11 ngày giao tranh và hy vọng phía trước

Thế Tuấn (tổng hợp) 23/05/2021 06:11

11 ngày giao tranh đẫm máu đã chấm dứt khi thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas tại Dải Gaza chính thức có hiệu lực từ 2h00 ngày 21/5 theo giờ địa phương (tức 6h cùng ngày, giờ Việt Nam).

Người dân Palestine ăn mừng khi thỏa thuận ngừng bắn Israel - Hamas có hiệu lực.

Ngay lập tức, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hoan nghênh thỏa thuận này. Ông cũng đánh giá cao những nỗ lực của Ai Cập và Qatar cùng với sự phối hợp của LHQ nhằm giúp khôi phục sự yên bình ở Gaza và Israel, đồng thời kêu gọi các bên tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn.

Tổng thư ký LHQ kêu gọi cộng đồng quốc tế cần phối hợp với LHQ hỗ trợ tái thiết nhanh chóng và bền vững cho người Palestine cũng như tăng cường các thể chế của Palestine.

Theo ông Guterres, không chỉ khôi phục sự yên bình, giới chức lãnh đạo Israel và Palestine cần có trách nhiệm khởi động đối thoại nghiêm túc để giải quyết nguyên nhân gốc rễ của xung đột. LHQ sẽ phối hợp với Israel, Palestine cùng tất cả các đối tác quốc tế và khu vực, để đưa các bên trở lại bàn đàm phán nhằm “chấm dứt sự chiếm đóng và cho phép hiện thực hóa giải pháp hai nhà nước dựa trên các đường biên giới năm 1967, các nghị quyết LHQ, luật pháp quốc tế và các thỏa thuận chung”.

Ăn mừng trong không gian nồng nặc mùi thuốc súng

Thông tin từ Cairo ngày 21/5, ngay sau khi thỏa thuận ngừng bắn Israel - Hamas có hiệu lực, Ai Cập đã cử 2 phái đoàn an ninh tới Israel và các vùng lãnh thổ Palestine để giám sát cũng như thống nhất các giải pháp tiếp theo nhằm duy trì an ninh và ổn định lâu dài.

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi cũng đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Mỹ Joe Biden, thảo luận về những diễn biến mới nhất tại các vùng lãnh thổ Palestine (gồm cả Bờ Tây và Dải Gaza), cũng như các nỗ lực chung nhằm kiềm chế leo thang căng thẳng giữa Israel và Palestine. Tại cuộc điện đàm, Tổng thống Ai Cập nhấn mạnh Cairo duy trì lập trường nhất quán ủng hộ một giải pháp toàn diện và triệt để đối với vấn đề Palestine, đảm bảo các quyền chính đáng của người Palestine xây dựng một nhà nước độc lập.

Cũng cần lưu ý, Ai Cập là quốc gia có tầm ảnh hưởng đặc biệt ở Trung Đông và cũng là trung gian hòa giải cuộc xung đột lần này giữa Israel và Hamas.

Về phía Mỹ, ông Biden cho biết, Ngoại trưởng nước này Antony Blinken sẽ công du Trung Đông “vào một ngày sớm nhất” để thảo luận các nỗ lực hợp tác hướng tới xây dựng tương lai tốt đẹp hơn cho cả người Israel và người Palestine.

11 ngày giao tranh, theo Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ, ít nhất 219 người Palestine tại Dải Gaza đã thiệt mạng, trong đó có 63 trẻ em; hơn 2000 người bị thương; 72.000 người đã phải sơ tán. Về phía Israel, Tel Aviv cho biết 12 người đã thiệt mạng, trong đó có 2 trẻ em và 1 binh sĩ.

Ngoài ra, đã có hàng nghìn người bị thương, chủ yếu ở Gaza và Bờ Tây. Theo quân đội Israel, Hamas đã phóng hơn 4.340 rocket nhằm vào nước này. Đáp lại, Israel cũng tiến hành hơn 1.000 vụ không kích và pháo kích phá hủy hàng trăm mục tiêu của Hamas ở Dải Gaza.

Ngay sau khi thỏa thuận ngừng bắn được công bố, người Palestine ở Dải Gaza đã đổ ra đường ăn mừng trong không gian vẫn nồng nặc khói súng. Người ta reo hò trên những đống vụn của đổ nát và chết chóc. Nụ cười đã trở lại trên gương mặt của những người dân Palestine.

Pháo hoa được đốt lên, thắp sáng bầu trời Dải Gaza. Trong khi đó, những chiếc loa phóng thanh lớn của nhà thờ Hồi giáo phát đi những tuyên bố chiến thắng trong trận chiến mang tên “Thanh kiếm của Jerusalem”.

Các quả đạn được gọi là A-120 của Hamas được đưa vào các bệ phóng tự chế tấn công nhằm mục đích xuyên thủng Vòm sắt của Israel.

Kéo dài lịch sử đau buồn

Hơn 70 năm xung đột đã khiến hàng triệu người Palestine phải sống lưu vong ở nước ngoài hoặc hai vùng tự trị là Dải Gaza và Bờ Tây. Tuy nhiên, nếu như Bờ Tây là phần đất được coi là “Nhà nước Palestine” thì Dải Gaza lại do Phong trào Hồi giáo Hamas nắm giữ.

Hơn 7 thập kỉ trước, sau khi Anh kết thúc hơn 30 năm cai trị vùng đất Palestine, vào năm 1948, LHQ đã ra một nghị quyết phân chia vùng đất này cho người Do Thái (Israel) và người Arab với Nhà nước Palestine, với hi vọng chấm dứt xung đột nhiều năm giữa hai bên. Riêng thành phố Jerusalem được đặt dưới quyền kiểm soát bởi lực lượng của LHQ.

Người Do Thái đồng ý với phương án mà LHQ đưa ra và nhanh chóng thành lập Nhà nước Israel. Tuy nhiên, các nước Arab lại nhất quyết cho rằng toàn bộ vùng đất này phải nằm dưới sự kiểm soát người Arab. Vì thế, ngày 15/5/1948, liên minh các lực lượng từ Ai Cập, Jordan, Syria, Lebanon và Iraq đã tiến hành tấn công nhà nước mới của người Do Thái (Israel).

Kết cục, Israel đã trụ vững trước liên quân, thậm chí còn chiếm được một số khu vực vốn được LHQ phân chia cho người Palestine và Tây Jerusalem. Cũng từ đó, thành phố Jerusalem bị chia đôi, với phần phía Tây do Isrel nắm giữ, phần phía Đông do Jordan quản lý.

Tới năm 1967, mâu thuẫn giữa hai bên một lần nữa bùng lên. Khối Arab do Ai Cập, Syria, Jordan dẫn đầu chuẩn bị một cuộc chiến mới nhằm vào Israel. Nhưng Tel Aviv đã bất ngờ động binh tấn công phủ đầu. Chỉ trong 6 ngày, Israel đẩy lùi các nước Arab và giành chiến thắng. Tel Aviv cũng chiếm đóng gần như toàn bộ Jerusalem, dải Gaza, bán đảo Sinai, Bờ Tây và Cao nguyên Golan. Từ đó, Israel tuyên bố Jerusalem là thủ đô “không thể chia cắt”.

Với Palestine, kể từ năm 1948 đến năm 1967, sau gần 2 thập niên, từ một nước có đường biên giới rõ ràng như trong kế hoạch phân vùng của LHQ, thì lại trở thành một quốc gia chỉ tồn tại trên danh nghĩa, với đường biên giới mơ hồ. Phần lớn người Palestine phải sống ở Dải Gaza và khu vực Bờ Tây, do Israel kiểm soát. Tuy vậy, họ vẫn không từ bỏ ước mơ lập quốc tại nơi mà họ coi là quê hương và được LHQ công nhận.

Lãnh thổ bị chiếm đóng, sự phẫn nộ của người Palestine với Israel vì vậy cũng tăng lên.

Ngày 8/12/1987, từ việc 4 người Palestine tại trại tị nạn Jabaliya ở Dải Gaza bị một xe tải của Israel cán chết, đã thổi bùng những cuộc đụng độ dữ dội giữa quân đội Israel và người biểu tình Palestine tại 8 trại tị nạn.

Đây là lần đầu tiên người Palestine ở Bờ Tây và Dải Gaza tham gia xung đột trực tiếp với Israel từ năm 1948, và gọi đó là “Intifada”. Nhiều người Palestine coi “Intifada” là cuộc chiến hợp pháp trong phong trào giải phóng dân tộc khỏi sự chiếm đóng của nước ngoài. Thế nhưng, đối với Israel, “Intifada” là một chiến dịch khủng bố.

Đây cũng chính là khoảng thời gian mà Phong trào Hồi giáo Hamas ra đời. Tới năm 1993, với nỗ lực của cộng đồng quốc tế, Chính phủ Israel và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) - đại diện hợp pháp duy nhất của người Palestine ở LHQ, khi đó do nhà lãnh đạo Yasser Arafat đứng đầu, đã đạt một thoả thuận lịch sử: Vạch ra kế hoạch 5 năm để người Palestine ở Bờ Tây và Dải Gaza dần dần tự quyết vận mệnh. Năm 1994, Israel có nghĩa vụ rút quân khỏi Dải Gaza và Jericho ở Bờ Tây, còn PLO được phép bắt đầu kiểm soát các khu vực không bị Israel chiếm đóng.

Hệ thống Vòm sắt (Iron Dome) của quân đội Israel nhằm đánh chặn tấn công của đối phương.

“Intifada” lần thứ nhất chấm dứt, mở ra con đường đối thoại. Tuy nhiên, cũng ngay trong thời gian này, Israel lại đẩy mạnh việc xây dựng thêm các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây. Trong khi đó, Phong trào Hồi giáo Hamas của người Palestine ở Dải Gaza lại thực hiện nhiều vụ đánh bom liều chết đã khiến các cuộc đàm phán đình trệ. Tháng 7/2000, các cuộc đàm phán chính thức đổ vỡ do hai bên không chấp nhận các đề xuất của nhau.

Sau 5 năm, hơn 1.000 người Israel và khoảng 3.500 người Palestine đã thiệt mạng vì xung đột. Tháng 1/2005, Thủ tướng Israel khi đó, ông Ariel Sharon quyết định rút lực lượng khỏi Dải Gaza, chấm dứt sự chiếm đóng tại đó từ năm 1967, nhóm lên hy vọng về một giải pháp đổi đất lấy hòa bình. “Intifada” thứ hai lắng dịu lại sau nỗ lực trên, dù không có văn kiện hay thời điểm chính thức nào ghi nhận sự chấm dứt của đợt xung đột này.

Nhưng, ở Dải Gaza, tình hình vẫn căng thẳng, trong khi Hamas tuyên bố là đại diện của toàn thể người Palestine, công khai thách thức chính quyền được LHQ công nhận của Palestine (PLO), thề sẽ tiếp tục chiến đấu để giải phóng toàn bộ khu Bờ Tây vẫn do Israel chiếm đóng. PLO hiện đặt trụ sở ở Bờ Tây và chủ trương giải quyết các vấn đề với Israel bằng đàm phán.

Cuộc xung đột đẫm máu lần này giữa Hamas và Israel được coi là tiếp nối các cuộc xung đột quy mô lớn trước đó vào năm 2008-2009 và 2014. Vì thế, tương lai nào phía trước cho Plestine cũng như khu vực Trung Đông vẫn còn là một ẩn số.

Việt Nam hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn Israel - Hamas

Ngày 21/5, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc Israel và Hamas đạt thỏa thuận ngừng bắn, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Việt Nam hoan nghênh và kêu gọi các bên liên quan tôn trọng, thực thi nghiêm túc thỏa thuận ngừng bắn vừa đạt được, không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình. Chúng tôi đánh giá cao các nỗ lực hòa giải của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là của LHQ và một số quốc gia liên quan. Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ nhân đạo, trong đó có việc ủng hộ hoạt động của Cơ quan của LHQ về cứu trợ cho người tị nạn Palestine, nhằm giúp người dân Palestine sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    11 ngày giao tranh và hy vọng phía trước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO