Ngày 13/12, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD), Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (VACR) phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức đối thoại “Thúc đẩy sự tham gia của trẻ em và các bên liên quan trong chấm dứt các hình thức trừng phạt thể chất tinh thần trẻ em”. Sự kiện nằm trong chuỗi chiến dịch “Lan tỏa yêu thương 2019 - Yêu thương đẩy lùi bạo lực”.
Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai.
Tình hình phức tạp
Theo số liệu từ UNICEF cung cấp, có 68,4% trẻ em Việt Nam từng bị cha mẹ, người chăm sóc dùng bạo lực tại nhà, xếp thứ 27 trên 75 quốc gia. Bạo lực học đường diễn ra ngày càng nhiều, học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học, thầy cô giáo cũng có những hành vi bạo lực với trẻ em. Số liệu từ Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 cũng đưa ra thông tin , trong 14 năm đã có 3 triệu cuộc gọi cần tư vấn. Tổng đài đã can thiệp cho gần 4.000 trường hợp trẻ em bị xâm hại về quyền… Trong số này, có 1.366 trẻ em bị bạo lực (chiếm 37,8%). Rất nhiều trong số đó là nạn nhân của trừng phạt thể chất, tinh thần tại gia đình và trong nhà trường.
Những con số nêu trên cho thấy, tình hình trừng phạt thể chất tinh thần trẻ em tại Việt Nam là rất đáng quan ngại. Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế của các thành viên Mạng quản trị quyền trẻ em, được đưa ra tại buổi đối thoại còn thể hiện sự phức tạp hơn nhiều. Một số chuyên gia tại đây đã khẳng định rằng: Ở Việt Nam, hình thức trừng phạt thể chất, tinh thần không được báo cáo là rất phổ biến. Chẳng hạn như kết quả khảo sát về các vấn đề bảo vệ trẻ em nổi cộm tại 1 xã ở miền Bắc do MSD thực hiện vào tháng 8/2018. Kết quả phát vấn trẻ em cho thấy có 94/123 em (chiếm 77% trong tổng số trẻ em tham gia khảo sát) khẳng định các em đang phải chịu một số loại hình bạo lực tại gia đình như bị cha mẹ, người lớn trong nhà quát mắng, đánh đòn; 100% trẻ em nam tham gia thảo luận nhóm khẳng định các em bị đánh tại gia đình và nhà bằng các vật dụng như thước kẻ, thắt lung, dây điện, chổi, gậy…; Kết quả thảo luận nhóm phụ huynh cho thấy, chủ yếu trẻ em trai phải chịu các hình thức kỷ luật như bị bố mẹ đánh mắng, tát…
Tại buổi đối thoại, các đại biểu cũng đồng tình, trẻ em khuyết tật là đối tượng rất dễ trở thành nạn nhân bị xâm hại, bạo lực, đặc biệt là trẻ khuyết tật trí tuệ. Bởi các em còn có hạn chế về nhận thức và hành vi nên gặp khó khăn trong việc lên tiếng tự bảo vệ bản thân khi trở thành nạn nhân bạo lực và xâm hại. Trẻ tự kỉ gặp khó khăn trong vấn đề hòa nhập, giao tiếp. Trẻ là người dân tộc thiểu số còn bị phân biệt đối xử, dễ bị dùng ngôn từ mang tính miệt thị, xúc phạm…
Tìm giải pháp giáo dục tích cực
Điểm đặc biệt trong đối thoại là sự góp mặt của nhiều học sinh đến từ các tỉnh, thành trên cả nước. Em Phạm Tú Hoa, học sinh Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu cho biết, niềm mong muốn của em là bố mẹ có thể thấu hiểu con cái của mình: “Chúng con biết bố mẹ có những áp lực trong cuộc sống, trong công việc. Bố mẹ luôn mong chúng con phải thật giỏi, phải hơn bạn này hoặc bằng bạn kia. Nhưng khi bố mẹ đặt mục tiêu cho chúng con quá lớn với thực tế thì chúng con sẽ không thể nào thực hiện được. Mong rằng, bố mẹ sẽ luôn thấu hiểu được các con, cho chúng con được sống trong một môi trường không có sự trừng phạt thể chất, tinh thần”.
Tại đây, các em học sinh đã gửi đến những người lớn thông điệp: Hãy giáo dục trẻ em bằng yêu thương; Dạy trẻ không dọa trẻ; và Trẻ nên người không phải bởi đòn roi. Bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em nhận định: Đây đều là những thông điệp ấn tượng, và là nguồn tham khảo thiết thực cho Cục Trẻ em trong thời gian tới để xây dựng chính sách pháp luật và các chương trình hỗ trợ bảo vệ trẻ em”.
Để góp phần chấm dứt các hình thức trừng phạt này, buổi đối thoại đã tổng kết nhiều khuyến nghị gửi tới các cơ quan nhà nước; nhà trường, giáo viên; phụ huynh, người chăm sóc trẻ; trẻ em…
Đối với các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ trẻ em cần hoàn thiện chính sách pháp luật trên cơ sở định nghĩa rõ ràng các hình thức bạo lực trẻ em, bao gồm các hình thức trừng phạt thể chất tinh thần, theo hướng ghi rõ “cấm tất cả các hình thức trừng phạt thể chất tinh thần trẻ em dưới mọi hình thức, mọi cấp độ” và có chế tài xử phạt mạnh; Hỏi ý kiến trẻ trong các vụ việc quyền trẻ em bị xâm hại mà trẻ trực tiếp là nạn nhân… Với phụ huynh, người chăm sóc trẻ, quan trọng nhất là nâng cao nhận thức. Đồng thời có hình thức truyền tải tới phụ huynh về các giải pháp giáo dục, kỷ luật tích cực để phát triển toàn diện cho trẻ…
Bản thân mỗi trẻ em cũng cần nhận thức và thực hành quyền và bổn phận của mình; Tham gia tích cực trong phòng chống trừng phạt thể chất tinh thần trẻ em; Học tập các kỹ năng an toàn và kêu gọi sự hỗ trợ từ gia đình, nhà trường hoặc Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, các cơ quan chức năng liên quan khi phát hiện hoặc là nạn nhân của các hình thức trừng phạt thể chất tinh thần…