10 nội dung nổi bật trong quá trình bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026

Việt Thắng 21/01/2021 12:19

Ngày 21/1, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác bầu cử, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã trình bày hướng dẫn về việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; Tổ chức hội nghị cử tri; Giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã ở thôn, tổ dân phố và hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trong bầu cử bổ sung.

Tham dự Hội nghị có: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các đại biểu trong Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Chính phủ, các ban, bộ, ngành đoàn thể ở Trung ương và đại biểu tại các điểm cầu của các địa phương trong cả nước.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho biết, việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; Tổ chức hội nghị cử tri; Giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã ở thôn, tổ dân phố và hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trong bầu cử bổ sung là những nội quan trọng trong quá trình, quy trình bầu cử, nhằm bảo đảm dân chủ và lựa chọn được những người tiêu biểu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.

“Các nội dung trên đã được thể hiện trong Nghị quyết 1186 ngày 11/1/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị quyết liên tịch 09 ngày 15/1/2021 giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Thông tri 12 ngày 18/1/2021 và Thông tri 13 ngày 19/1/2021 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đã đề cập tới 10 nội dung cơ bản trong quá trình bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Trước tiên, nhắc tới việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định, đây là giai đoạn hết sức quan trọng trong quá trình tổ chức bầu cử nhằm thỏa thuận cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, cũng như việc lập danh sách sơ bộ và lựa chọn, lập danh sách chính thức.

“Để bảo đảm dân chủ và lựa chọn được những người tiêu biểu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, hội nghị hiệp thương sẽ được tiến hành ba lần. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất vào ngày 4/2/2021. Hội nghị hiệp thương lần thứ 2 xong trước ngày 19/3/2021 và Hiệp thương lần thứ 3 xong trước ngày 18/4/2021”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn thông tin.

Nhấn mạnh tới 3 điểm mới tại kỳ bầu cử lần này đối với việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề cập đến điểm mới thứ nhất là: Quy định về thời gian đối với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND các cấp gửi văn bản điều chỉnh cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đến Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương.

Điểm mới tiếp theo là danh sách giới thiệu người ứng cử trình ra hội nghị hiệp thương lần thứ hai đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội cũng như đối với người ứng cử đại biểu HĐND phải bảo đảm số dư cần thiết để hội nghị xem xét, lựa chọn lập danh sách sơ bộ.

Điểm mới thứ ba là danh sách giới thiệu người ứng cử trình ra hội nghị hiệp thương lần thứ ba phải bảo đảm có số dư lớn hơn số dư quy định tại khoản 6 Điều 57 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.

Nội dung cơ bản thứ hai mà Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh tới là việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND ở mỗi cấp do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp triệu tập, chủ trì và thực hiện. Trong hướng dẫn của Nghị quyết liên tịch 09 đã nêu rõ về thời gian, chủ thể triệu tập, chương trình, nội dung thảo luận, mẫu biên bản, hình thức biểu quyết...

Đề cập đến nội dung, trình tự dự kiến người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã ở thôn, tổ dân phố, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn lưu ý tới điểm mới đó là: Trưởng ban công tác Mặt trận phối hợp với Chi hội trưởng các đoàn thể họp với Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố để dự kiến người của thôn, tổ dân phố ứng cử đại biểu HĐND cấp xã.

Đối với nội dung tổ chức hội nghị cử tri nơi công tác và nơi cư trú, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho biết, so với kỳ bầu cử trước, kỳ này không quy định về xác định nơi lấy ý kiến nơi cư trú của người ứng cử đang ở nhà công vụ, nhà khách, người ứng cử là sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang.

Bên cạnh đó, trong yêu cầu về tổ chức hội nghị cử tri nơi công tác cũng nêu rõ: Số lượng cử tri tham dự ở những nơi có dưới 100 cử tri thì tổ chức hội nghị toàn thể, nhưng phải bảo đảm có ít nhất hai phần ba tổng số cử tri tham dự. Nơi có từ 100 cử tri trở lên thì có thể tổ chức hội nghị đại diện cử tri nhưng phải bảo đảm ít nhất là 70 cử tri tham dự.

Yêu cầu về tổ chức hội nghị cử tri nơi cư trú cũng nhấn mạnh tới số lượng cử tri tham dự nơi có dưới 100 cử tri thì tổ chức hội nghị toàn thể, nhưng phải bảo đảm có trên 50% tổng số cử tri tham dự. Nơi có từ 100 cử tri trở lên thì phải bảo đảm ít nhất là 55 cử tri tham dự.

Nội dung thứ năm Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh tới là bầu cử lần này quy định người ứng cử đại biểu Quốc hội đang công tác tại các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội thì tổ chức lấy ý kiến cử tri tại Văn phòng Quốc hội (bao gồm cả cử tri của Viện Nghiên cứu lập pháp).

“Đối với người ứng cử đại biểu HĐND đang công tác tại Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của HĐND cấp tỉnh thì tổ chức lấy ý kiến cử tri tại Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND hoặc Văn phòng HĐND cấp tỉnh”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn lưu ý.

Nội dung thứ 6 đó là việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét của cử tri kỳ này có 2 điểm mới, điểm mới thứ nhất đó là: Trường hợp người được dự kiến giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND không đạt sự tín nhiệm của trên 50% số cử tri tham dự hội nghị cử tri nơi công tác thì Ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức việc giới thiệu người khác.

Điểm mới thứ hai là: Những trường hợp người ứng cử không đạt sự tín nhiệm của trên 50% số cử tri tham dự tại hội nghị cử tri nơi cư trú thì không đưa vào danh sách giới thiệu tại hội nghị hiệp thương lần thứ ba, trừ trường hợp đặc biệt cần báo cáo rõ để hội nghị hiệp thương xem xét, quyết định.

“Cũng trong thời gian này, thực hiện việc xác minh và trả lời các vụ việc mà cử tri nêu đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, chậm nhất là ngày 13/4/2021 phải được tiến hành xong”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nêu rõ.

Đối với việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử trong bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND được tổ chức và thực hiện theo quy định tại Mục 2 và Mục 3 Chương 5 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho biết, thời gian thực hiện theo quy định tại Điều 8 của Nghị quyết 1186 ngày 11/1/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nhắc tới kinh nghiệm từ các cuộc bầu cử lần trước, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn lưu ý mỗi thành viên cần phải nắm thật chắc các văn bản hướng dẫn, bám vào đó để thực hiện một cách cẩn thận, chắc chắn, có thể linh hoạt nhưng không được phạm luật.

“Công việc nhiều, phải qua nhiều khâu, nhiều quy trình, giai đoạn, liên quan chặt chẽ với nhau, vì vậy phải xây dựng kế hoạch, lịch trình, nội dung thực hiện thật chi tiết, đề ra công việc từng ngày, từng tuần phải hoàn thành”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn gợi mở.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, việc hướng dẫn của Trung ương không thể bao trùm hết tất cả các tình huống cụ thể phát sinh từ mỗi địa phương, cơ sở, chính vì vậy, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phân công bộ phận thường trực, sẵn sàng tiếp nhận thông tin, trả lời đầy đủ các vướng mắc của địa phương.

“Sau hội nghị này, ngay ngày mai, 22/1/2021, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn toàn quốc hướng dẫn cụ thể từng nội dung về: quy trình, hồ sơ, báo cáo, vận động bầu cử, tuyên truyền, tiếp công dân, xử lý đơn thư, công tác giám sát, công tác thi đua khen thưởng”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    10 nội dung nổi bật trong quá trình bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO