100 năm Dù Kê

Thành Luân 12/02/2021 09:00

Nghệ thuật sân khấu Dù Kê là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, vừa đánh dấu mốc lịch sử 100 năm hình thành trên vùng đất Khmer Nam bộ. Loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian vô cùng quý báu này đã và đang được nhiều thế hệ nghệ nhân người Khmer góp công gìn giữ, truyền nghề và phát huy tính độc đáo của văn hóa Khmer Nam bộ nói riêng và tính đa dạng, đậm đà của văn hóa truyền thống dân tộc.

Các vở diễn Dù Kê có sức sống mạnh mẽ nhờ cập nhật hơi thở của đời sống vật chất và tinh thần người Khmer Nam bộ đương đại.

Sức sống trăm năm

Cô Thạch Thị Út Linh, hiện công tác tại Ban Giới và Dân tộc, tỉnh Trà Vinh, là người có niềm đam mê đặc biệt đối với nghệ thuật sân khấu Dù Kê. Mỗi lần chúng tôi về Trà Vinh, cô lại nói về loại hình di sản văn hóa phi vật thể hết sức độc đáo này.

Ra đời vào những năm đầu thập niên 20 của thế kỉ XX, nghệ thuật sân khấu kịch hát Dù Kê gắn liền với hoạt động lao động, sản xuất, đời sống văn hóa tinh thần của người Khmer ở Nam bộ. Đến nay, trải qua 100 năm hình thành và phát triển, loại hình nghệ thuật này vẫn thể hiện sức sống mãnh liệt, được các thế hệ nghệ nhân người Khmer ý thức trong việc bảo tồn và truyền nghề cho đời sau, đã đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người Khmer trong quá trình định cư ổn định tại vùng đất Nam bộ.

Tính độc đáo ở các tiết mục trình diễn Dù Kê, theo cô Thạch Thị Út Linh được thể hiện ở từng nhân vật của các vở diễn. Từ trang phục lộng lẫy, các động tác múa uốn cong đến sự mềm mại trong điệu múa của người nghệ sỹ.

Là người nối tiếp gìn giữ loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc mình, cô Út Linh rất tự hào. Cô cho biết các tích tuồng của sân khấu Dù Kê đã được khéo léo khai thác từ chính cốt truyện dân gian, nhất là thần thoại dân gian Khmer. Từ đó, các thế hệ người Khmer ở Nam bộ đã sáng tạo thành những tác phẩm nghệ thuật. Đáng chú ý, nhiều vở diễn Dù Kê đã gắn với việc ngợi ca người lao động, tình yêu nước, tình đoàn kết các dân tộc anh em Việt - Hoa - Khmer trong quá trình khai khẩn, khai hoang lập đất trên vùng đất Nam bộ.

Út Linh là một trong những thế hệ trẻ người Khmer dành nhiều tâm huyết để sáng tạo và lan truyền loại hình nghệ thuật Dù Kê phát triển, gắn bó, tiếp thu thêm sức sống của thời đại. Chính những tâm huyết này đã giúp nhiều vở diễn kinh điển, như Linh thôn, Sac-kinh-ni, Thạch Sanh chém chằn, Tấm Cám, Tam Tạng thỉnh kinh,.. do chính các bạn trẻ, sinh viên đang học tập tại Đại học Trà Vinh kế thừa và biểu diễn thành công tại nhiều hội diễn cấp trường, địa phương và khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Ở những vở diễn nghệ thuật Dù Kê, nội dung được truyền tải mang ý nghĩa giáo dục hết sức sâu sắc, với các triết lý tương quan về “chính diện - phản diện”, “thiện - ác”, nhờ đó góp phần tôn vinh cái tốt, cái thiện, lên án cái xấu xa, độc ác trong xã hội.

“Các vở Dù Kê luôn luôn thể hiện triết lý xuyên suốt, đó là cái thiện sẽ thắng cái tà; người làm điều lành, tránh điều dữ, làm điều phải, tránh điều sai. Nhờ đó, từ bao thế hệ người Khmer Nam bộ luôn phát huy được đức tính yêu nước, thương nòi của mình”, cô Thạch Thị Út Linh chia sẻ.

Cũng theo cô Út Linh, bản thân tên gọi “Dù Kê” ban đầu nhiều người quen gọi là “vũ kê”, với ý nghĩa “điệu múa của thằng Kê”. Trải qua thời gian, do cách phát âm của người Khmer gần giống với người Kinh ở chữ “V” và chữ “D” nên cách gọi này chuyển dần từ “vũ kê” trở thành “Dũ kê”, sau đó thành “dù kê” (tiếng Khmer viết là Dur-Kêrti). Chữ dù” trong tiếng Khmer có nghĩa là gom góp, sửa đổi; còn chữ “kê” lại có nghĩa là kế thừa, nối dài.

Cho đến nay, loại hình nghệ thuật Dù Kê với sự kết hợp độc đáo giữa ca hát, đối thoại, diễn xuất dân gian, cùng với sự xen cài, phụ họa của một số loại nhạc cụ truyền thống như dàn nhạc ngũ âm, đàn cò, thổi sáo, thổi kèn… đã góp phần giúp cho loại hình nghệ thuật này trở thành nét văn hóa tiêu biểu nhất khi nói đến văn hóa người Khmer Nam bộ. Đến năm 2014, nghệ thuật sân khấu Dù Kê đã chính thức được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đồng thời cho đến nay đã trải qua 100 năm hình thành và phát triển trên vùng đất này.

Hình tượng chằn trong sân khấu Dù Kê.

“Món ăn tinh thần” của người Khmer Nam bộ

Các vở diễn Dù Kê hiện nay được sáng tác dù dựa trên chất liệu truyền thống, thế nhưng đề tài và cốt truyện được sáng tạo sâu sắc về nội dung, cấu cú nhẹ nhàng góp phần chuyển tải ý nghĩa giáo dục hết sức độc đáo, nhân văn.

Theo đánh giá của tiến sĩ Mai Mỹ Duyên, nguyên giảng viên Trường Đại học Văn hóa TP HCM, sân khấu Dù Kê của đồng bào Khmer từ khi ra đời đến nay đều gắn liền với các biến chuyển trong đời sống vật chất và tinh thần của người Khmer Nam bộ. Ngay từ thuở đầu, loại hình nghệ thuật Dù Kê đã ra đời từ ảnh hưởng, tác động của nền sản xuất nông nghiệp, với các phương thức sản xuất, tập quán lao động, sinh hoạt và nhận thức, nếp nghĩ, thói quen, nhu cầu vật chất, tinh thần của cộng đồng các dân tộc ở đây.

Quá trình giao lưu giữa các dân tộc anh em như Kinh, Hoa, Khmer, Chăm,…tại vùng đất Nam bộ thể hiện rõ rệt nhất ở nghệ thuật sân khấu này. Trong đó, Dù Kê có ảnh hưởng ít nhiều về nội dung kịch bản, âm nhạc, vũ đạo, nhạc khí… của nghệ thuật hát bội và cải lương của người Kinh; ca kịch của người Hoa hay thậm chí cả vũ đạo, cách hóa trang của sân khấu Ấn Độ; âm nhạc của Pháp.

Dù vậy, chính sự kế thừa, tiếp thu các nét độc đáo, gần gũi của các yếu tố văn hóa cho thấy quá trình giao lưu văn hóa và dung hợp, thích nghi văn hóa rất cao của nghệ thuật sân khấu Dù Kê qua diễn trình lịch sử 100 năm. Cũng theo nhận định của các nhà nghiên cứu, nghệ thuật Dù Kê đã thể hiện sức sống hết sức mãnh liệt của nó, gắn bó chặt chẽ với đời sống Khmer Nam bộ chính nhờ khả năng tích hợp các thành tựu nghệ thuật của nhiều dân tộc anh em trên vùng đất Nam bộ, cộng thêm các tính cách đặc trưng phóng khoáng, cởi mở, cầu thị của người Nam bộ, đã giúp Dù Kê vượt qua thời gian và trở thành một di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đặc biệt quý báu.

Từ giai đoạn 2014 đến nay, để bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật dân gian Dù Kê, nhiều đoàn nghệ thuật của đồng bào Khmer đã được thành lập, trong đó có biểu diễn Dù Kê, điển hình như các Đoàn nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng, Ánh Bình Minh (tỉnh Trà Vinh), Bạc Liêu, Kiên Giang, bên cạnh nhiều Đội múa lưu động Khmer, đoàn nghệ thuật Dù kê quần chúng đang sinh hoạt, biểu diễn tại các trường đại học khu vực phía Nam.

Hàng năm, đồng bào Khmer ở Nam Bộ đã đưa các vở diễn nghệ thuật Dù Kê vào hoạt động văn hóa nghệ thuật, nhất là các lễ hội truyền thống, như Tết Chol Chnam Thmay (Tết năm mới, diễn ra vào dịp giữa tháng 4 dương lịch);lễ hội Sene- dolta (lễ hội cúng ông bà tổ tiên, vào dịp cuối tháng 8 âm lịch); lễ hội Ok Om Bok (lễ hội cúng trăng, tổ chức vào trung tuần tháng 10 âm lịch)…

Vào những dịp này, Dù kê cũng được biểu diễn tại các ngôi chùa Khmer ở nhiều phum, sóc của người Khmer, đã trở thành một trong những điểm nhấn đặc biệt quan trọng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với vùng đất Khmer Nam bộ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    100 năm Dù Kê

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO