10 năm đi tìm đồng đội

Hồ Phương Trúc 13/03/2017 09:45

Gần 10 năm năm qua, cựu chiến binh Đào Văn Quân ở thôn Yên Từ, xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam vẫn từng ngày lầm lũi đạp xe đi tìm đồng đội.

Trên chiếc xe đạp cà tàng, ông Quân đã tìm được nhiều ngôi mộ liệt sĩ.

Ngồi trong quán nước đầu xã Mộc Bắc hỏi thăm đường vào nhà ông, bà chủ quán hỏi lại: - Có phải ông Quân mười năm nay đi tìm thông tin về các liệt sĩ hi sinh tại các chiến trường đúng không? Lý do mà khắp vùng quê này ai cũng biết đến ông Quân bởi ông là người luôn nhiệt tình trong tất cả các công việc của làng của xã. Còn một lý do sâu xa hơn, ấy là cũng gần 10 năm qua, ông cứ lặng lẽ một mình bỏ công bỏ sức đi tìm thân nhân cho các liệt sĩ vô danh ở khắp miền đất nước.

Trong căn nhà cấp bốn cuối xóm nhỏ chỉ có độc mỗi hai cái giường, một chiếc bàn làm việc với cơ man toàn là giấy tờ. Tôi hỏi: “Thế hằng ngày bác dùng phương tiện gì để đi?”. Ông Quân cười với vẻ khoái trí, hướng ánh nhìn về chiếc xe đạp cà tàng nằm cuối góc sân, bảo: “Zípô” của tôi đấy.

“Những tỉnh thậm xa xôi như Nghệ An, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bắc Giang là bắt buộc ông Quân phải “nhảy” xe khách, còn mấy tỉnh lân cận thì cứ túc tắc đi xe đạp cho tiết kiệm, ông Quân chia sẻ. Ông đi như cướp thời gian, sợ không kịp, sợ mắc nợ…

Trong nhiều năm sống đời lính, ông Quân dần thấm thía một nỗi xót xa rằng, bây giờ đất nước hoà bình, cuộc sống no đủ nhưng còn đó biết bao đồng đội, đồng chí vĩnh viễn không được trở về. Mỗi đồng chí, đồng đội hy sinh ngày ấy chưa được trở về đoàn tụ bên gia đình, còn nằm hoang lạnh là ngày đó ông Quân nặng trĩu nỗi lòng, thấy mình mắc nợ.

“Tôi là thanh niên xung phong, may mắn sống sót trở về quê nhà. Nhưng những đồng đội nằm lại chiến trường nghĩ tội lắm. Các đồng chí ấy hi sinh mà vẫn chưa được người thân nhận lại và trở về quê hương”, ông Quân chia sẻ.

Công việc tìm thân nhân liệt sĩ của ông Quân hầu hết đều bằng phương pháp “thủ công” dựa trên tư liệu giấy tờ, văn bản, chứ hoàn toàn không có khả năng gì đặc biệt cả.

Ông nhớ lại: “Hơn 10 năm về trước, tôi làm tình nguyện viên cho Ban liên lạc truyền thống (Trung đoàn 88 - Tu Vũ thuộc Sư đoàn 308 “Quả đấm thép”, Bộ Quốc phòng) và Trung tâm Giáo dục truyền thống và Lịch sử. Nhiệm vụ của tôi là tìm kiếm các thông tin liên quan đến liệt sĩ. Họ giao cho tôi danh sách các liệt sĩ chưa có người nhận từ thời chống Pháp đến giờ mà phần mộ còn nằm lại từ Bắc chí Nam, kể cả Campuchia, Lào. Nhiệm vụ của tôi là tìm lại thân nhân cho các liệt sĩ ấy”.

Vừa nói ông vừa lấy chồng tài liệu trong chiếc cặp da và chỉ vào đống giấy tờ dày hàng gang tay trên bàn. Mỗi năm ông đi vài chuyến vào các nghĩa trang, mỗi chuyến dài gần nửa tháng. Trên dưới 200 nghĩa trang từ Bắc vào Nam, ông đều đã đặt chân đến.

Mỗi nghĩa trang đi qua, ông đều cẩn thận ghi chép đầy đủ họ tên, tuổi, quê quán, thông tin liên quan đến liệt sĩ ở các bia mộ. Khi có thông tin đầy đủ về các liệt sĩ đồng thời đối chiếu với các tài liệu, ông vượt hàng trăm cây số tìm đến với thân nhân của họ để báo tin.

Ông kể lại: “Tôi tra cứu xem gia đình họ ở địa phương nào, dòng họ nào, thôn xóm nào. Sau đó gọi điện báo cho tỉnh, xuống huyện, xã. Khó nhất là phải “dân vận” làm sao cho hợp tình hợp lí để xã “chuyển lời” cho gia đình người ta sớm biết được thông tin.Trong trường hợp liên lạc được, tôi trực tiếp tìm đến tận nơi”.

Với những trường hợp không thể nhờ xã báo tin, ông lại rong ruổi trên chiếc đạp xe càng tàng gõ cửa từng nhà. Có khi ông làm hành trình xuyên qua mấy tỉnh mới tìm được một địa chỉ chính xác. “Lắm lúc nghĩ công việc của mình như mò kim đáy bể, bởi bây giờ địa giới hành chính, tên gọi của các thôn, phường, xã, quận, huyện ở nhiều tỉnh thay đổi nhiều quá. Cho nên báo được thông tin về ngôi mộ liệt sĩ cho người thân cũng không hề đơn giản”.

Cuộc hành trình tìm kiếm thân nhân cho liệt sĩ của ông gặp muôn vàn khó khăn, vất vả. Đến tận bây giờ, ông không bao giờ quên được một kỉ niệm về gia đình anh Chu Hy Quả ở huyện Kim Bảng (Hà Nam). Hai vợ chồng đang bán hàng thuê ở chùa Hương (Hà Nội), khi nhận được tin tức về mộ cha mình, họ lập tức lên đường. Vào nghĩa trang Đông Hà – Quảng Trị thấy mộ bố nằm đó, thắp nén nhang trước linh ảnh người cha, họ đã khóc như những đứa trẻ rồi ôm chặt ông xúc động không nói nên lời.

Bây giờ, mỗi ngày đối với ông Quân đều là sự sắp xếp cho mỗi chuyến đi bởi còn nhiều, nhiều lắm những phần mộ liệt sĩ trong tập tài liệu dày cộp đang mong muốn tìm được thân nhân. Đó là động lực, là niềm tin để một ngày nào đó, người nông dân, cựu chiến binh tiếp tục công việc.

“Vẫn còn hơn 10.000 liệt sĩ nằm ở nghĩa trang Trường Sơn mà mình chưa thể đi báo hết được. Còn sức khỏe, tôi sẽ còn làm”, ông Quân nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    10 năm đi tìm đồng đội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO