Hơn 3 năm trước, ngày 16/1/2017, tại Trung tâm sinh hoạt cộng đồng huyện A Lưới, UBND huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên-Huế) phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh này tổ chức Lễ đón Bằng công nhận nghề dệt Zèng của đồng bào Tà Ôi, là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Từ đó tới nay, sản phẩm thủ công truyền thống này của bà con càng được biết đến rộng rãi, cả trong và ngoài nước.
Kỹ thuật chèn cườm trên Zèng.
1. Dệt Zèng là nghề truyền thống có từ lâu đời của người dân tộc Tà Ôi (huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế). Những sản phẩm từ tấm Zèng có giá trị về nhiều mặt, vừa là vật dụng, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt vừa là tác phẩm nghệ thuật, thể hiện nét đặc trưng độc đáo trong kho tàng văn hóa tộc người Tà Ôi.
Theo các nghệ nhân dân gian nghề dệt Zèng thì để tạo nên một tấm Zèng đẹp, ngoài sự chuẩn bị nguyên liệu, bao gồm sợi vải, hạt cườm và lục lạc.. thì rất cần đến đế những bàn tay khéo léo của người phụ nữ Tà Ôi cùng sự nhẹ nhàng uyển chuyển trên khung dệt và sự khéo léo, tỉ mỉ trong việc đính cườm.
Sau ca Huế, nghề dệt Zèng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thứ hai của tỉnh Thừa Thiên-Huế được tôn vinh. Đây là điều kiện thuận lợi để huyện miền núi A Lưới tiếp tục bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị nghề dệt Zèng; đồng thời cũng tạo ra một sản phẩm du lịch, giúp bà con thêm công ăn việc làm, từ đó có thêm thu nhập bảo đảm cuộc sống tốt hơn.
Có thể nói, trong văn hóa của người Tà Ôi, tấm Zèng (thổ cẩm) được coi là thước đo nhiều giá trị trong đời sống. Khung dệt của người Tà Ôi được làm bằng khung tre hoặc gỗ rời, khá đơn giản và gọn nhẹ. Nhờ vậy phụ nữ Tà Ôi có thể mang bộ khung dệt tới bất cứ đâu và dệt bất cứ khi nào thấy thuận tiện.
Vào tháng 9 hàng năm, bà con thu hoạch bông trên rẫy đem về se sợi, sau đó nhuộm và hồ. Những tấm Zèng có các màu chủ yếu: Đen, trắng, vàng, đỏ, xanh lá và tím. Mỗi màu được pha chế từ các loại cây, lá trong thiên nhiên như vỏ và lá cây ta-râm cho màu đen, củ cây a-rác cho màu vàng, màu đỏ lấy từ củ cây a-chất… Tuy nhiên, để sợi vải nhuộm giữ được độ bền màu sắc, đòi hỏi người làm phải có kinh nghiệm lâu năm, sử dụng nhiều loại phụ gia như vỏ ốc đá, bột sắn hoặc bột nếp khô. Kinh nghiệm ấy tích lũy từ nhiều đời, thế hệ trước truyền lạicho thế hệ sau, không bao giờ đứt đoạn. Vì thế kể cả hôm nay khi có rất nhiêu nhiều loại vải thì những tấm Zèng vẫn có giá trị riêng. Để có một sản phẩm Zèng hoàn chỉnh, những người phụ nữ Tà Ôi phải làm việc trong nhiều ngày liền, thậm chí phải mất cả tháng. Nét đặc trưng lớn nhất của thổ cẩm Tà Ôi so với các tộc người khác ở tỉnh Thừa Thiên-Huế là những tấm Zèng dệt có kích thước lớn, và hệ thống hoa văn trang trí đa dạng, phong phú. Vì thế, nhiều nhà văn hóa cho rằng, Zèng của người Tà Ôi tới nay vẫn giữ được nét cổ xưa, kỳ lạ và sự độc đáo. Trong đó nổi bật là kỹ thuật chèn cườm lên Zèng.
Do mỗi cá nhân dệt một tấm Zèng nên mỗi sản phẩm của bà con đều là sự độc đáo, độc bản. Độc đáo là do kỹ thuật cổ xưa truyền lại, nhưng cũng độc đáo bởi các hoa văn, họa tiết trên mỗi tấm Zèng đều có sự khác nhau tương đối. Cùng dựa trên những mô-típ chuẩn xuất phát từ thiên nhiên, nhưng mỗi người lại tạo hình, tạo màu theo cách riêng của mình, cảm xúc riêng của mình cũng như độ khéo léo, tỉ mỉ riêng của mình. Trên một tấm Zèng, có thể thấy tính sáng tạo rất cao của mỗi cá nhân, đó chính là nét độc đáo của loại thổ cẩm này.
Thời trang cách điệu từ Zèng của người Tà Ôi.
2. Dân tộc Tà Ôi chủ yếu sinh sống tại huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị), A Lưới và Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên-Huế). Cộng đồng dân tộc Tà Ôi ở Việt Nam gồm có 3 nhóm: Nhóm Tà Ôi, nhóm Pa Cô và nhóm Pa Hi. Tuy nhiên, các dân tộc Tà Ôi, Bru-Vân Kiều và Cơ tu sống kề cận nhau, có cùng hoàn cảnh lịch sử - xã hội, nên các nét văn hoá càng gần nhau và có thể coi là một cộng đồng tộc người ngôn ngữ - văn hoá.
Nguồn sống chủ yếu của người Tà Ôi là làm rẫy. Riêng người Pa Hi vì sống ở các ngã ba sông vùng chân núi nên có làm ruộng. Người Tà Ôi là cư dân sớm có thu nhập hoa lợi trên vườn, và nhất là có truyền thống chăn nuôi đại gia súc (trâu, lợn, dê, bò…).
Cũng như các dân tộc thiểu số sống trên dải Trường Sơn - Tây Nguyên, làng người Tà Ôi theo kiểu làng tròn, làng phòng thủ, làng hình móng ngựa… Công trình công cộng đều xây dựng giữa làng, nhà dân vây quanh. Nhà ở của người Tà Ôi là loại nhà sàn, riêng người Pa Hi ở nhà đất (có nhà ở riêng và nhà chứa lương thực riêng), nhưng cả nhà sàn và nhà đất đều có mái tròn ở hai đầu hồi nhà và đều có “khau cút”(làm bằng gỗ có hai hình đầu chim cu chéo nhau, tượng trưng cho tình yêu quê hương và tâm tính hiền hoà của dân tộc trên phần mái hồi tiếp giáp với đầu nóc). Đây chính là đặc điểm để phân biệt ngôi nhà của người Tà Ôi với các dân tộc khác cùng ngữ hệ ở vùng này.
Người Tà Ôi có kho tàng sáng tác nghệ thuật dân gian và hệ thống tôn giáo, tín ngưỡng rất đa dạng, phong phú. Người Tà Ôi quan niệm có các thần linh tự nhiên (yang), thần linh của làng (yang sự) và các yang này đều có vật ký thác là những hòn đá có hình thù người hay con vật nào đó, được thờ trong nhà rông (nếu có) hoặc trong ngôi miếu (parong) trong rừng.
Tới nay, cùng với sự phát triển đi lên của đất nước, cuộc sống của đồng bào Tà Ôi cũng có nhiều khởi sắc. Đặc biệt, với sản phẩm dệt Zèng, vừa phát huy, lan tỏa được nét văn hóa truyền thống vừa cũng là nguồn cải thiện đời sống rất tích cực cho bà con.
Du khách quốc tế rất thích thú với sản phẩm Zèng.