Yêu thương trên đất Mỹ

Thanh Hoa 13/12/2015 09:10

Chúng tôi đến sân bay Washington D.C vào buổi chiều chuyển gió, mưa và rét. Đoàn chúng tôi bốn người đều là anh em ruột trong gia đình sang Mỹ dự cưới con cả cậu út. Sau khi làm thủ tục an ninh cực chặt chẽ, đoàn ra cửa sân bay, nhìn thấy em tôi nét mặt rạng rỡ ôm bó hoa hồng rất đẹp chạy ra đón. Mấy anh chị lần lượt ôm em vào lòng, tình ruột thịt tan trong huyết quản mỗi người.

Gia đình tại Tháp bút chì, Washington DC.

Thật hiếm khi gia đình được tái ngộ trên mảnh đất cách quê hương đến nửa vòng trái đất. Nhà của em tôi ở trong một khu dân cư thuộc ngoại ô Washington D.C, cách sân bay chừng nửa tiếng, hai bên đường là hàng cây đều tăm tắp, lá các cây đã ngả vàng, đỏ trông rất đẹp, các nhà cách nhau mấy chục mét.

Nhà ở đây thường xây trên các quả đồi uốn lượn cao hơn mặt đường, rất nhiều nhà thấp tầng, bên dưới là tầng thứ 2 to và đẹp. Tôi cứ nghĩ lệch múi giờ, lạ nhà đêm mất ngủ nên chuẩn bị thuốc ngủ đi theo, nhưng khí hậu ở đây thật tốt, nên tôi ngủ lúc nào không biết, chẳng mộng mị gì. Sáng dậy người khỏe, ra sân sau nhà cảnh đẹp như tranh.

Cây sau nhà thẳng tắp dễ chừng 100 năm, lá vàng xộm, sau hàng cây là hồ, thỉnh thoảng các chú sóc, hươu đến thăm. Chúng dạn dĩ với người, em tôi nói ở Mỹ người ta bảo vệ thiên nhiên, coi thiên nhiên như nguồn sống của từng người, từng tế bào gia đình. Họ rất yêu súc vật, đặc biệt là những con vật nuôi.

Sáng hôm đó em tôi nói trời hơi mưa nên chưa đi thăm quan thủ đô ngay mà đưa cả nhà đi dự khóa lễ ở một ngôi chùa cách nhà chừng 15 phút do một số gia đình Việt kiều Mỹ công đức xây dựng. Chùa xây giản dị, theo kiểu truyền thống Việt Nam, rất đẹp, sạch sẽ, thanh tịnh. Đến đây mới thấy hình ảnh thu nhỏ của nước Mỹ.

Người đến chùa là cư dân Mỹ trong vùng có gốc gác từ Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Hà Lan... Họ đều nghiêm túc thực hành nghi lễ, nghe thầy thuyết giảng Đạo Phật. Trưa đến mọi người dự trai tịnh tại chùa. Em tôi chia sẻ, riêng vùng này có cả chục cơ sở chùa và tịnh xá dành cho bà con theo Đạo Phật tới học đạo và sinh hoạt tín ngưỡng, tập luyện yoga.

Sau khi dự bữa trưa chay tịnh cùng các phật tử và ban tổ chức, chúng tôi ghé thăm Tyson Corner Shopping Center ở gần đó. Siêu thị ở đây được xây dựng theo hệ thống, trên khu đất vài chục ha bao gồm hàng trăm hãng thời trang các loại tụ hợp lại. Các hãng luôn có chương trình khuyến mại, thời gian giảm giá cũng theo mùa hay ngày lễ, chất lượng hàng giảm giá là những mặt hàng tốt, chứ không phải giảm giá do ế thừa hàng tồn kho hay tăng giá cao ngất rồi giảm để chiêu dụ khách mua.

Ở Mỹ có hiệp hội người tiêu dùng có uy tín, có tiếng nói với các cơ quan quản lý. Các chủ siêu thị có những quy định rõ ràng và nghiêm minh trong thực thi nên người tiêu dùng được bảo vệ. Hàng mua thoải mái, mua về không thích trong vòng một tháng đem trả, không gặp bất cứ phản ứng nào của người bán hàng. Văn hóa xếp hàng của người Mỹ thể hiện tinh thần vì cộng đồng và nhẫn nhịn rất tốt.

Người Mỹ ít dùng tiền mặt, phần lớn trả tiền bằng cách quẹt thẻ Credit Card. Bạn đừng lo bị giật điện thoại, mất trộm, móc túi ở Mỹ, không phải là không có tệ nạn này nhưng nó rất hãn hữu và chưa bao giờ thấy xảy ra ở những chốn công cộng văn minh. Hàng hóa cực kỳ đa dạng, đặc biệt xuất xứ hàng hóa phần lớn đến từ nước đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia... Tôi rất vui khi thấy có nhiều mặt hàng quần áo có tem Made in Vietnam cũng được bán tại các siêu thị Mỹ, tất nhiên là theo tiêu chuẩn và chất lượng Mỹ.

Washington D.C, thủ đô của Hoa Kỳ và trụ sở của chính phủ liên bang, nằm trên bờ đông nước Mỹ. Một thành phố quốc tế hội tụ nhiều nền văn hóa đa dạng, chúng tôi đi thăm nhiều điểm mang tính biểu tượng: Nhà Trắng, Nhà Quốc hội Capitol Hill, Tòa án Tối cao, Tháp Bút chì Washington Monument, các Đài tưởng niệm Lincoln, Roosevelt, Martin Lutherking, Công viên National Mall, các viện bảo tàng, các trường đại học,... chỗ nào cũng đẹp và sạch. Chính ý thức người bản xứ khiến các du khách không dám làm những điều mà nếu làm sẽ nhận được cái nhìn ngạc nhiên khiến cảm thấy bối rối vì sự thiếu tôn trọng luật lệ.

Chúng tôi rất ấn tượng khi thăm quan Đại học Georgetown cổ kính nằm trên đỉnh đồi gần sông Potomac. Đây cũng là trường cũ của vợ chồng Tổng thống Clinton. Trường này có kiến trúc cổ kính như một nhà thờ lớn, phong cảnh lãng mạn, yên bình. Chúng tôi cũng đến thăm Đại học George Wasington, là đại học lớn nhất ở Washington D.C (trên 50.000 sinh viên), được thành lập từ năm 1821, nằm cách Nhà Trắng chưa đầy 1 km.

Chúng tôi thật bất ngờ khi thấy đường đi được lát gạch màu đỏ trên đó có tên của các học viên tốt nghiệp, có một viên gạch mang tên “Hai Trinh MBA 1999”. Cái tên của em tôi sẽ được lưu giữ mãi mãi tại nơi đây, qua nhiều thế hệ. Chúng tôi thực sự hạnh phúc và tự hào vì cậu em út nghịch ngợm mải chơi đã vươn lên dành được học bổng Fulbright, tốt nghiệp một đại học danh tiếng và biết góp sức tuy nhỏ nhưng ý nghĩa cho mối quan hệ thương mại và những hoạt động giao lưu Việt-Mỹ.

Chúng tôi đi Boston bằng xe buýt. Đoàn đến sân ga xe buýt Boston trời đã sáng. Đón đoàn là Minh, một cô gái Hà Nội đã tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nhưng không theo nghề báo mà sang đây du học một ngành khác. Minh theo học 2 năm và sống cùng em trai cũng sang du học. Bố mẹ Minh là bác sỹ tim mạch tại Bệnh viện 108. Người Minh nhỏ nhắn, trắng trẻo, thời trang, lái xe thành thạo và rất lễ phép.

Minh đưa chúng tôi đến quán phở Lê. Một bát phở có giá 11 USD cộng tiền tip bằng 10-15% giá trị hóa đơn cho người phục vụ, tính tiền Việt thấy quá đắt, khoảng gần 300.000 đồng 1 bát phở bình dân.

Minh cho biết cô ở trong Hiệp hội sinh viên, thường giúp đỡ các học sinh Việt Nam sang du học. Cô đi làm thêm để giúp đỡ bố mẹ phần nào và chăm sóc cậu em thay mẹ, nên không có nhiều thời gian cho riêng mình. Hiện cô và em thuê một căn nhà, ở không hết cho thuê lại, chi phí ăn ở cho một du học sinh là khoảng 500 USD/tháng.

Chúng tôi thuê một căn hộ trong ngôi nhà mang dáng dấp biệt thự. Điểm khác với Việt Nam là người thuê không hề biết mặt chủ, trả tiền thuê nhà bằng thẻ tín dụng tại Việt Nam, đến lấy chìa khóa đặt tại cửa, đi cũng trả chìa khóa như vậy. Tất cả tự giác, nhà đầy đủ trang thiết bị, kể cả trang thiết bị bếp ăn, dụng cụ nấu nướng, tiện cho gia đình đi du lịch muốn tiết kiệm chi phí. Đây là mô hình phổ biến tại Mỹ, giá cả rẻ hơn khách sạn, rộng rãi thoải mái sạch đẹp.

Boston là thành phố nối đất liền bằng eo đất hẹp, bao quanh vịnh Massachusetts và những đầm lầy tại cửa sông Charles. Dọc theo bờ biển hẹp này, hơn 20% dân số nước Mỹ sống tại các miền quê hiền hòa xinh đẹp với những ngọn đồi nhấp nhô uốn lượn. Trong nội đô thành phố những tòa nhà hiện đại cao chót vót và những ngôi biệt thự cổ xen lẫn trong một không gian tuyệt đẹp mà thiên nhiên ban tặng cho thành phố. Một thảm lá phong vàng đỏ mênh mông. Lá vàng rơi trên vách những ngôi nhà, trên lối đi, trên mặt hồ tạo nên nhiều sắc màu xen kẽ.

Chúng tôi đi thăm Trường Đại học Harvard danh tiếng, một ngôi trường trong 64 trường cổ nhất nước Mỹ. Nơi đây là niềm hãnh diện của các sinh viên theo học mà danh tiếng và chất lượng giảng dạy không ai phủ nhận. Nhờ có Sinh, chúng tôi được vào thăm thư viện của trường. Không khí trang nghiêm, im lặng, sinh viên học tập, nghiên cứu cực kỳ nghiêm túc.

Thư viện trường do một người mẹ có con học ở trường xây dựng, để tưởng nhớ đứa con yêu thương của mình chết trong vụ đắm tàu Titanic. Hiện bàn thờ cùng tấm ảnh của cậu được đặt ngay sảnh vào của thư viện. Buổi tối ở Boston, trăng non quyện hơi lạnh mùa thu khiến không khí trở nên lãng mạn.

Tạm biệt Boston, chúng tôi quay về New York, đến thẳng Quảng trường Thời đại. New York được mệnh danh là thành phố không bao giờ ngủ. Thành phố nổi tiếng với các tòa nhà chọc trời với các điểm tham quan nổi tiếng. Đến New York mới thấy có rác ở các con phố nhỏ. Tại các đại lộ lớn là dòng người hối hả đi trên vỉa hè. Người da đen, da vàng, da trắng, người giàu, người nghèo không thể phân biệt, vì chẳng ai để ý đến trang phục của ai. Họ tôn trọng phong cách của nhau, không phân biệt đối xử, vì thế các gương mặt đều toát lên sự tự tin, với lo toan đời thường của mình.

Sau nhiều ngày chờ đợi, đám cưới cháu tôi được diễn ra. Cô dâu là người Mỹ gốc Ý, nên dong dỏng cao giống con gái châu Á, các nét rất xinh đẹp. Mặc dù không biết tiếng Việt, nhưng ngày đầu gặp, cô dâu đã ôm từng bác và chào đúng tên các bác bằng tiếng Việt tương đối sõi. Chú rể rất cảm động khi thấy các bác đi nửa vòng trái đất dự đám cưới của mình. Đám cưới được tổ chức tại nhà thờ Annunciation Catholic ở Altamonte Springs, ngoại ô Orlando.

Tiếng nhạc thánh ca hòa với giọng hát cao vút trong trẻo, ấm áp du dương, khiến không khí trong nhà thờ thiêng liêng. Đoàn phù rể bước vào cùng chú rể. Theo phong tục bên Mỹ, đám cưới sang trọng có 5 phù rể và 5 phù dâu. Cha xứ làm lễ, ông thuyết giảng về ý nghĩa hôn nhân, về chuyện tình của chú rể và cô dâu do duyên hợp mà thành, dặn dò cặp trẻ biết sống có trái tim yêu thương, có trách nhiệm. Sau đó là lễ trao nhẫn, cô dâu chú rể trao nhẫn cho nhau kết thúc bằng một nụ hôn.

Khi chúng tôi về Washington D.C, trên đường có ghé thăm Thành phố Savannah nổi tiếng xinh đẹp và thơ mộng ở Bang Georgia. Thành phố này được biết đến trong phim “Cuốn theo chiều gió” nổi tiếng thế giới. Đây là một thành phố cổ kính bên sông Savannah với những biệt thự và đường phố lãng mạn bởi những rặng sồi rủ bóng, cứ 300 mét lại có một công viên nhỏ, đẹp…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Yêu thương trên đất Mỹ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO