Zika - nỗi lo dị tật

Mai Phương 10/04/2016 12:05

Đã có 2 bệnh nhân Việt Nam dương tính với virus Zika, trong đó một phụ nữ đang mang thai 8 tuần. Trước nguy cơ dịch bệnh do virus Zika đang lây lan với tốc độ chóng mặt, thông tin này thực sự gây lo lắng cho người dân, đặc biệt là những thai phụ.

Zika - nỗi lo dị tật

Ảnh minh họa.

Nguy cơ lây lan rất lớn

Sáng 5/4, Bộ Y tế công bố 2 ca bệnh Zika đầu tiên trong nước gồm một bệnh nhân 64 tuổi ở Khánh Hòa và một thai phụ 33 tuổi sống tại TP HCM. Người phụ nữ mang thai 8 tuần có chồng vừa mới trở về từ Malaysia.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện ngành y tế đã rà soát và giám sát chặt chẽ những người đã tiếp xúc với 2 bệnh nhân Zika, chưa phát hiện trường hợp bệnh nào khác. Bộ cũng rà soát lại toàn bộ quy trình và các yếu tố nguy cơ gây bệnh cho hai bệnh nhân này như lây theo đường máu, quan hệ tình dục, muỗi đốt...

“Bộ tạm kết luận đường truyền gây bệnh cho hai bệnh nhân là hoàn toàn do muỗi truyền”, Thứ trưởng Long nói. Loài muỗi truyền bệnh Zika cũng là loài truyền bệnh sốt xuất huyết.

Theo các chuyên gia y tế, xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của hai bệnh nhân từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho thấy chủng virus gây bệnh đầu nhỏ Zika tương tự như các ca bệnh đã được ghi nhận tại Lào, Thái Lan, Camphuchia... Trong khi đó khả năng lây truyền virus giữa các quốc gia rất nhanh nên việc phát hiện ca bệnh tại Việt Nam không có gì đáng ngạc nhiên.

Giáo sư Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết các mẫu bệnh phẩm được xét nghiệm bằng kỹ thuật sinh học phân tử gồm 3 xét nghiệm: PCR thông thường, Realtime PCR và giải trình tự gene. 2 xét nghiệm đầu cho kết quả bệnh nhân dương tính virus Zika, bước tiếp theo được giải trình tự gene để xác định virus thuộc dòng virus nào. “Do đó kết quả xét nghiệm Zika của hai ca bệnh này là rất tin cậy”.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, hiện có 61 quốc gia ghi nhận ca bệnh Zika. Bệnh đang lan truyền rất nhanh giữa các nước do muỗi truyền và nhiều yếu tố dịch tễ khác. Xung quanh khu vực châu Á và vùng Đông Nam Á có nhiều nước đã ghi nhận sự lưu hành ca bệnh do virus Zika, đặc biệt Việt Nam lại là nước có điều kiện thời tiết, khí hậu nhiệt đới, tình hình biến đổi khí hậu phức tạp cộng với sự lưu hành của muỗi vằn – loại muỗi truyền cả bệnh sốt xuất huyết Degue và bệnh do virus Zika góp phần ảnh hưởng đến nguy cơ lây truyền bệnh.

Có sự liên quan giữa virus Zika và hội chứng não nhỏ

Tiến sĩ Trần Danh Cường, Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, có sự liên quan giữa virus Zika và hội chứng não nhỏ ở trẻ sơ sinh. Hội chứng não nhỏ không phải phổ biến trong sản khoa, chẩn đoán trước sinh, tỷ lệ gặp rất thấp.

3 nguyên nhân chính gây hội chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh là nhiễm trùng - CMV, ký sinh trùng và rubella, thêm nguyên nhân mới là virus Zika; di truyền - tổn thương gene, nhiễm sắc thể và nhiễm độc - chiếu xạ, một số hóa chất. Ngoài ra còn nhiều nguyên nhân khác dẫn đến hội chứng này.

Tiến sĩ Cường cũng khẳng định việc chẩn đoán hội chứng đầu nhỏ không khó, có thể phát hiện nhờ siêu âm, đo kích thước đầu nhỏ. Kỹ thuật này tương đối phổ thông.

Những bà mẹ có thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu được khẳng định bị nhiễm virus Zika cần có kế hoạch theo dõi thai nghén cụ thể bằng cách đo chu vi đầu thai nhi, siêu âm thai 2 tuần một lần. Nếu nghi ngờ thai nhi có kích thước đầu nhỏ thì cần hội chẩn bác sĩ các chuyên khoa tương thích để quyết định tương lai của thai, có thể tiếp tục hoặc dừng thai kỳ.

Hiện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nghi ngờ về mối liên quan giữa nhiễm virus Zika và hội chứng não nhỏ ở trẻ sinh từ các bà mẹ nhiễm virus Zika trong thời gian 3 tháng đầu của thai kỳ và cũng như chưa có bằng chứng về việc lây truyền virus Zika qua sữa mẹ.

Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo công tác tăng cường giám sát rất quan trọng để phát hiện ca bệnh, nơi nào có mật độ muỗi cao nơi có nguy cơ cao lây dịch bệnh do virus Zika. Trong dự phòng, cần kiểm soát muỗi, diệt loăng quăng. Phụ nữ mang thai nếu không cần thiết thì không nên đến vùng có dịch, áp dụng các biện pháp phòng hộ cá nhân như thoa kem chống muỗi, ngủ màn, mặc quần áo dài tay.
Không nên hoang mang

Sau khi công bố 2 trường hợp mắc Zika tại Việt Nam, chiều 5/4, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp khẩn với Hội đồng Chuyên môn để góp ý Dự thảo Hướng dẫn bảo đảm an toàn truyền máu phòng chống lây nhiễm do virus Zika. Theo GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện huyết học Truyền máu Trung ương người dân không nên hoang mang về bệnh do virus Zika. Căn bệnh này hiện chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong.

Dự thảo Hướng dẫn bảo đảm an toàn truyền máu phòng chống lây nhiễm do virus Zika cũng lưu ý vấn đề đảm bảo an toàn truyền máu cho đối tượng phụ nữ mang thai, đặc biệt ở 3 tháng đầu thai kỳ. Tuy nhiên theo các chuyên gia, số lượng người cần truyền máu ở đối tượng mang thai cũng sẽ rất ít.

Theo BS.CKII Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Q.2, ngày 5/4, sau khi biết thông tin một bệnh nhân khám tại BV nhiễm virus Zika, nhiều thai phụ đang điều trị tại đây khá hoang mang, lo sợ. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế đã trực tiếp đến nhà và nơi làm việc của bệnh nhân để kiểm tra đồng thời trấn an và giải thích rõ về nguy cơ cho bệnh nhân. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, bệnh nhân nhiễm virus Zika thông thường ở thể nhẹ, có thể tự khỏi sau 7-10 ngày. Virus Zika có khả năng gây ra dị tật đầu nhỏ ở trẻ em nhưng không phải tất cả các trường hợp nhiễm Zika đều mắc dị tật này.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, hiện hệ thống phòng thí nghiệm và phác đồ điều trị đã sẵn sàng để ứng phó với dịch bệnh. Tuy nhiên, mỗi người cần chung tay với ngành y tế tham gia diệt muỗi, lăng quăng ở khu vực sinh sống; nếu không cần thiết thì người dân không nên qua vùng có dịch; phụ nữ mang bầu dưới 3 tháng cần phòng tránh, không để bị muỗi đốt.

Bác sỹ Hoàng Thị Diễm Tuyết-Giám đốc Bệnh viện phụ sản Hùng Vương cho rằng, nếu thai phụ có biểu hiện triệu chứng của bệnh do virus Zika và từng du lịch hay công tác đến vùng dịch thì nên đăng ký xét nghiệm.

Tuy nhiên, để tránh tình trạng người dân lo lắng, đổ xô đi xét nghiệm virus Zika, bác sỹ Hoàng Thị Diễm Tuyết lưu ý, việc xét nghiệm chỉ nên thực hiện trên đối tượng phụ nữ đang có thai trong 3 tháng đầu, có biểu hiện sốt, phát ban kèm theo triệu chứng đau nhức cơ hoặc đi tới vùng dịch hoặc có liên quan đến người đi về từ vùng dịch. Nếu không, sẽ làm tăng gánh nặng cho ngành y tế cũng như tăng chi phí điều trị trong xã hội.

Zika - nỗi lo dị tật - 1

TP Hồ Chí Minh công bố dịch Zika

Chiều 8/4, TP HCM quyết định công bố dịch bệnh virus Zika ở quy mô xã, phường sau khi có ca bệnh đầu tiên ở Quận 2. Ông Lê Anh Tuấn, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM cho biết UBND TP HCM vừa quyết định công bố dịch bệnh Zika ở quy mô xã, phường, cụ thể là địa bàn phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 - nơi có ca bệnh đầu tiên.

Lãnh đạo TP HCM yêu cầu giám đốc Sở Y tế, Chủ tịch UBND các quận, huyện có trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện ngay những biện pháp phòng chống bệnh do virus Zika theo đúng quy định của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm. UBND thành phố cũng yêu cầu tăng cường vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng tại các khu dân cư, hộ gia đình, không để phát sinh ổ dịch mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Zika - nỗi lo dị tật

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO