2017 trên địa bàn xã có: 103 trường hợp vi phạm về đất đai; 74 trường hợp lấn chiếm hành lang giao thông; xử lý vi phạm hành chính 35 trường hợp; cưỡng chế tháo dỡ 22 trường hợp vi phạm.
Khảo sát tại xã Trung Nguyên, chúng tôi nhận thấy tình trạng sử dụng đất nông nghiệp trái mục đích diễn ra phức tạp không kém, dưới nhiều hình thức san lấp làm bãi tập kết phế liệu và xây dựng nhà xưởng.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Đường Vinh Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Trung Nguyên cũng thừa nhận, tình trạng sử dụng sai mục đích nông nghiệp tại xã diễn ra rất lâu nhưng không được xử lý dứt điểm. “Trách nhiệm chính là của Chủ tịch UBND các cấp, khi để xảy ra tình trạng đất nông nghiệp sử dụng không đúng mục đích” - ông Đường Vinh Dũng khẳng định.
Cũng theo Báo cáo của UBND xã Trung Nguyên, trong hơn 10 năm nay, trên địa bàn xã có hơn 27.000 m2 đất nông nghiệp bị sử dụng trái mục đích. Trong đó, tập trung nhiều ở các thôn Trung Nguyên, thôn Lạc Trung và thôn Lỗ Quynh.
Trách nhiệm của chính quyền ở đâu?
Liên quan đến việc xử lý vi phạm trong việc sử dụng đất nông nghiệp trái mục đích tại các xã Đồng Văn và Trung Nguyên, ông Nguyễn Chí Thiết - Trưởng phòng TN&MT huyện Yên Lạc thừa nhận, thực tế, tại các xã Trung Nguyên và Đồng Văn có diễn ra tình trạng sử dụng đất nông nghiệp trái mục đích.
“Theo báo cáo của các xã Đồng Văn và Trung Nguyên, việc sử dụng trái mục đích đất nông nghiệp diễn ra từ lâu, người dân tranh thủ đêm tối đổ đất, san lấp đất nông nghiệp. Các xã có biện pháp xử lý vi phạm, cưỡng chế. Cái khó là, cưỡng chế xúc đất lên đổ đi đâu. Còn dân vi phạm hành chính, họ chấp nhận nộp phạt” - ông Nguyễn Chí Thiết lý giải.
Theo ông Thiết cho biết, Phòng TN&MT huyện xây dựng kế hoạch, kiểm tra rà soát, phân loại khu vực vi phạm sử dụng đất nông nghiệp trái mục đích. Đồng thời khoanh vùng, dừng triệt để không phát sinh diện tích đất nông nghiệp bị san lấp trái phép. Ngoài ra, huyện Yên Lạc có văn bản đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất thương mại dịch vụ tại các xã Trung Nguyên, Đồng Văn với tổng diện tích hơn 40 ha. Trong đó có phần lớn diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng sai mục đích.
Ngày 13/7/2017, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành văn bản nêu rõ: “Chỉ xem xét, điều chỉnh quy hoạch xây dựng để bố trí quỹ đất thương mại dịch vụ đối với các vị trí được quy hoạch là đất công trình công cộng thương mại dịch vụ, đất ở thấp tầng, theo các đồ án quy hoạch phân khu đã được phê duyệt và đảm bảo không phá vỡ quy hoạch được duyệt…”.
Rõ ràng việc hàng chục nghìn mét vuông đất nông nghiệp tại các xã Đồng Văn và Trung Nguyên bị “hô biến” trái phép thành nhà xưởng, bãi tập kết hàng hóa thể hiện sự buông lỏng quản lý đất đai của chính quyền sở tại. Vậy trách nhiệm của chính quyền và các ngành chức năng địa phương đến đâu, rất cần câu trả lời thỏa đáng từ huyện Yên Lạc và tỉnh Vĩnh Phúc.