10 sự kiện Khoa học và Công nghệ nổi bật năm 2019: 'Đầu tiên' và 'nhất'

Phương Linh 05/01/2020 06:03

Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học và Công nghệ (KHCN) Việt Nam vừa công bố kết quả cuộc bình chọn 10 sự kiện KHCN nổi bật thuộc các lĩnh vực cơ chế chính sách, khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, nghiên cứu ứng dụng, tôn vinh nhà khoa học và hội nhập quốc tế năm 2019. Các sự kiện KHCN đưa ra cho thấy, năm 2019 là một năm khởi sắc về các lĩnh vực của KHCN. Trong đó có những sự kiện “lần đầu tiên” được thực hiện và những thành công bước ngoặt.

10 sự kiện Khoa học và Công nghệ nổi bật năm 2019: 'Đầu tiên' và 'nhất'

Một số đơn vị, cá nhân trong top 10 sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật 2019.

Trong năm 2019, về lĩnh vực cơ chế chính sách, sự kiện được bình chọn là “Ban hành Nghị quyết số 52 về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”: Ngày 27/9/2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW “Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” (Nghị quyết số 52). Nghị quyết số 52 nhận định: Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân; đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, đất nước.

Trong lĩnh vực Khoa học Xã hội: Ngày 15/2/2019, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức thành công Hội thảo khoa học quốc gia “Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc – 40 năm nhìn lại”. Về lĩnh vực Khoa học Tự nhiên, ngày 18/1/2019, tại Nhật Bản, vệ tinh MicroDragon do Việt Nam thiết kế, chế tạo đã được phóng lên quỹ đạo, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc tiến tới làm chủ công nghệ vệ tinh quan sát trái đất, viễn thông của Việt Nam.

Trong lĩnh vực Nghiên cứu Ứng dụng đã có nhiều nghiên cứu được ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn được gọi tên. Đó là sự kiện Khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia và Cổng dịch vụ công quốc gia. Ngày 12/3/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương đã thực hiện nghi thức khai trương Trục liên thông văn bản Quốc gia. Chiều ngày 9/12/2019, Cổng dịch vụ công quốc gia (dichvucong.gov.vn) hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến chính thức được khai trương.

Bên cạnh đó nhiều cá nhân, công trình nghiên cứu tiêu biểu cũng được tôn vinh. Đó là sự kiện “về nhất” thế giới của “ST25 - Gạo ngon nhất thế giới”. Tại Hội nghị Thương mại gạo thế giới lần thứ 11 tổ chức tại Philippines (từ ngày 10 đến 13/11/2019) giống gạo ST25 đã được công nhận là “gạo ngon nhất thế giới năm 2019”. ST25 là giống gạo do nhóm các nhà khoa học tỉnh Sóc Trăng gồm Anh hùng Lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua, tiến sĩ Trần Tấn Phương và kỹ sư Nguyễn Thu Hương lai tạo, phát triển.

Cũng trong lĩnh vực này, sự kiện KHCN tiêu biểu trong năm 2019 gọi tên Tập đoàn Công nghiệp viễn thông Quân đội (Viettel) thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên tại Việt Nam; Trung tâm Giám định ADN hài cốt liệt sĩ chính thức hoạt động; Vaccine cúm mùa tam giá dạng mảnh bất hoạt (IVACFLU-S) chính thức được lưu hành từ tháng 1/2019.

Trong lĩnh vực tôn vinh nhà khoa học: Tháng 10/2019, Trung tâm quốc tế Vật lý lý thuyết (ICTP) trao Giải thưởng Ramanujan năm 2019 cho GS.TS Phạm Hoàng Hiệp – Viện toán học – VAST. Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, lần đầu tiên Techfest Việt Nam (Ngày hội Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo Quốc gia) được giới thiệu ra quốc tế. Techfest Việt Nam 2019 diễn ra từ ngày 4 đến 6/12/2019 tại Quảng Ninh với chủ đề “Nguồn lực hội tụ”. Song song với các hoạt động trong nước như các kỳ Techfest trước, năm nay là lần đầu tiên Bộ KHCN tổ chức các kỳ Techfest quốc tế tại Mỹ (ngày 7 đến 14/9), Hàn Quốc (ngày 3 đến 9/11) và Singapore (ngày 10 đến 14/11) để quảng bá các startup và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam với thế giới.

Đánh giá về 10 sự kiện KHCN tiêu biểu nêu trên, ông Lê Xuân Định -Thứ trưởng Bộ KHCN khẳng định: 6 lĩnh vực con người, sự kiện tiêu biểu được lựa chọn đã phản ánh bức tranh rất hoàn thiện về hoạt động KHCN của chúng ta trong năm vừa qua. Ở đó thể hiện được chính sách đột phá về KHCN trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ở đó có kết tinh kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trong nhiều năm để thành giống lúa cho ra loại gạo ngon nhất thế giới. Ở đó có kết quả mà chúng ta tiếp cận đến công nghệ cao để giúp cho việc nghiên cứu quản lý tài nguyên một cách hiệu quả. Ở đó cũng bao gồm những công trình cải tiến mạnh mẽ. Và quan trọng nhất là những kết quả KHCN đi vào đời sống. “Chúng tôi cũng rất vui mừng vì trong các sự kiện chúng ta có tôn vinh các nhà khoa học. Có gam màu sáng đáng khích lệ trong thời gian gần đây là tinh thần khởi nghiệp sáng tạo. 10 sự kiện cũng thể hiện một năm lao động miệt mài vất vả. Kết quả cũng thể hiện được đánh giá của quốc tế đối với chúng ta trong năm vừa qua” -Thứ trưởng Lê Xuân Định nhấn mạnh.

Là một trong 10 sự kiện KHCN tiêu biểu trong năm 2019, kỹ sư Hồ Quang Cua, “cha đẻ” của giống gạo ST25 rất vui mừng. Chia sẻ hành trình đem hạt gạo Việt Nam lên đỉnh cao thế giới, ông cho biết: Việc nghiên cứu về hạt gạo là công việc chúng tôi khởi động từ rất lâu, cũng đã trên 25 năm bắt tay vào những công việc chuẩn bị đầu tiên, còn công việc thực hành thì cũng được khoảng 20 năm. Trong chặng đường này thì đã 3 lần hạt gạo ST đạt top 3 gạo ngon nhất thế giới. Tuy nhiên những lần trước, công tác truyền thông kém, nên dù được trao giải nhưng mức độ nhận được thông tin của cộng đồng còn hơi thấp. Đến lần thứ 3 này khi đoàn Sóc Trăng nhận được Cúp Gạo ngon nhất thế giới thì nhiều người biết đến hơn. Bản thân chúng tôi cũng không ngờ cái công việc “làm chơi” (như người miền Nam hay nói) này lại nhận được kết quả cao như vậy.

Sự “làm chơi” như tôi nói cũng là câu nói thật của giai đoạn đầu, nhưng càng lúc khi kết quả càng cao thì tất nhiên mình cũng phải trân trọng, cố gắng. Cho nên những năm sau này, đặc biệt từ năm 2013, khi mà rời khỏi chức vụ Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng, tôi tập trung toàn bộ vào những công đoạn cuối cùng để ra được giống lúa ST từ 22, 23, 24, đến ST25, trong đó có 2 giống lọt vào top 3 giống gạo ngon nhất thế giới là ST24 và ST25. Cũng không ngờ rằng những người tiêu dùng Việt Nam trong những ngày qua đặt một sự chú ý đến loại gạo này đến mức chúng tôi không thể lường nổi. “Chúng ta cứ nói người tiêu dùng Việt Nam có tâm lý vọng ngoại, hay đi tìm gạo Miên, gạo Thái để ăn. Nhưng có lẽ điều này chỉ đúng khi Việt Nam chúng ta chưa làm ra được loại gạo ngang bằng. Mặc dù trong lịch sử ngành Gạo Việt Nam cách đây mấy chục năm thì hạt gạo của chúng ta đã nổi tiếng ở Pháp, ở châu Âu rồi. Ngay từ đầu khi nhận được giải thưởng, bản thân tôi bắt buộc phải khóa máy. Nếu tôi không chịu được áp lực thì có thể đã bị “ngã” bất cứ lúc nào. Nhận kết quả trở về từ ngày 14/11, đến hôm nay là được hơn 1 tháng. Hơn 1 tháng đó thậm chí tôi phải tắt điện thoại, bởi nếu bật lên nghe thì không thể làm được chuyện gì khác. Những công việc của chúng tôi khi trở về Việt Nam còn rất dài. Đầu tiên phải làm việc với Bộ NN&PTNT để làm thủ tục công nhận giống. Mới đây, ST24, ST25 đã được xét công nhận đặc cách. Tự nhiên hạt gạo này lại có mặt mọi nơi trên khắp Việt Nam. Trong một tình cờ chúng tôi còn được thấy một mẫu túi gạo ST25 ở Mỹ gửi về. Trong khi loại gạo này hiện chúng tôi mới chỉ trồng thử nghiệm rất ít. Sự việc này đánh động ý thức tự hào dân tộc, ý thức về người Việt Nam dùng hàng Việt Nam rất cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    10 sự kiện Khoa học và Công nghệ nổi bật năm 2019: 'Đầu tiên' và 'nhất'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO