Một xã hội phát triển không chỉ là xã hội có sự tăng trưởng trong kinh tế mà còn là một xã hội có tinh thần đoàn kết, con người sống hòa hợp trong sự sẻ chia và yêu thương. Thượng tọa Thích Chân Quang - Phó Trưởng ban Kinh tế tài chính Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã bày tỏ như vậy trong cuộc trao đổi với Tinh hoa Việt.
PV:Thưa Thượng tọa, Thượng tọa nhận định như thế nào về vai trò của đoàn kết dân tộc?
Thượng tọa Thích Chân Quang: Đoàn kết nghĩa là thương nhau và hỗ trợ nhau từ cộng đồng nhỏ cho đến cộng đồng lớn. Trong một đất nước mà con người có lòng yêu Tổ quốc, thương đồng bào, thì đất nước đó được gọi là có sự đoàn kết dân tộc. Tuy nhiên, đôi khi người ta lại chỉ thương yêu trong phạm vi hẹp là gia đình ruột thịt, ít khi mở rộng ra láng giềng hay các cộng đồng lớn hơn như các cơ quan đoàn thể chứ chưa nói đến phạm vi đất nước. Vì sao vậy? Vì những người đó hay bị chia rẽ bởi lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, lợi ích vật chất. Sự chi phối của lợi ích vật chất rất mạnh và đây là thử thách rất lớn về đạo đức.
Do đó, để có thể xây dựng được khối đại đoàn kết toàn dân thì ta phải xây dựng đạo đức cho mỗi cá nhân. Đó là tình thương và sự hỗ trợ cụ thể và thực tế, để cho ai cũng thấy rằng mình được thương yêu, được sẻ chia. Từ đó họ thấy được mình cũng phải có trách nhiệm thương yêu và hỗ trợ cho người khác. Những điều tốt đẹp này khi lan tỏa dần trong cộng đồng sẽ biến thành tình đoàn kết dân tộc. Nhưng phải có những người tiên phong, làm gương để mọi người noi theo.
Bên cạnh đó, pháp luật phải vào cuộc, các cơ quan chức năng phải can thiệp, xử lý nghiêm những đối tượng gieo rắc các quan điểm chia rẽ, tư tưởng cục bộ, đi ngược lại chủ trương xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước ta.
Như vậy, song song với việc dùng pháp luật để nghiêm trị những đối tượng gây chia rẽ thì chúng ta phải xây đắp tình thương yêu hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng, bắt đầu từ từng con người, từng cá nhân. Lấy đó làm tấm gương để xây dựng tinh thần thương yêu chung đồng cho cả đất nước thì khối đoàn kết dân tộc mới hình thành.
Đoàn kết là truyền thống quý báu của dân tộc ta và ngày càng được phát huy, thưa Thượng tọa?
- Trong thời đại hội nhập hiện nay, sự phát triển của khoa học công nghệ đã làm cho thế giới trở nên nhỏ lại và sự giao thoa đan xen giữa các quốc gia về chính trị, kinh tế, văn hóa diễn ra như một xu thế tất yếu. Trong xu thế này, chúng ta hội nhập bằng cách đóng góp, cống hiến cho thế giới nhưng không làm tan biến mình giữa thế giới. Phải vững vàng trước ảnh hưởng của thế giới vì nếu không, chúng ta sẽ đánh mất bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp.
Vì vậy, để có thể bước vào hội nhập và chúng ta có thể đóng góp một cách xứng đáng cho thế giới nhưng vẫn không tự đánh mất mình, thì ta cần tinh thần đoàn kết dân tộc hơn bao giờ hết. Để bảo vệ tinh thần đoàn kết dân tộc, ta phải xây dựng tình yêu thương và sự hỗ trợ lẫn nhau, từ đó cống hiến cho thế giới những tấm gương đạo đức đoàn kết. Những điểm son văn hóa phải được bảo vệ giữ gìn kỹ lưỡng để làm cái hay, cái đẹp cho thế giới nể phục và học tập.
Để tư tưởng đoàn kết thiết thực, chúng ta cần làm gì, thưa Thượng tọa?
-Trước hết, ta phải giáo dục đạo đức có chiều sâu. Hai chữ đoàn kết sẽ là vô nghĩa nếu nó không bắt nguồn từ chiều sâu của đạo đức. Ta không thể nói là có sự đoàn kết nếu chưa thực sự yêu thương ai, chưa thực sự giúp đỡ ai điều gì. Và sự đạo đức yêu thương hỗ trợ này phải được xây dựng từ tất cả các cơ quan ban ngành, trước hết là Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiên phong làm gương. Sau đó, tất cả các cơ quan đoàn thể cũng phải làm cho bằng được. Sự giáo dục phải đi từ cấp rất nhỏ là từ trong gia đình rồi đến xóm làng, trường học, cho tới các cơ quan, đoàn thể, đoàn thanh niên, rồi cho tới Đảng viên.
Thứ hai, ta phải biểu dương, khen thưởng những người biết yêu thương, hỗ trợ cho đồng nghiệp, đồng đội, đồng chí vì đó là biểu hiện của sự đoàn kết. Sự tuyên dương thích đáng sẽ giúp lan rộng tinh thần đoàn kết từ cộng đồng nhỏ đến cộng đồng lớn và cho đến cả đất nước.
Thứ ba là ta phải đưa ra những quy định pháp luật nghiêm cấm việc chia rẽ, kết bè phái và rà soát trên mạng xã hội những nguồn dư luận gây chia rẽ các cộng đồng dân tộc, giữa tôn giáo này với tôn giáo kia, giữa sắc tộc này với sắc tộc kia, giữa thành phần này với thành phần kia. Ta phải truy tìm tận nơi, truy quét tận gốc để không cho các thế lực xấu gây chia rẽ phá hoại tinh thần đoàn kết dân tộc. Nếu ta không chặn đứng được bọn chúng là ta thất bại. Đây là cả một cuộc chiến tranh, cả một mặt trận lớn.
Xây dựng khối Đại đoàn kết như thế nào nếu những khoảng cách trong xã hội ngày càng lớn, thưa Thượng tọa?
- Ta không bao giờ có thể san bằng được khoảng cách xã hội vì nếu vậy thì con người sẽ không còn động cơ phấn đấu. Ta phải chấp nhận sự khác biệt này như một điều đương nhiên, nhưng trong sự khác biệt đó, ta hỗ trợ bằng cách xây dựng tình yêu thương, sự đùm bọc giúp đỡ giữa con người với nhau.
Ví dụ như một ông chủ doanh nghiệp giàu có thì phải biết yêu thương công nhân, hỗ trợ tạo ra công ăn việc làm, hỗ trợ cho đời sống của họ tốt lên. Người công nhân cũng phải hiểu việc lao động của mình không chỉ để mưu sinh mà còn là để đóng góp vào lợi ích chung của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển. Khi người công nhân lao động có năng suất thì ông chủ cũng được lợi ích và ông chủ có nhiều điều kiện hơn để hỗ trợ ngược lại cho người lao động. Đây chính là tinh thần yêu thương đoàn kết, nương tựa và tin cậy lẫn nhau. Do đó, nếu người giàu và người nghèo đều có tinh thần như vậy thì sự khác biệt khoảng cách xã hội không còn là quan trọng nữa.
Còn giữa người có chức vụ và người không có chức vụ thì xã hội nào cũng vậy, phải có người lãnh đạo và người được lãnh đạo. Tuy nhiên, người lãnh đạo do có trách nhiệm quyết định, đôi khi quyết định cả cuộc sống của người khác, nên càng phải là người đạo đức, gương mẫu, chứ không được tùy tiện, cũng không được vì sợ trách nhiệm mà làm khó dân.
Hiện nay, có trường hợp cán bộ sợ trách nhiệm nên cứ dựa vào nguyên tắc cứng nhắc để gây khó khăn cho dân. Phải biết rằng mục tiêu hướng đến là giúp đỡ nhân dân. Nếu người cán bộ, người lãnh đạo hiểu và làm được điều này thì nhân dân sẽ rất thương yêu, tức là chúng ta đang xây dựng tình đoàn kết dân tộc.
Thưa Thượng tọa, các tổ chức tôn giáo giữ vai trò thế nào trong xây dựng khối đoàn kết dân tộc?
- Các tôn giáo đều hướng về đạo đức, đều có đạo lý về sự đoàn kết và các tôn giáo có thể từ đó phát triển thành tinh thần đoàn kết dân tộc. Các tôn giáo, khi đã có quyền lợi về sự tự do phát triển tôn giáo thì cũng đồng thời phải có nghĩa vụ xây dựng sự đoàn kết dân tộc. Tất cả các tu sĩ, giáo sĩ, nên dạy người tín đồ lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết dân tộc. Lòng yêu nước là rất gần gũi, cảm động. Yêu thương tôn giáo cũng đồng thời phải yêu thương đất nước.
Tôi thường nói với các phật tử rằng các tôn giáo tuy khác nhau, nhưng cần hiểu nhau, không phải vì khác nhau mà trở thành cách biệt. Đoàn kết phải chân thành.
Trân trọng cảm ơn Thượng tọa!
Để có thể xây dựng được khối đại đoàn kết toàn dân thì ta phải xây dựng đạo đức cho mỗi cá nhân. Đó là tình thương và sự hỗ trợ cụ thể và thực tế, để cho ai cũng thấy rằng mình được thương yêu, được sẻ chia. Từ đó họ thấy được mình cũng phải có trách nhiệm thương yêu và hỗ trợ cho người khác. Những điều tốt đẹp này khi lan tỏa dần trong cộng đồng sẽ biến thành tình đoàn kết dân tộc. Nhưng phải có những người tiên phong, làm gương để mọi người noi theo.