10 ngày đầu tiên trong Nhà Trắng của ông Joe Biden

Phan Quang Vũ 31/01/2021 07:39

Sau lễ nhậm chức Tổng thống ngày 20/1/2021, ông Joe Biden đã bắt tay ngay vào công việc, mở đầu bằng việc ký một loạt sắc lệnh hành pháp. Tân Tổng thống nước Mỹ nói rằng “đây sẽ là việc đầu tiên trong rất nhiều việc chúng ta phải làm. Tôi nghĩ với tình hình đất nước ngày nay thì không có thời gian để lãng phí. Hãy bắt tay vào làm việc ngay lập tức”.

Ông Joe Biden và phu nhân.

Hãng CNN dẫn nguồn một bản dự thảo lịch trình làm việc của Tổng thống Joe Biden được gửi tới các cơ quan quản lý có liên quan, theo đó, bắt đầu từ 21/1 cho đến cuối tháng 1/2021, ngoại trừ cuối tuần, mỗi ngày sẽ xoay quanh một chủ đề cụ thể, với một loạt các sắc lệnh và chỉ thị tương ứng.

1. Cụ thể, thứ Năm, ngày 21/1, ngay sau 1 ngày là chủ Nhà Trắng, chủ đề làm việc của ông Joe Biden là về Covid-19. Sẽ có 6 sắc lệnh hành pháp và một chỉ thị chính sách của Tổng thống. Các sắc lệnh hành pháp bao gồm đánh giá chuỗi cung ứng, thu thập dữ liệu bổ sung và tính minh bạch cũng như hỗ trợ cho cung cấp và nghiên cứu điều trị Covid-19 bổ sung. Một chỉ thị của Tổng thống kêu gọi các cơ quan “tăng cường nỗ lực chống lại Covid-19 trên toàn cầu và tăng cường khả năng chuẩn bị sẵn sàng cho đại dịch toàn cầu”.

Tiếp đó, chủ đề ngày làm việc thứ hai của ông Joe Biden là “cứu trợ kinh tế”, sẽ có 2 sắc lệnh hành pháp. Hai ngày 23 và 24/1 nghỉ cuối tuần. Ngày 25/1: chính sách “mua hàng Mỹ”. Ngày 26/1: bàn thảo về chính sách “công bằng”. Ngày 27/1: bàn thảo về chủ đề “khí hậu”. Ngày 28/1: “Chăm sóc y tế”. Ngày 29/1: chính sách nhập cư. 2 ngày 30 và 31/1: Nghỉ cuối tuần.

Đáng chú ý, ngay trong những ngày đầu tiên trên cương vị Tổng thống nước Mỹ (cuối tháng 1), ông Joe Biden đã đưa ra nhiệm vụ trọng tâm của tháng 2/2021 là bắt đầu khôi phục vị trí của nước Mỹ trên thế giới.

Trong những nhiệm vụ nặng nề đối với ông Joe Biden và chính quyền mới, chính là ngăn chặn đại dịch Covid-19 đang tàn phá nước Mỹ. Có thể nói, ưu tiên hàng đầu trong chính quyền của ông Biden là chấm dứt đại dịch đã cướp đi sinh mạng hơn 400.000 người Mỹ. Cùng đó là giải cứu nền kinh tế bị tàn phá bởi Covid-19. Sau đó là thực hiện các bước đi về nhập cư, môi trường và bình đẳng chủng tộc - những vấn đề đã và đang chia rẽ nước Mỹ.

Để chặn Covid-19, tân Tổng thống Joe Biden đã ban hành sắc lệnh hành pháp số 1: Yêu cầu đeo khẩu trang ở các địa điểm liên bang, trong các tòa nhà liên bang. Tiếp đó, sắc lệnh hành pháp số 2 là đưa nước Mỹ tái gia nhập Tổ chức Y tế thế giới. Sắc lệnh hành pháp số 3: Thiết lập văn phòng Covid-19, báo cáo trực tiếp tình hình cho Tổng thống. Nhóm ứng phó Covid-19 của Nhà Trắng được thành lập, do ông Jeff Zient lãnh đạo, để phối hợp với chính phủ liên bang cũng như các bang về việc tăng cường tiêm chủng, phân phối nhiều khẩu trang và găng tay hơn, mở rộng năng lực xét nghiệm, mở lại trường học và nhiều biện pháp khác.

Về kinh tế nói riêng và cũng là để “tháo ngòi nổ” mâu thuẫn xã hội, ông Joe Biden ký sắc lệnh hành pháp số 4: Gia hạn tạm dừng trục xuất và tịch thu nhà đến ít nhất là cuối tháng 3. Sinh viên, đối tượng thu nhập thấp được “đóng băng các khoản nợ”, cho đến “ít nhất” ngày 30/9.

Với vấn đề người nhập cư, cũng là “câu chuyện” phức tạp của nước Mỹ, ông Biden đã ký lệnh hủy bỏ các quy định trước đó nhằm loại người nhập cư không có giấy tờ khỏi cuộc điều tra dân số Mỹ. Lệnh này cũng đảm bảo những người thực hiện điều tra dân số có đủ thời gian để có được số liệu chính xác về dân số. Cùng động thái này, ông Biden bãi bỏ lệnh cấm với các nước có đa số theo Hồi giáo, loại bỏ việc người dân ở các quốc gia này nhập cảnh vào Mỹ. Trong một diễn biến khác là tạm dừng xây tường biên giới Mỹ - Mexico, trong khi chính quyền mới xem xét nguồn tài trợ và hợp đồng. Ông Biden cũng ký lệnh gia hạn “Hoãn thi hành cưỡng ép trục xuất” (DED) với những người Liberia đã ở Mỹ trong nhiều năm cho đến ngày 30/6/2022, bảo vệ họ khỏi bị trục xuất và gia hạn cho phép làm việc cho đến thời điểm đó. Trước đó, khoảng 4.000 người Liberia ở Mỹ bị đặt trong tình thế có thể bị trục xuất bất cứ lúc nào.

Giới quan sát chính trường nước Mỹ cũng đã đưa ra nhận định về 8 ưu tiên của Tổng thống Joe Biden trong 100 ngày đầu tiên ở Nhà Trắng. Theo đó, thứ tự ưu tiên lần lượt là: Chống đại dịch Covid-19; xem xét lại lệnh cấm nhập cảnh; đoàn tụ cha mẹ và con cái của người nhập cư; đưa nước Mỹ tham gia sâu vào thỏa thuận chống biến đổi khí hậu toàn cầu; kiểm soát súng đạn; thỏa thuận hạt nhân Iran; ổn định chính sách nhập cư; vấn đề cộng đồng đồng tính và bình đẳng.

2. Trong khi tập trung “theo dõi” những ngày đầu tiên “ông Joe Biden làm gì”; thì giới quan sát cũng không quên chý ý tới bà Kamala Harris - vị Phó Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ, người được cho “không phải là cái bóng của Biden” mà có quyền lực thực sự trong Nhà Trắng.

Người ta thấy rằng, khi bước chân vào Nhà Trắng, bà Kamala Harris đã dành buổi sáng đầu tiên của mình với tư cách là Phó Tổng thống tại một buổi lễ cầu nguyện chung với Tổng thống.

Bà Kamala Harris và phu quân tại một sự kiện ở Pennsylvania Ảnh: Reuters.

Nhận xét về bà Harris trong cương vị Phó Tổng thống, bà Barbara Perry - Giám đốc nghiên cứu Nhà trắng tại Trung tâm Miller của Đại học Virginia, cho rằng, bà Harris sẽ không giống các Phó Tổng thống trước đó với vai trò rất mờ nhạt. “Vai trò của Phó Tổng thống, thẳng thắn mà nói, rất gần với Tổng thống”.- bà Perry nói như một sự khích lệ và cũng là sự trông chờ vào vị nữ Phó Tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ.

Giới quan sát cũng “ngờ” rằng rất có thể bà Harris “bất ngờ” trở thành Tổng thống Mỹ. Lịch sử Nhà Trắng cho thấy, 9 trong số 45 Tổng thống của nước này đã rời nhiệm sở trước khi kết thúc nhiệm kỳ, 8người qua đời - khoảng 1/5 tổng số Tổng thống - khiến các Phó Tổng thống được thăng chức đột ngột.

Vẫn theo bà Perry, rất đáng kể là lần này đối với bà Harris, vai trò nghi lễ do Phó Tổng thống nắm giữ với tư cách là Chủ tịch Thượng viện sẽ là rất quan trọng. Hiện đang có sự phân chia 50-50 ghế giữa đảng viên Dân chủ và đảng Cộng hòa ở thượng viện và bà Harris sẽ bỏ lá phiếu quyết định.

Trong ngày 21/1, một số người dân thấy bà Haris đi bộ dọc Đại lộ Pennsylvania cùng gia đình ngay sau cuộc diễu hành nhậm chức. Khi được hỏi, sẽ đi đâu trong ngày đầu tiên chính thức là Phó Tổng thống , bà Harris nói rất đơn giản: “Tôi chỉ đang đến nơi làm việc”.

Được biết, bà Harris và chồng là ông Doug Emhoff sẽ ở trong một ngôi nhà màu trắng - một dinh thự từ thế kỷ 19 trong khuôn viên của Đài quan sát Hải quân Hoa Kỳ ở phía tây bắc Washington. Đây cũng gần trường luật của Đại học Georgetown, nơi ông Emhoff sẽ giảng dạy.

Người ta cũng nói nhiều về mối quan hệ thân tình và sự tin tưởng lẫn nhau giữa ông Joe Biden và bà Harris. Người ta cho rằng chính quan hệ thân thiết giữa bà Harris với con trai ông Biden, Beau - người đã chết vì ung thư não vào năm 2015 - được cho là đã đưa đến quyết định cuối cùng cho ông Biden khi chọn bà Biden làm phó tướng của mình trong cuộc tranh cử đầy khó khăn vừa qua.

Thật đáng nể khi ông Biden cho biết “Tôi đã yêu cầu Kamala là tiếng nói cuối cùng trong căn phòng. Luôn luôn nói cho tôi biết sự thật”.

Thêm nhữa, kinh nghiệm pháp lý và vận động cải cách cảnh sát của bà Haris sẽ hữu ích khi mà Nhà Trắng đang vướng vào chuyện giải quyết các hành vi sai trái “có hệ thống” trong lực lượng cảnh sát nước Mỹ.

Bà Hirris cũng được coi là có vai trò quan trọng trong việc hàn gắn một nước Mỹ rạn nứt khi bà là một người da màu. Jennifer Edwards - Giám đốc cấp cao của tổ chức công lý chủng tộc Color of Change, cho rằng “Hàng trăm nghìn phụ nữ da đen đã chiến đấu, tổ chức và bỏ phiếu để có được bà Harris. Giờ đây, Phó Tổng thống Kamala Harris có trách nhiệm đại diện cho yêu cầu của những người đã đưa bà vào chức vụ”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    10 ngày đầu tiên trong Nhà Trắng của ông Joe Biden

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO