10 năm mở rộng địa giới hành chính: Thế và lực mới của Thủ đô

Nguyên Khánh 29/07/2018 08:00

Ngày 29/5/2008 sáp nhập Hà Nội và Hà Tây. Đây là lần mở rộng quy mô Thủ đô lớn nhất trong lịch sử. Một quyết định mang tầm vóc lớn, có ảnh hưởng và tác động lâu dài và nhiều mặt đến đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của Thủ đô.

10 năm mở rộng địa giới hành chính: Thế và lực mới của Thủ đô

Những khu nhà cao tầng mọc lên tại huyện Đan Phượng sau khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội.

Nhìn lại quá trình phát triển của Thăng Long - Hà Nội, đây là lần mở rộng quy mô Thủ đô lớn nhất trong lịch sử. Một quyết định mang tầm vóc lớn, có ảnh hưởng và tác động lâu dài và nhiều mặt đến đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của Thủ đô.

Ý thức sâu sắc và đầy đủ trách nhiệm trước trung ương và cả nước, Chính quyền Thủ đô đã bắt tay ngay vào việc để xây dựng Thủ đô ngày càng giàu mạnh. Nhờ đó, 10 năm hợp nhất với bộn bề công việc, Hà Nội đã đạt được những thành tựu vượt bậc.

Sau 10 năm hợp nhất, kinh tế, xã hội Thủ đô tiếp tục phát triển, đạt mức tăng trưởng khá cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; các ngành dịch vụ, công nghiệp, xây dựng, nông - lâm - thủy sản phát triển toàn diện. Năm 2017, giá trị tổng sản phẩm (GRDP) của thành phố tăng gần gấp 2 lần, thu nhập (tính theo GRDP) bình quân đầu người tăng 2,3 lần, thu ngân sách tăng gần 3 lần, chi ngân sách tăng 3,6 lần, tổng vốn đầu tư xã hội tăng 2,85 lần so với năm 2008.

Các lĩnh vực xây dựng, quản lý, phát triển đô thị được đặc biệt chú trọng và có nhiều chuyển biến, tiến bộ rõ rệt. Nhiều năm liền thành phố chọn chủ đề “Năm kỷ cương hành chính”, “Năm trật tự và văn minh đô thị” để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Đến nay, tiếng kêu ca, phàn nàn trong doanh nghiệp và nhân dân đã giảm nhiều. Thành phố đã huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh đầu tư phát triển đồng bộ và từng bước hiện đại hóa kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Hàng loạt dự án lớn, hiện đại đã được hoàn thành như: Nhà ga T2 Sân bay quốc tế Nội Bài; đường Vành đai 3 trên cao, đường Nhật Tân - Nội Bài, đường 5 kéo dài; một số cây cầu mới: Nhật Tân, Vĩnh Tuy, Vĩnh Thịnh, Đông Trù và 7 cầu vượt đã được hoàn thành, góp phần đáng kể giảm ùn tắc giao thông khu vực nội đô. Thành phố đã triển khai thi công các tuyến đường sắt đô thị Hà Đông - Cát Linh, Nhổn - Ga Hà Nội; nghiên cứu đề xuất, triển khai tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; đã hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng nhiều khu đô thị, trung tâm thương mại mới, hiện đại.

Cùng hướng tới mục tiêu xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, công tác xây dựng nông thôn mới cũng được tập trung chỉ đạo và đạt được kết quả nổi bật, thu hẹp khoảng cách đời sống giữa nông thôn và thành thị. Trong 10 năm qua, thành phố đã huy động bình quân khoảng 1.800 tỷ đồng/năm cho đầu tư xây dựng nông thôn mới. Khiến thu nhập bình quân đầu người ở khu vực này tiếp tục tăng lên; tới hết năm 2017, ước đạt 38 triệu đồng/người/năm, gấp 3 lần năm 2008 (13 triệu đồng).

Đến những xã vùng nông thôn ngày này mới thấy bộ mặt nông thôn đã thay đổi từng ngày, cuộc sống của người dân ngày càng cải thiện. Hà Nội là địa phương đã không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn nữa.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, những thành tựu to lớn và toàn diện đạt được trong 10 năm qua là minh chứng hết sức sinh động và đầy thuyết phục về tầm nhìn và tính đúng đắn của quyết định mang tính lịch sử của Đảng và Quốc hội. Đó cũng là kết quả của sự nỗ lực to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, sự đoàn kết, nhất trí cao trong hệ thống chính trị.

Tất nhiên, cái gì cũng có hai mặt, bên cạnh những kết quả đạt được, những bài học thành công, trong quá trình triển khai công việc 10 năm qua, Hà Nội cũng còn những việc làm chưa tốt, hoặc còn có thiếu sót, khuyết điểm. Đó là, kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh Thủ đô; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh nhìn chung còn thấp. Kinh tế tri thức phát triển chậm, chưa phát huy được thế mạnh các nguồn lực về vốn, khoa học và công nghệ.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài nhà nước còn gặp không ít những vướng mắc về cơ chế, chính sách. Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị, đất đai, môi trường... chưa đáp ứng được yêu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại. Các lĩnh vực hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế có mặt còn chưa đáp ứng tốt nhu cầu và yêu cầu của nhân dân... Những mặt hạn chế này đòi hỏi bản lĩnh của người đứng đầu, những cán bộ cốt cán của Thủ đô Hà Nội phải dám nghĩ, dám làm tìm những giải pháp căn cơ để thanh toán những điểm trũng này tạo ra thế và lực mới cho Thủ đô ngàn năm văn hiến của chúng ta.

10 năm mở rộng địa giới hành chính: Thế và lực mới của Thủ đô - 1

Ông Nguyễn Văn Phong.

Minh chứng sinh động của chủ trương hợp nhất

Theo ông Nguyễn Văn Phong- Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, sự kiện sáp nhập Hà Nội - Hà Tây mang dấu mốc lịch sử. Mục tiêu đặt ra cho sự hợp nhất này, không ngoài mong muốn là tạo không gian đủ lớn cho Hà Nội phát huy hết tiềm năng thế mạnh, tạo nguồn lực, đất đai, nhân lực cho Thủ đô phát triển, hội nhập. Chính điều đó, sau khi mở rộng, đáp ứng nhu cầu phát triển, cho giai đoạn lâu dài hơn nữa, với sự nỗ lực, sự chỉ đạo của trung ương, Hà Nội đạt kết quả toàn diện trên tất cả các mặt đã là minh chứng sinh động nhất cho chủ trương mở rộng địa giới hành chính là đúng đắn, giúp Hà Nội phát triển hơn nữa.

Tuy nhiên, ông Phong cũng cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện vẫn còn hạn chế thiếu sót, đòi hỏi thời gian tới cần nỗ lực khắc phục như, mục tiêu xây dựng Hà Nội thành đô thị đa chức năng với đô thị lõi và các đô thị vệ tinh, nhưng đến thời điểm này việc hình thành 5 đô thị vệ tinh vẫn còn chậm. Đây là nguyên nhân khiến áp lực dân số cho nội đô còn cao, gây áp lực quá tải về hạ tầng, ô nhiễm môi trường. Hay như việc di dời các trường học bệnh viện chủ trương có từ trước hợp nhất mà chưa thực hiện được nhiều. Sự chậm trễ này có trách nhiệm của Hà Nội và một số cơ quan khác. Hà Nội cần nhìn rõ và tìm hướng khắc phục trong thời gian tới.

10 năm mở rộng địa giới hành chính: Thế và lực mới của Thủ đô - 2

Ông Trần Huy Ánh.

Lắng nghe để hành động

KTS Trần Huy Ánh cho rằng, so với năm 2008, Hà Nội có nhiều con đường mới mở hơn, có đường vành đai, sắp có đường sắt trên cao... Dự án Thoát nước Hà Nội đã hoàn thành. Diện tích bị úng ngập ít hơn. Bất động sản phát triển mạnh, số lượng nhà ở lớn hơn. Nhờ vậy, rất nhiều người ở các tỉnh đến Thủ đô làm việc đã mua được nhà ở Hà Nội cũng đã có nhiều biện pháp cụ thể loại bỏ những vi phạm của các công trình lấn chiếm không gian xanh. Bên cạnh đó, chương trình trồng 1 triệu cây xanh giai đoạn 2016-2020 đã được khởi động; Dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì) sẽ thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt trên diện tích hơn 4.800ha, từ 7 quận, huyện và sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Nhuệ đã được khởi công và dự kiến hoàn thành năm 2019... là những điều đáng được ghi nhận.

“Thế nhưng theo cá nhân tôi vẫn còn nhiều điểm hạn chế. Bây giờ đường nhiều hơn nhưng không ai dám nói việc đi lại tốt và dễ dàng hơn. Tai nạn giao thông vẫn gia tăng. Giao thông vẫn ùn tắc. Hệ thống thoát nước của Hà Nội chưa đáp ứng được trước những thách thức của biến đổi khí hậu. Những tòa nhà cao tầng được xây dựng không giúp thay đổi bộ mặt đô thị. Thậm chí, sự phát triển bất động sản quá “nóng” khiến người ta lo ngại sự cân đối về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội của những tòa nhà ấy bị “gác” sang một bên. Trong 10 năm qua, chưa có công viên mới nào ra đời. Trong khi đó, công viên cũ bị tư nhân hóa, chiếm dụng, sử dụng bừa bãi. Không gian công cộng bị sử dụng tùy tiện và sai mục đích. Rất nhiều sân chơi trong khu dân cư bị sử dụng sai mục đích, trở thành bãi đỗ xe, nơi bán hàng... Vậy làm gì để Hà Nội phát triển, cần lắng nghe để hành động. Bằng cách ấy, anh sẽ lấy được trí tuệ của đông đảo trí thức xã hội. Đó mới là vai trò quản trị Nhà nước để xây dựng được một kịch bản phát triển xã hội tốt, hài hòa lợi ích của các bên” - KTS Trần Huy Ánh nhận xét.

Cách đây 10 năm Quốc hội ban hành Nghị quyết 15/2008/NQ-QH12 ngày 29/5/2008 sáp nhập Hà Nội và Hà Tây.Việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội qua việc mở rộng, hợp nhất toàn bộ diện tích và dân số tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh thuộc tỉnh Vĩnh Phúc và bốn xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, nâng diện tích TP Hà Nội từ 920km2 lên 3.344km2; dân số từ 4,6 triệu lên 6,4 triệu người.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    10 năm mở rộng địa giới hành chính: Thế và lực mới của Thủ đô

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO